Cần thiết áp dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh xăng dầu
Không chỉ giúp tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu, việc áp dụng hóa đơn điện tử còn giúp chống thất thu thuế, đáp ứng yêu cầu phát triển...
>> Quản lý kinh doanh xăng dầu: Không thể chuyền mãi… “quả bóng” trách nhiệm
Một trong những giải pháp đã và đang được ngành Thuế triển khai đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu là phối hợp với các ngành chức năng dán tem niêm phong kẹp chì đồng hồ tổng trên các cột xăng dầu. Việc dán tem tại các cột xăng nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, giảm thất thu thuế ngân sách Nhà nước.
Thực tế, sau thời gian triển khai dán tem tại các cột xăng dầu, tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu bước đầu cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây chưa là giải pháp hoàn hảo để tạo ra sự minh bạch, vì vậy, việc nghiên cứu và thí điểm áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) vào mua bán xăng dầu trước khi bắt buộc áp dụng HĐĐT theo quy định của Luật Quản lý thuế được cho là giải pháp cần thiết. Bởi, hoạt động này không chỉ giúp tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước, chống thất thu thuế, mà còn đáp ứng yêu cầu phát triển, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thông tin với báo chí, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên Cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, xăng dầu thuộc mặt hàng được Nhà nước quản lý như nhập khẩu, điều phối và dự trữ chiến lược. Đặc biệt, xăng dầu là một mặt hàng có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Trước tình trạng gian lận trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu gây thiệt hại cho người tiêu dùng và gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, đặc biệt, trong bối cảnh việc áp dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu chưa thể triển khai đồng bộ trong phạm vi cả nước, ngành Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp có những biện pháp phù hợp với điều kiện thực tế nhằm tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu là phù hợp để đảm bảo chống thất thu thuế và hạn chế gian lận đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Trước đó, chủ trương áp dụng HĐĐT và kết nối dữ liệu trong kinh doanh xăng dầu đã được Tổng cục Thuế triển khai thí điểm tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Lộ trình áp dụng được chia làm 3 giai đoạn: Từ 01/01/2018 áp dụng tại Công ty mẹ Tập đoàn và Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình; từ ngày 01/02/2018 áp dụng tại Công ty Xăng dầu B12 và Công ty Xăng dầu Tây Nam Bộ; và từ 01/4/2018, áp dụng trong toàn hệ thống Petrolimex.
>> Sửa Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Bộ Công Thương cần phải chịu trách nhiệm chính
Sau thời gian áp dụng HĐĐT tại Petrolimex, chủ trương này đã và đang cho thấy những kết quả tích cực đáng kỳ vọng, không chỉ giúp tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước, mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này.
Ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng giám đốc Petrolimex ghi nhận, HĐĐT có 2 ưu điểm nổi bật: Thứ nhất là thuận tiện, theo đó, khách hàng dễ dàng nhận HĐĐT qua địa chỉ email hoặc truy cập vào trang web của Petrolimex để truy xuất hóa đơn. Thứ hai là an toàn, HĐĐT được lưu trữ dưới dạng file dữ liệu điện tử trên hệ thống server của Petrolimex trong 10 năm; an toàn trước các nguy cơ mất, hỏng, rách hóa đơn, đặc biệt trong quá trình vận chuyển xăng dầu trên đường nhiều khi kéo dài tới 1 - 2 ngày.
Theo Phó Tổng giám đốc Petrolimex, đối với Petrolimex, với lượng xăng dầu bán ra khoảng trên 12 triệu m3 mỗi năm, sẽ phải tự in gần 20 triệu tờ hóa đơn giấy. HĐĐT tiết kiệm đáng kể chi phí in phôi, chi phí đầu tư, vận hành, bảo trì máy in, chi phí gửi hóa đơn cho khách hàng và nhất là chi phí xây kho để lưu giữ, bảo quản.
Vị lãnh đạo này cũng cho rằng, việc phát hành HĐĐT là một xu thế tất yếu, giảm bớt những gánh nặng về thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng, tiết giảm chi phí kinh doanh. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng thuận tiện trong việc tra cứu thông tin để kiểm soát. Đây là một chương trình mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng, Nhà nước và doanh nghiệp.
Không chỉ doanh nghiệp, các chuyên gia cũng đánh giá, việc sử dụng HĐĐT trong lĩnh vực kinh doanh, bán lẻ xăng dầu là hướng đi thích hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển của văn minh thương mại thế giới.
Đồng thời, việc áp dụng HĐĐT trong hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu cũng sẽ hạn chế tình trạng mua bán xăng dầu lậu, xăng dầu giả, kém chất lượng và ngăn chặn hiệu quả việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Đặc biệt, khi triển khai HĐĐT, cả cơ quan quản lý thuế, doanh nghiệp đều có thể truy cập nhanh chóng vào Cổng thông tin xăng dầu của doanh nghiệp để tra cứu tất cả thông tin mua vào, bán ra, giúp cả hai phía thuận tiện trong việc kiểm soát, đối chiếu số liệu.
Được biết, trước những tín hiệu tích cực đã nêu, để tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, góp phần phòng, chống gian lận thương mại, tránh gây thiệt hại cho người tiêu dùng và chống thất thu ngân sách Nhà nước. Mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Bộ Công Thương phối hợp nghiên cứu bổ sung quy định việc thực hiện HĐĐT và kết nối dữ liệu HĐĐT giữa các cửa hàng xăng dầu, cơ sở sản xuất kinh doanh xăng dầu với cơ quan thuế là một trong những điều kiện để doanh nghiệp được phép kinh doanh xăng dầu tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Có thể bạn quan tâm
Quản lý kinh doanh xăng dầu: Không thể chuyền mãi… “quả bóng” trách nhiệm
04:00, 15/01/2023
Sửa Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Bộ Công Thương cần phải chịu trách nhiệm chính
04:00, 12/01/2023
Dự thảo Nghị định sửa đổi quản lý xăng dầu: Chưa phải phương án cuối cùng
07:23, 10/01/2023
Kinh doanh xăng dầu - Không thể giao doanh nghiệp thống lĩnh thị trường quyết giá
05:00, 10/01/2023
Ổn định thị trường xăng dầu: Cần một “nhạc trưởng” chỉ huy giá
04:00, 05/01/2023