Nới room tín dụng: Kịp thời nhưng chưa thỏa "cơn khát" vốn
Mặc dù đánh giá cao việc tăng hạn mức tín dụng (room) của Ngân hàng Nhà nước vừa qua, thế nhưng, theo các chuyên gia, với mức tăng 1,5 - 2% vẫn chưa thể thỏa "cơn khát" vốn…
>> Nới room tín dụng và bài toán khó của các ngân hàng
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước vừa phát đi thông báo về việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng cho năm nay, với mức tăng 1,5 - 2%. Việc điều chỉnh, theo cơ quan quản lý, trong bối cảnh tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng cải thiện hơn.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống là 12,2%. Như vậy, hạn mức tín dụng (room) theo phân bổ chỉ tiêu cả năm là 14%, vẫn còn dư 1,8%, cộng gần 2% tăng thêm thì có khoảng 3,8% hạn mức dành cho thời gian tới, tương đương với 400.000 tỷ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế.
Đồng thời, sẽ tiếp tục hướng dòng tiền vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp phục vụ cho xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là phục vụ cho lĩnh vực có vai trò động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế lúc này. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện, khơi thông nguồn vốn cho người dân mua nhà ở xã hội.
Trước động thái đã nêu, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều ủng hộ quyết định của Ngân hàng Nhà nước, bởi quyết định này sẽ giúp giải quyết được những hồ sơ tín dụng còn tồn do thiếu room tín dụng trước đó.
Thực tế, khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) cho thấy, thiếu vốn thời gian qua khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Trong khi đó, nhiều ngân hàng phải hạn chế giải ngân, dừng nhận hồ sơ mới trong khoảng hai tháng gần đây, với lý do chung là “hết room”.
>> TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Kiểm soát rủi ro, hạ lãi vay hay hanh thông vốn?
Đáng nói hơn nữa, đây là giai đoạn về đích cuối năm, phần lớn các doanh nghiệp đều muốn đẩy nhanh kế hoạch kinh doanh để kết thúc năm với kết quả khả quan nhất. Việc này sẽ không thể không có vốn, đặc biệt là với nhóm doanh nghiệp sản xuất, hàng tiêu dùng, cuối năm thường là một trong những thời điểm “nóng” trong việc huy động vốn tín dụng nhất để chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán.
Thông tin với báo chí, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, đây là biện pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, nền kinh tế, trong bối cảnh nhu cầu vốn cuối năm rất lớn và Tết năm nay sớm hơn mọi năm. Như vậy, tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ vào khoảng 15,5 - 16% so với cuối năm 2021, sẽ đáp ứng nguồn vốn lưu động cuối năm cho các doanh nghiệp.
Còn chuyên gia kinh tế - Phạm Nam Kim cho rằng, nới room tín dụng sẽ giúp các ngân hàng có thêm dư địa để cho vay. Đồng thời, sẽ làm giảm bớt nợ xấu phát sinh, lãi cũ thu được và dư nợ cho vay tăng, từ đó giúp các ngân hàng tăng thu nhập cuối năm 2022. Còn các doanh nghiệp tiếp cận được dòng vốn từ phía ngân hàng.
“Tuy nhiên, dù có thêm room mới nhưng việc cho vay vốn bao giờ cũng phải bảo đảm các chỉ số an toàn trong hoạt động ngân hàng. Những khách hàng chưa thanh toán nợ cũ chắc khó được vay mới. Hơn nữa với nhiều ngân hàng hiện thanh khoản đang eo hẹp, gặp khó về huy động thì có được tăng room cũng chưa chắc đã có đủ vốn cho doanh nghiệp vay và lãi suất cũng khó giảm”, vị chuyên gia này lưu ý.
Mặc dù đánh giá cao quyết định nới room tín dụng, sẽ phần nào hỗ trợ được thanh khoản cho các doanh nghiệp, vì nhu cầu vay vốn vào cuối năm rất cao. Nhưng bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng, với mức tăng 1,5 - 2% vẫn chưa giúp “thỏa cơn khát vốn”.
Thông tin với báo chí, TS Nguyễn Hồng Minh - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước cấp tiếp hạn mức tín dụng lần này sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất thuần Việt hưởng lợi khi giải được bài toán thanh khoản dịp cuối năm. Tuy vậy, việc nới room tín dụng thêm 1,5 - 2% giống như “muối bỏ bể” đối với thị trường doanh nghiệp rộng lớn hiện tại.
Còn theo TS Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, theo số liệu công bố gần nhất của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng chưa tới 12%, nghĩa là chưa đụng trần 14% chỉ tiêu cả năm. Điều này cho thấy các ngân hàng thương mại chưa cho vay hết room và vẫn còn dư địa để cho vay thêm.
“Tuy nhiên, việc cho vay thêm không dễ bởi huy động vốn đầu vào đang rất khó khăn. Nền kinh tế thiếu thanh khoản, lãi suất huy động đã tăng lên mức 9%-9,5%/năm để hút vốn, nói cách khác, việc nới room không đồng nghĩa với việc dòng tiền đến được với doanh nghiệp”, TS Nguyễn Hữu Huân chỉ rõ.
Góp ý thêm, TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc bơm thêm thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng thông qua thị trường mở hoặc liên ngân hàng, từ đó các ngân hàng thương mại có thêm dư địa để cho vay.
Bên cạnh những nội dung đã nêu, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ, lẽ ra nếu có thể nới room vào tháng 11 thì hợp lý hơn, nhưng “chậm còn hơn không”, việc chính sách được thực hiện không chỉ có tác dụng “bơm oxy” cho doanh nghiệp ở thời điểm này mà còn giúp tạo đà cho nền kinh tế được vận hành thuận lợi ít nhất trong đầu năm 2023. Vì nếu không, khi hạn mức tín dụng được mở ra vào năm 2023, khi đó sẽ rất khó khởi động lại cỗ máy đã “trơ ỳ” trong thời gian dài.
Có thể bạn quan tâm
Nới room tín dụng và bài toán khó của các ngân hàng
05:25, 09/12/2022
Fed, tỷ giá và nới room tín dụng của Việt Nam
05:00, 07/12/2022
Cấp bách nới room tín dụng: Nắn dòng vốn vào sản xuất kinh doanh
01:00, 03/12/2022
Thêm các ngân hàng được nới room tín dụng, tăng tốc giải ngân hỗ trợ nền kinh tế
15:38, 01/12/2022
Lãnh đạo TP. HCM kiến nghị Chính phủ nới room tín dụng và hỗ trợ trái phiếu doanh nghiệp
19:00, 27/11/2022