Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Kỳ vọng lần sửa đổi trong năm 2023

KHÔI NGUYÊN 28/01/2023 03:30

Các chuyên gia kỳ vọng bước vào năm mới 2023, lần sửa đổi Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ tiếp tục hoàn thiện quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không gian mạng…

>>“Vạch mặt” hàng giả, hàng nhái lừa dối người tiêu dùng

Việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động cần thiết, kịp thời

Việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động cần thiết, kịp thời. Ảnh minh họa

Những năm gần đây, cùng sự phát triển của kinh tế - xã hội đã làm xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, đặc biệt là các giao dịch trên môi trường thương mại điện tử, các giao dịch xuyên biên giới, các dịch vụ chia sẻ trên nền tảng công nghệ số...

Tuy nhiên, song hành với đó là những cạm bẫy “bủa vây” người tiêu dùng thời 4.0 đang ngày càng tinh vi hơn. Khác với quan hệ mua bán đơn thuần trước đây, với hình thức mua sắm online trực tuyến phổ biến ngày nay, người tiêu dùng dễ dàng bị lừa hơn bởi vô vàn cách thức quảng cáo trên không gian số, qua hình ảnh những ngôi sao, người nổi tiếng, mà không có cơ quan chức năng nào kiểm chứng, giám sát.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng tăng nhanh cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Cụ thể, khoảng 1.500 vụ mỗi năm trong giai đoạn 2016 – 2020, đây cũng là khoảng thời gian phát triển bùng nổ thương mại điện tử. Báo cáo của Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA) cũng cho biết, số vụ lừa đảo tại Việt Nam hiện là 87.000 vụ, gây thiệt hại 374 triệu USD trong năm 2021.

Do đó, việc hoàn thiện quy định pháp luật và tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần sớm được triển khai, áp dụng vào thực tế.

Các chuyên gia cho rằng, để người tiêu dùng thực sự là “thượng đế”, vấn đề mấu chốt đặt ra với Dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) là phải khắc phục triệt để các bất cập hiện nay từ trách nhiệm của nhà nước đến các doanh nghiệp, người bán hàng. Tuy nhiên, như nhiều đại biểu Quốc hội đã chỉ rõ, các quy định đưa ra trong dự thảo luật vẫn còn “chung chung, chưa cụ thể, khó hiểu, khó áp dụng”, chưa thể bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng.

Đặc biệt, dự thảo cũng chưa đưa ra được những giải pháp và chế tài đủ mạnh, đủ răn đe để doanh nghiệp, người bán hàng “chùn tay”, không dám vi phạm.

Bước vào năm mới 2023 nhiều ý kiến kỳ vọng, lần sửa đổi Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ có những quy định tiếp tục hoàn thiện quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi tham gia giao dịch trên không gian mạng (thương mại điện tử, cho vay tiêu dùng, các mô hình kinh tế chia sẻ, dịch vụ ngang hàng), giảm thiểu và ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Đặc biệt, cần phải có quy định về quyền và nghĩa vụ của bên thứ ba tham gia vào việc giám sát tính trung thực trong các giao dịch; có cơ chế để chủ thể kinh doanh khi sử dụng ứng dụng của internet không tự mình xóa được tài khoản bán hàng khi bị phát hiện có hành vi kinh doanh không trung thực.

Đánh giá về dự thảo Luật, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - cho rằng, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tiến bộ hơn rất nhiều so với Luật cũ và được điều chỉnh rộng khắp nhiều lĩnh vực, nhiều điều khoản. Trong đó có các quy định, điều chỉnh về trách nhiệm của người bán hàng, các đơn vị trung gian và cả các quy định về nền tảng bán hàng, đăng ký gian hàng là những sửa đổi rất ý nghĩa. Chắc chắn, sẽ giúp cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và trong các giao dịch đặc thù (trên không gian mạng) sẽ tốt hơn.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định: Việc quy định chặt chẽ hơn có thể sẽ làm phát sinh thêm chi phí, nguồn lực cho cơ quan nhà nước cũng như yêu cầu cao hơn về trách nhiệm cho phía doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, hoàn thiện quy định này sẽ đảm bảo sự lành mạnh cho môi trường kinh doanh, tạo sự an tâm cả phía khách hàng lẫn doanh nghiệp”, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

