Lộ bất cập từ các trung tâm đăng kiểm xã hội hóa
Việc hàng loạt trung tâm đăng kiểm, đăng kiểm viên dính sai phạm thậm chí đã vướng vòng lao lý đang cho thấy có những bất cập, kẽ hở trong hoạt động quản lý và vận hành của lĩnh vực này…
>>Yêu cầu cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe có khiếm khuyết “nhỏ”
Theo đó, từ trước năm 2019, hầu hết các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đều là đơn vị sự nghiệp nhà nước, chỉ một số đơn vị được thí điểm đầu tư, hoạt động theo mô hình xã hội hóa. Tuy nhiên, từ năm 2019 với việc quy định về phát triển trung tâm đăng kiểm theo quy hoạch vùng, địa phương được gỡ bỏ, các doanh nghiệp bắt đầu ồ ạt đầu tư vào lĩnh vực này. Từ đó, số lượng trung tâm đăng kiểm mới gia tăng nhanh chóng, đặc biệt với các trung tâm đăng kiểm do doanh nghiệp và cá nhân đầu tư.
Thống kê trên cả nước có 280 trung tâm đăng kiểm, trong đó 63 trung tâm của Sở GTVT, 204 trung tâm thuộc doanh nghiệp và 13 trung tâm thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng, không thể phủ nhận việc xã hội hóa công tác đăng kiểm đã giúp cho lĩnh vực này có sự phát triển đột phá trong thời gian qua. Tuy nhiên, xã hội hóa đăng kiểm đã và đang bộc lộ không ít bất cập. Đáng lo ngại nhất là sự xuất hiện của những trung tâm đăng kiểm kém chất lượng.
Thông tin trả lời báo chí, ông Nguyễn Vũ Hải- Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam thẳng thắn thừa nhận, công tác kiểm định xe cơ giới lưu hành là lĩnh vực có tính xã hội cao, hoạt động rộng trên cả nước, ảnh hưởng đến nhiều người dân và doanh nghiệp, do đó vẫn tồn tại những bất cập, kẽ hở mà các tổ chức, cá nhân đã lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, không chấp hành quy trình, quy định.
Cụ thể như việc bỏ quy định về việc các đơn vị đăng kiểm xây dựng và thành lập mới phải tuân thủ quy hoạch mạng lưới các đơn vị đăng kiểm sau khi Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới ra đời đã dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, từ đó xuất hiện cạnh tranh gay gắt, không lành mạnh giữa các đơn vị để thu hút khách hàng; thậm chí một số đơn vị đã có những hành vi thực hiện sai tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định, bỏ nội dung, hạng mục kiểm tra, thực hiện các hành vi giả mạo trong việc kiểm định xe cơ giới, vi phạm pháp luật hình sự.
Ông Hải cũng thông tin thêm, các doanh nghiệp, chủ đầu tư đều có nhu cầu nhanh chóng thu hồi vốn và có lợi nhuận nên chỉ quan tâm đầu tư thành lập đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tại những khu vực đô thị các tỉnh, thành phố lớn, nơi có nhiều phương tiện hoạt động. Do đó mật độ xây dựng các đơn vị đăng kiểm tại các khu vực đô thị rất cao, trong khi tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có ít xe hơn thì không có, hoặc rất ít đơn vị đăng kiểm được thành lập, việc kiểm định phương tiện của người dân, doanh nghiệp vẫn phải đi xa, tốn thời gian, chi phí.
Đồng thời, đăng kiểm viên là người làm thuê tại các đơn vị đăng kiểm tư nhân, do đó chịu ảnh hưởng, tác động của chủ đầu tư, không còn tính độc lập trong kiểm tra, đánh giá, xác nhận kết quả kiểm định. Ngoài ra, để giảm chi phí, các chủ đầu tư thường chỉ thuê các đăng kiểm viên mới, thiếu kinh nghiệm trong công tác kiểm định xe cơ giới dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực tại các đơn vị đăng kiểm xã hội hóa còn có nhiều hạn chế.
>>Ngăn chặn tình trạng bán ô tô, xe máy “hai giá”
Ngoài ra, nhận thức của chủ xe, lái xe còn chưa cao, vẫn còn tâm lý muốn các đơn vị đăng kiểm bỏ qua các lỗi, khiếm khuyết về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện nên đã có các hành vi tác động, hối lộ, tặng quà, đồng lõa với các hành vi tiêu cực để các đơn vị đăng kiểm bỏ qua…
Thậm chí, có một số trường hợp, một chủ đầu tư hoặc một doanh nghiệp đứng ra thành lập nhiều đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, sau đó thực hiện luân chuyển nhân sự thường xuyên; có trường hợp đăng kiểm viên của đơn vị này lại tham gia đầu tư thành lập đơn vị đăng kiểm khác với vai trò chủ đầu tư. Dẫn đến việc khó kiểm soát các điều kiện hoạt động, không rõ vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ. Có trường hợp đăng kiểm viên không làm việc tại đơn vị nhưng chủ đầu tư vẫn khai báo và giả mạo chữ ký của đăng kiểm viên để ký xác nhận vào các bảng phân công nhiệm vụ, xác nhận kết quả kiểm tra…
Để khâu giám sát an toàn trong đăng kiểm được thực hiện một cách chặt chẽ nhất, tạo niềm tin cho người dân, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết sẽ phối hợp với Thanh tra Bộ thực hiện thanh tra theo kế hoạch hàng năm đối với nhiều đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Sở GTVT các tỉnh, thành phố trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, cấp giấy phép hoạt động đơn vị đăng kiểm xe cơ giới. Nâng cấp chương trình phần mềm quản lý kiểm định để tăng cường tính bảo mật và mức độ kiểm soát. Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các đơn vị đăng kiểm, lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ, kể cả việc thu hồi giấy phép hoạt động.
Ngoài ra, trong thời gian tới, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ thực hiện rà soát để đề xuất bổ sung, sửa đổi ngay các văn bản quy phạm pháp luật, thể chế, quy định nhằm kịp thời khắc phục sơ hở, bất cập; loại bỏ cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực; nhận diện từng khâu, từng vị trí công kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực; nhận diện từng khâu, từng vị trí công tác tiềm ẩn, dễ phát sinh tiêu cực để đề xuất xây dựng, thực hiện các giải pháp, biện pháp cụ thể phòng ngừa, kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định xe cơ giới.
“Để hạn chế việc sửa đổi nội dung Giấy chứng nhận kiểm định của xe cơ giới, hỗ trợ lực lượng tuần tra kiểm soát và các cơ quan chức năng tra cứu, đối chiếu dữ liệu kiểm định nhanh chóng, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ thực hiện liên thông dữ liệu từ sản xuất lắp ráp, nhập khẩu đến lưu hành và in mã QR code lên Giấy chứng nhận kiểm định, khi cần tra cứu chỉ cần sử dụng điện thoại quét mã QR code sẽ dẫn tới đường link hiển thị thông tin dữ liệu của phương tiện…”, vị đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin.
Có thể bạn quan tâm