Nhà đầu tư ngoại sẽ thâu tóm các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam?

PHƯƠNG THANH 16/01/2023 05:00

Bỏ nguồn lực và tâm huyết vào phát triển dự án năng lượng tái tạo, nhưng đến khi doanh nghiệp lỗ không thể duy trì đành bất lực để các tổ chức tín dụng siết nợ, chứ không phải bị ai đó thâu tóm.

>>Bất cập thị trường năng lượng tái tạo - Bài 2: Chính sách ngắt quãng làm nản lòng nhà đầu tư

Đó là chia sẻ của bà Hồng Kim Vi –Phó Tổng Giám đốc Đối ngoại, Tập đoàn Super Energy (Tập đoàn Năng lượng Thái Lan) tới Diễn đàn Doanh nghiệp

Bà Hồng Kim Vi –Phó Tổng Giám đốc Đối ngoại, Tập đoàn Super Energy

Bà Hồng Kim Vi –Phó Tổng Giám đốc Đối ngoại, Tập đoàn Super Energy

Theo bà Vi, hiện nay trên thị trường đang có xu hướng mua bán, sáp nhập các dự án năng lượng tái tạo. Cụ thể, thay vì đầu tư triển khai dự án mới thì các nhà đầu tư sẽ tham gia vào thị trường bằng việc mua bán các dự án đã COD tại Việt Nam.

- Thưa bà, có một số ý kiến cho rằng thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam đang bị thâu tóm bởi các doanh nghiệp FDI lớn. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Tôi cho rằng đánh giá này thiếu sự chính xác từ thực tế. Bởi về lĩnh vực đầu tư điện ở Việt Nam có thể chia làm ba nhóm gồm: Nhóm thứ nhất là các nhà đầu tư nước ngoài; thứ hai là các tập đoàn Việt Nam có thể thu xếp được tín dụng với các ngân hàng trong nước và nước ngoài; cuối cùng là chưa kịp thu xếp vốn nhưng muốn làm dự án.

Với nhóm nhà đầu tư nước ngoài, trong giai đoạn từ năm 2017-2019, họ có thể lấy được nguồn vốn nước ngoài với giá khoảng 4-5% (USD), trong khi các doanh nghiệp Việt Nam phải lấy vốn ở các ngân hàng trong nước với vốn từ 11-15% nếu tính tất cả các chi phí vốn vào đó. Vì vậy các nhà đầu tư trong nước bị đẩy vốn đầu tư lên rất cao so với các doanh nghiệp nước ngoài.

Còn các tập đoàn doanh nghiệp Việt Nam rất khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, vì các ngân hàng nước ngoài không cho vay với doanh nghiệp trong nước do điểm tín dụng không đủ. Cho nên doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nhờ các ngân hàng Việt Nam cấp thư bảo lãnh tín dụng, từ đó mới xin vay được vốn nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ một vài doanh nghiệp lớn ở Việt Nam mới làm được việc đó, đa số doanh nghiệp còn lại sẽ dùng hình thức tổng thầu.

- Như vậy, phần lớn các nhà đầu tư Việt Nam vào lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ phụ thuộc vào các tổng thầu, thưa bà?

Đúng vậy, thi công các dự án đa số là các tổng thầu là của Trung Quốc, họ sẽ cho các doanh nghiệp trả chậm từ 2-3 năm, thường các doanh nghiệp nghĩ đến một bức tranh màu hồng khi làm dự án khoảng 2 năm là xong, tới lúc Nhà nước trả tiền cũng là lúc phải trả tiền cho đơn vị tổng thầu.

Tuy nhiên khi không kịp giá FIT thì không có tiền để trả cho tổng thầu, buộc các tổng thầu phải siết nợ, trong khi doanh nghiệp thế chấp bằng dự án. Vốn dĩ khi làm dự án, doanh nghiệp chỉ có 30% vốn, còn 70% sử dụng tổng thầu, sau 2-3 năm không có tiền thì phải bị siết nợ là điều dễ hiểu.

