Không cải cách thể chế triệt để, khó tạo sức bật cho doanh nghiệp

GIA NGUYỄN 09/12/2022 15:00

Để tạo sức bật cho doanh nghiệp, theo chuyên gia, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhanh hơn, thực chất hơn…

>> Cải cách thể chế “chững lại”, “xói mòn” năng lực doanh nghiệp

Theo đó, sau hơn 2 năm chống chọi với đại dịch COVID-19, từ giữa năm 2022, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do những biến động khó đoán định trên thế giới khiến chi phí đầu vào tăng cao, thị trường sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiêp phải cắt giảm sản xuất, giảm lao động; số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng kéo theo nhiều hệ lụy xã hội.

Doanh nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức sau 2 năm chống chọi với đại dịch COVID-19 - Ảnh minh họa: TCTC

Doanh nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức sau 2 năm chống chọi với đại dịch COVID-19 - Ảnh minh họa: TCTC

Thực tế, thống kê cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2022 đã có 122.135 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2021). Trong khi đó, áp lực và khó khăn thách thức trong những tháng cuối năm 2022 ngày càng rõ, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh cầm chừng.

Trong khi doanh nghiệp rất cần trợ lực từ những gói cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh thì mức độ quan tâm của bộ, ngành, địa phương dường như chùng xuống; nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa đáp ứng yêu cầu như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng. Ở một số lĩnh vực, rào cản thậm chí còn nặng nề hơn, không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà cả với cán bộ thực thi. Vì thế, niềm tin của doanh nghiệp vào cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh còn mong manh.

Bảng xếp hạng toàn cầu mới đây cho thấy, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí suy giảm. So với năm 2021, một số chỉ số năm 2022 giảm điểm hoặc giảm bậc như: Đổi mới sáng tạo giảm 4 bậc (từ thứ 44 xuống 48); Phát triển bền vững duy trì điểm số nhưng giảm 4 bậc (từ thứ 51 xuống 55); Mức độ tham gia Chính phủ điện tử giảm điểm và giảm 2 bậc (từ thứ 70 xuống 72).

Thông tin tại Hội nghị “Tình hình triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP - Vấn đề và kiến nghị”, một số doanh nghiệp cho biết, bên cạnh khó khăn do sự sụt giảm về đơn hàng, áp lực chi phí đầu vào tăng, đứt đoạn chuỗi cung ứng vật tư nguyên liệu, thì việc tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh cũng đang là vấn đề nan giải hiện. Doanh nghiệp rất “đói” vốn, nhưng chính sách đưa ra lại chưa kịp thời và chưa phù hợp thực tế để doanh nghiệp được thụ hưởng một cách tốt nhất, đem lại động lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Chưa kể, với việc có quá nhiều đợt kiểm tra, giám sát đang gây phiền hà cho doanh nghiệp...

>>Cải cách thể chế chính là "gói hỗ trợ" còn dư địa lớn nhất 

Chuyên gia cho rằng, Không cải cách thể chế triệt để, khó tạo sức bật cho doanh nghiệp - Ảnh minh họa: CAND

Chuyên gia cho rằng, không cải cách thể chế triệt để, khó tạo sức bật cho doanh nghiệp - Ảnh minh họa: CAND

Trước thực tế đã nêu, các chuyên gia cho rằng, phải có những cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn nữa nhằm dỡ bỏ các rào cản, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn bước sang quá trình phục hồi và phát triển. Đây cũng là tiền đề để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam có 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động tại Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội đề ra.

Và chỉ với những thể chế được cải cách, môi trường kinh doanh thật sự thông thoáng và thuận lợi mới là yếu tố cơ bản để giúp doanh nghiệp phục hồi kinh doanh, góp phần đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bền vững.

TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, các doanh nghiệp sẽ còn nhiều thách thức phải đối mặt trong năm 2023 khi bình diện vĩ mô chưa có thêm ý tưởng và động lực mới cho quá trình cải cách dù trong thời gian qua, Nhà nước đã có chủ trương và luôn nhấn mạnh mở rộng không gian cho các hoạt động kinh tế mới. Nếu không thực hiện cải cách thể chế một cách triệt để và căn cơ, sẽ khó để tạo ra sức bật cho doanh nghiệp, cũng như tạo ra thay đổi về cơ cấu nền kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành, địa phương.

Theo bà Minh, Chính phủ đã ban hành cơ sở ban đầu để thực thi các mô hình kinh tế mới như: kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn… Đây là điểm quan trọng tạo ra cơ chế về thể chế, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý và các doanh nghiệp có cơ chế để thực thi, nhưng để đưa vào thực tế sẽ còn nhiều khó khăn.

“Sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong tiến trình cải cách vẫn là nội dung cần tập trung nhấn mạnh và nghiên cứu giải quyết nhằm tạo sức mạnh cộng hưởng giúp đỡ các doanh nghiệp. Trong thời gian tới, cần tiếp tục duy trì cải cách gắn liền phục hồi, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô; quá trình cải cách phải thực hiện liên tục trong suốt quá trình phục hồi kinh tế; đồng thời, cần xem xét tạo thêm không gian, huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân có động lực phát triển”, bà Minh bày tỏ.

Đồng tình với quan điểm của lãnh đạo CIEM, để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng mọi cơ hội, thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua sóng lớn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Hoàng Quang Phòng cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục tập trung thay đổi cấu trúc kinh tế, cải cách cơ chế, thể chế làm sao để khối doanh nghiệp tư nhân hấp thụ được nhanh nhất, tốt nhất nguồn vốn hỗ trợ; mở thêm không gian cho các hình thức hoạt động kinh tế mới một cách bền vững, lâu dài và hiệu quả.

Bên cạnh những ý kiến đã nêu, tại Hội nghị, các doanh nghiệp, chuyên gia đều kiến nghị, cần cải cách thể chế để nhất quán hướng theo thị trường đúng với vai trò là đột phá chiến lược; nỗ lực khôi phục lại niềm tin thị trường, niềm tin của nhà đầu tư; tăng cường quản lý, điều tiết thị trường bằng các giải pháp thị trường, không bằng mệnh lệnh hành chính, thay đổi luật pháp theo lối “giật cục”, khó đoán định, làm đứt gãy hoạt động bình thường của thị trường.

Đặc biệt, cần sớm hoá giải các nỗi sợ của công chức Nhà nước, nhất là ở địa phương và nhà đầu tư như sợ làm sai quy định; sợ trách nhiệm; sợ thanh tra, kiểm tra và truy cứu trách nhiệm hình sự…

Có thể bạn quan tâm

  • Cải cách thể chế “chững lại”, “xói mòn” năng lực doanh nghiệp

    Cải cách thể chế “chững lại”, “xói mòn” năng lực doanh nghiệp

    12:00, 07/12/2022

  • 1 luật sửa 9 luật: Tiền lệ tốt cho cải cách thể chế

    1 luật sửa 9 luật: Tiền lệ tốt cho cải cách thể chế

    03:30, 18/02/2022

  • Chủ tịch VCCI: Cải cách thể chế tạo nguồn lực lớn nhất cho phát triển doanh nghiệp

    Chủ tịch VCCI: Cải cách thể chế tạo nguồn lực lớn nhất cho phát triển doanh nghiệp

    13:55, 18/01/2022

  • DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP 2022: Thay đổi tư duy trong cải cách thể chế

    DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP 2022: Thay đổi tư duy trong cải cách thể chế

    15:25, 23/11/2021

  • Cải cách thể chế: Cần “làm mới” động lực cũ

    Cải cách thể chế: Cần “làm mới” động lực cũ

    04:10, 16/11/2021

GIA NGUYỄN