>>Cân nhắc nội dung bổ sung “tổ chức” vào khái niệm “người tiêu dùng”

Hy vọng lần sửa đổi Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi NTD sẽ có những quy định tiếp tục hoàn thiện quy định bảo vệ quyền lợi NTD khi tham gia giao dịch trên không gian mạng.

Nhiều ý kiến kỳ vọng lần sửa đổi Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ có những quy định tiếp tục hoàn thiện quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi tham gia giao dịch trên không gian mạng. Ảnh minh họa

Trước đó, góp ý cho Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Dự thảo dường như đang giao quá nhiều nghĩa vụ cho các tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số vượt ra ngoài phạm vi hoạt động của các tổ chức này, thậm chí có những quy định trùng lặp với nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân bán hàng.

Cụ thể, khoản 3 Điều 42 Dự thảo quy định: “tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số tại điểm b khoản 1 Điều này có trách nhiệm thực hiện quy định tại Chương II, Điều 39, Điều 40 và Mục 2 Chương III của Luật này”. Trong khi đó, một số quy định trong số này rõ ràng là không được thiết kế cho tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số, ví dụ: Toàn bộ Chương II về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng. Đây là toàn bộ trách nhiệm của nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ trực tiếp, bên thứ ba được uỷ quyền cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ. Tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số với chức năng của mình có nghĩa vụ hoàn toàn khác, tách biệt với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng và do đó không thể thực hiện các nghĩa vụ trên.

Điểm b khoản 1 Điều 40 quy định tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số phải cung cấp chính xác và đầy đủ thông tin về “giá cả, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ”. Lập luận tương tự trên, đây là nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức kinh doanh. Tổ chức vận hành nền tảng số có thể bảo đảm các cá nhân, tổ chức kinh doanh phải niêm yết đầy đủ các thông tin nhưng không thể bảo đảm tính chính xác, đầy đủ vì đây là trách nhiệm của bên bán.

Khoản 3 Điều 39 về “bán hàng trực tiếp” rõ ràng là không thuộc phạm phù kinh doanh trên nền tảng số, nơi việc mua bán được diễn ra trên không gian mạng.

Từ các phân tích đã nêu, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bỏ phạm vi áp dụng ở các chương, điều khoản không thuộc phạm vi nghĩa vụ của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số. Đồng thời, cân nhắc thiết kế một mục riêng về kinh doanh trên không gian mạng, không gộp chung với mục “bán hàng từ xa” để tăng tính rõ ràng, thuận tiện trong áp dụng cho các đối tượng chịu sự điều chỉnh.

Cũng tại văn bản góp ý, để Dự thảo hoàn thiện, đảm bảo tính khả thi, VCCI cũng để nghị Ban soạn thảo cân nhắc một số nội dung liên quan đến: Quy định nghĩa vụ kết nối thông tin của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số (Điều 42 Dự thảo); Trách nhiệm cảnh báo người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng (Điều 42 Dự thảo).

Có thể bạn quan tâm

  • “Vạch mặt” hàng giả, hàng nhái lừa dối người tiêu dùng

    “Vạch mặt” hàng giả, hàng nhái lừa dối người tiêu dùng

    03:00, 13/01/2023

  • Cân nhắc nội dung bổ sung “tổ chức” vào khái niệm “người tiêu dùng”

    Cân nhắc nội dung bổ sung “tổ chức” vào khái niệm “người tiêu dùng”

    03:30, 06/01/2023

  • Bảo vệ người tiêu dùng trên

    Bảo vệ người tiêu dùng trên "chợ online"

    00:37, 14/12/2022

KHÔI NGUYÊN