Doanh nghiệp quan ngại quy định đại lý bán lẻ chỉ được lấy hàng từ một nguồn
Xoay quanh nội dung Dự thảo Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp quan ngại tính cạnh tranh bị triệt tiêu nếu giữ nguyên quy định đại lý bán lẻ chỉ được lấy hàng từ một nguồn…
>> Cần thiết áp dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh xăng dầu
Trong Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương muốn giữ nguyên quy định đại lý bán lẻ chỉ được lấy xăng dầu từ một nguồn.
Cụ thể, trong tờ trình về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất hai phương án về việc đại lý bán lẻ được nhập hàng từ bao nhiêu nguồn.
Thứ nhất: Giữ nguyên quy định hiện hành tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, đại lý bán lẻ chỉ được lấy hàng từ một nguồn. Ưu điểm của phương án là phù hợp quy định của Luật Thương mại, giúp kiểm soát chất lượng, giá bán xăng dầu; khi nguồn cung gặp khó khăn, có đơn vị chịu trách nhiệm về việc cung cấp xăng dầu cho đại lý để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ đạo, xử lý.
Tuy nhiên, nhược điểm là trong cùng một thời điểm, đại lý không được lựa chọn nhiều nguồn cung cấp xăng dầu. Các đại lý có thể lựa chọn đơn vị cung cấp khác khi đã thanh lý hợp đồng với đơn vị cũ.
Thứ hai: Sửa đổi cho quy định theo hướng cho phép đại lý kinh doanh xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn và có thể giới hạn từ 2 - 3 nguồn. Ưu điểm của phương án là đa dạng nguồn cung, tăng vị thế cho đại lý trong quá trình đàm phán mua hàng, thế nhưng nhược điểm là không phù hợp Luật Thương mại, khó kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, giá bán; khi nguồn cung gặp khó khăn sẽ không có đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm về nguồn cung cho đại lý.
>> Quản lý kinh doanh xăng dầu: Không thể chuyền mãi… “quả bóng” trách nhiệm
Sau khi cân nhắc, Bộ Công Thương lựa chọn phương án 1 (giữ nguyên quy định hiện hành), bởi theo cơ quan này, trên thị trường có rất nhiều đơn vị cung ứng xăng dầu (các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối với việc cung ứng khá cạnh tranh) nên đại lý bán lẻ xăng dầu có thể lựa chọn, thay đổi đơn vị cung cấp có uy tín để kinh doanh lâu dài.
Đồng tình với quan điểm của Bộ Công Thương, trước đó, một số ý kiến cho rằng, quy định đại lý bán lẻ chỉ được lấy hàng từ một nguồn sẽ tránh để thị trường không bị “loạn” vì xăng giả. Sở dĩ cho phép các thương nhân phân phối, tổng đại lý mua hàng từ nhiều đầu mối do số đầu mối rất ít, việc mua bán rõ ràng, số liệu chất lượng quản lý minh bạch. Trong khi hiện nay, cả nước có khoảng 17.000 đại lý, độ lan tỏa, mức ảnh hưởng vô cùng lớn nếu hàng giả bị tuồn vào. Vì thế, nếu cho lấy hàng từ nhiều nơi mà phát hiện hàng giả sẽ khó khăn trong truy xuất nguồn gốc.
Tuy nhiên, quy định này ngay lập tức nhận được sự phản ứng trái chiều của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó, không ít ý kiến quan ngại, nếu giữ nguyên quy định đại lý bán lẻ chỉ được lấy hàng từ một nguồn sẽ khiến tính cạnh tranh bị triệt tiêu.
Theo đại diện Chi hội Xăng dầu - Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vửa Việt Nam, quy định này làm triệt tiêu sự cạnh tranh. Bởi, khi có doanh nghiệp phân phối trả chiết khấu cao hơn, các đại lý bán lẻ sẽ không thể lấy được hàng vì vướng quy định chỉ được lấy hàng từ một nguồn. Còn nếu muốn thay đổi, các đại lý sẽ phải làm thủ tục sửa đổi giấy phép kinh doanh và theo quy định mất khoảng 20 ngày, như vậy làm mất đi cơ hội của doanh nghiệp.
Thông tin với báo chí, TS. Giang Chấn Tây - chuyên gia kinh tế đề xuất, nên quy định đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ 2 nơi để “tránh tình trạng triệt tiêu cạnh tranh”.
Ông Giang Chấn Tây cho rằng, thực tế thời gian qua cho thấy, việc quy định chỉ được lấy hàng từ một nơi khiến xảy ra tình trạng doanh nghiệp bán lẻ phải đóng cửa khi nhà cung cấp độc nhất hết hàng. Nếu cho phép đại lý được lấy hàng từ 2 nơi, chắc chắn việc quản lý về chất lượng không khó.
Vị chuyên gia này phân tích, theo hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện nay, mỗi lần nhập hàng đều lấy của mỗi bên 1 mẫu để đối chiếu và quy trách nhiệm về chất lượng khi cần. Bên nhà cung cấp lưu 1 mẫu, bên doanh nghiệp bán lẻ lưu 1 mẫu. Khi doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng ở 2 nhà cung cấp có nghĩa là khi nhập hàng, họ sẽ phải lưu 2 mẫu của 2 nhà cung cấp. Khi cơ quan chức năng kiểm tra lấy mẫu để kiểm định chất lượng của doanh nghiệp bán lẻ (thông thường lấy ở trụ bơm), nếu chất lượng không đạt thì lần lượt kiểm tra mẫu của nhà cung cấp, bên nào không đạt chất lượng thì bên đó chịu trách nhiệm. Còn nếu cả 2 mẫu của nhà cung cấp đều đạt chất lượng thì lỗi thuộc về doanh nghiệp bán lẻ.
“Không khó để quản lý chất lượng theo phương pháp loại trừ. Vì vậy, cũng không cần phải phân ra khác bồn, khác trụ bơm của 2 đầu mối như một số chuyên gia đã nêu”, ông Giang Chấn Tây nhấn mạnh.
Bên cạnh những nội dung đã nêu, về vấn đề giá, nhiều ý kiến cũng đề xuất, cần phân theo vùng chứ không cho quyền nhà cung cấp tự quyết định giá cao thấp khác nhau. Nên phân ra làm 3 hoặc 4 vùng để khắc phục tương đối công bằng về phí vận chuyển của các vùng xa nguồn. Vì vậy, dù lấy hàng ở 2 nhà cung cấp nhưng giá theo vùng thì giống nhau, như thế trên trụ bơm vẫn bán cùng một giá, rất thuận tiện. Đây là giải pháp để khắc phục doanh nghiệp bán lẻ không bị đứt nguồn như đã từng xảy ra do chỉ lấy hàng ở một nhà cung cấp duy nhất, giúp các doanh nghiệp này không rơi vào đường cùng khi nhà cung cấp bị rút giấy phép hay đứt nguồn dẫn đến đóng cửa.
Có thể bạn quan tâm
Cần thiết áp dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh xăng dầu
04:00, 17/01/2023
Quản lý kinh doanh xăng dầu: Không thể chuyền mãi… “quả bóng” trách nhiệm
04:00, 15/01/2023
Sửa Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Bộ Công Thương cần phải chịu trách nhiệm chính
04:00, 12/01/2023
Dự thảo Nghị định sửa đổi quản lý xăng dầu: Chưa phải phương án cuối cùng
07:23, 10/01/2023
Kinh doanh xăng dầu - Không thể giao doanh nghiệp thống lĩnh thị trường quyết giá
05:00, 10/01/2023