Bên cạnh đó, hiện nay đang có xu hướng sôi động trên thị trường mua bán, sáp nhập. Nhà đầu tư nước ngoài từ châu Âu, Mỹ hay nhiều nước châu Á thay vì nghiên cứu đầu tư dự án mới tại Việt Nam, thì họ sẽ tham gia vào thị trường bằng việc mua bán các dự án đã COD tại Việt Nam. Đây là một cơ hội quá tốt khi các doanh nghiệp Việt Nam đang kẹt tiền, nếu ép giá sẽ mua được giá rất hời thay vì đầu tư dự án mới, chịu rủi ro.

- Trước những bất cập trên, bà có góp ý như thế nào về chính sách cho thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam?

Xét về các dự án điện mặt trời, điện gió đa phần được triển khai ở thời gian 3 năm gần đây, khoảng từ 2019-2020 đến nay. Tuy nhiên, đã hơn 2 năm nay không có chính sách mới cho điện mặt trời và hơn 1 năm chưa có chính sách cho điện gió. Trong khi đó đã đủ 3 năm để tổng thầu hoặc các tổ chức tín dụng siết nợ rồi.

Vậy ai sẽ là người cứu doanh nghiệp trong nước? Tất nhiên là doanh nghiệp tự cứu mình bằng cách phải bán "lúa non". Qua đó tôi nhìn nhận sự cấp thiết của chính sách là rất quan trọng, đặc biệt là khung giá cạnh tranh để đủ hấp dẫn giữ chân được các doanh nghiệp dồn nguồn lực đầu tư phát triển cho lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Từ kinh nghiệm bản thân trong quá trình làm việc tại Tập đoàn Super Energy, một dự án điện tái tạo của tập đoàn này tại Thái Lan với công suất 76 MW được trả tới 16 Cent, phát điện 100%. Hay như giá điện tại Hàn Quốc cũng khoảng 9-10 Cent.

Tôi lo ngại, nếu như Việt Nam kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài mà với giá điện tại Việt Nam như hiện nay thì so sánh chi phí cơ hội các nhà đầu tư đó sẽ chuyển sang đầu tư ở nước khác, Việt Nam khó lòng giữ chân được các “đại bàng” -nhà đầu tư ngoại.

Do đó tôi cho rằng, để tạo động lực thu hút tài chính, dòng vốn ngoại đổ vào thị trường năng lượng tái tạo, Việt Nam cần có cơ chế ổn định, dài hạn cùng chính sách giá đủ sức cạnh tranh trong khu vực để Việt Nam giữ chân được các ông lớn và phát triển bền vững lĩnh vực này.

Mặt khác đầu tư phát triển thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam sẽ thu được một khoản lớn ngân sách cho đất nước. Nhà đầu tư có tiền, họ lại tái đầu tư trong nước và tạo được công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động.

Làm được điều này tôi hy vọng các chuyên gia khi tính toán quy hoạch, hãy làm sao để môi trường đầu tư của Việt Nam thêm hấp dẫn các nhà đầu tư ở lại, hạn chế tiền trong nước của mình chạy ra nước ngoài. Và về giá điện, cần xây dựng phương án có được sự hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng điện.

- Xin cảm ơn bà!

Có thể bạn quan tâm

  • Bất cập trong môi trường đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam

    Bất cập trong môi trường đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam

    00:53, 09/01/2023

  • Đề xuất Chính phủ hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo

    Đề xuất Chính phủ hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo

    00:37, 08/01/2023

  • Giải pháp về giá điện đối với các doanh nghiệp năng lượng tái tạo

    Giải pháp về giá điện đối với các doanh nghiệp năng lượng tái tạo

    11:47, 07/01/2023

  • Tháo gỡ khó khăn trong lộ trình phát triển năng lượng tái tạo

    Tháo gỡ khó khăn trong lộ trình phát triển năng lượng tái tạo

    11:26, 07/01/2023

  • Mục tiêu giảm phát thải thông qua chiến lược phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam

    Mục tiêu giảm phát thải thông qua chiến lược phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam

    11:15, 07/01/2023

PHƯƠNG THANH