Tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Khám chữa bệnh để Quốc hội chuẩn bị thông qua

KHÔI NGUYÊN 05/12/2022 23:13

Bộ Y tế đang tiếp tục tổ chức lấy ý kiến để hoàn thiện dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để chuẩn bị cho Quốc hội thông qua tại kỳ họp trong tháng 12 này…

>>Luật khám, chữa bệnh (sửa đổi): Nhiều thay đổi tích cực

Chuyển giao kỹ thuật mới trong khám chữa bệnh tại bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh

Chuyển giao kỹ thuật mới trong khám chữa bệnh tại bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh. Ảnh minh họa

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua vào ngày 23/11/2009, là đạo luật đầu tiên của Việt Nam thể chế hóa quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khám, chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh và góp phần đưa hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của Việt Nam bước đầu hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, sau hơn 13 năm thực hiện, Luật cũng đã phát sinh những hạn chế, bất cập, một số quy định không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn, một số vấn đề chưa bảo đảm tính tương thích với pháp luật quốc tế. Vì thế, Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi được thiết kế theo hướng đổi mới cơ chế, để bảo đảm quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh gồm: Quyền của người bệnh gắn với nghĩa vụ của người hành nghề và trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Quyền của người hành nghề gắn với nghĩa vụ của người bệnh, thân nhân người bệnh và trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Quyền của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gắn với nghĩa vụ của người hành nghề, người bệnh và thân nhân của người bệnh; Trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm các quyền, nghĩa vụ và của người bệnh, người hành nghề; quyền và trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

>>Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi): Cần tiếp tục chỉnh sửa bảo đảm tính khả thi

Ông Đỗ Trung Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - cho biết, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có 12 Chương 123 Điều. Luật này được xây dựng trên cơ sở tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi tập trung vào 5 vấn đề:

Thứ nhất: Nâng cao chất lượng của người hành nghề thông qua việc tổ chức đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp phép hành nghề, quy định thời hạn của giấy phép hành nghề và các biện pháp quản lý sau khi cấp phép hành nghề;

Thứ hai: Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thông qua việc nâng cao chất lượng của người hành nghề, bổ sung quy định về đánh giá chất lượng, tăng cường biện pháp quản lý bằng công nghệ thông tin…

Thứ ba: Bổ sung chế định pháp lý về khám bệnh, chữa bệnh từ xa, khám chữa bệnh ban ngày, tại nhà, lưu động; bác sĩ gia đình; khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; bảo đảm an ninh bệnh viện để bảo vệ thầy thuốc, nhân viên y tế và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…

Thứ tư: Xây dựng cơ chế tài chính để bảo đảm hoạt động cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thông qua việc bổ sung quy định về tự chủ, xã hội hóa trong khám bệnh, chữa bệnh, sửa đổi quy định về chi phí khám bệnh, chữa bệnh và giá dịch vụ trên cơ sở hướng tới tính đúng, tính đủ các yếu tố hình thành giá, bảo đảm cân đối thu chi cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tự chủ và bảo đảm thống nhất với Luật Giá, Luật Bảo hiểm y tế.

Thứ năm: Cải cách thủ tục hành chính trong cấp giấy phép hành nghề, giấy phép hoạt động trên cơ sở giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, phân cấp triệt để thẩm quyền cho địa phương theo Nghị quyết của Chính phủ.

Bộ Y tế cũng đề nghị các ý kiến về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi tập trung và những vấn đề trọng tâm: Các quy định về cấp giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh, như chức danh hành nghề, thời điểm kiểm tra, đánh giá năng lực, thực hành hành nghề, sử dụng ngôn ngữ và Hội đồng y khoa Quốc gia; Các quy định về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như điều kiện cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, đánh giá chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Các quy định về điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh như, giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh, vấn đề xã hội hóa, tự chủ trong khám bệnh, chữa bệnh; Các quy định về lộ trình thực hiện kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề, đánh giá chất lượng, giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Các quy định về điều khoản chuyển tiếp đối với giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đối với các đề án, hợp đồng sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh….

Có thể bạn quan tâm

  • Luật khám, chữa bệnh (sửa đổi): Nhiều thay đổi tích cực

    Luật khám, chữa bệnh (sửa đổi): Nhiều thay đổi tích cực

    03:30, 22/10/2022

  • Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi): Cần tiếp tục chỉnh sửa bảo đảm tính khả thi

    Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi): Cần tiếp tục chỉnh sửa bảo đảm tính khả thi

    03:30, 23/10/2022

  • Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Có tăng thêm quy định “rườm rà”?

    Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Có tăng thêm quy định “rườm rà”?

    20:09, 26/05/2022

KHÔI NGUYÊN