Tăng giá điện – Tránh tạo “gánh nặng” lên doanh nghiệp
Trong bối cảnh kinh tế năm 2023 được dự báo còn có khó khăn và thách thức, chuyên gia cho rằng, việc tăng giá điện cần đảm bảo phù hợp, tránh tạo “gánh nặng” lên doanh nghiệp...
>> Tăng giá điện – Tránh tạo “cú sốc” cho người dân, doanh nghiệp
Theo đó, trong một báo cáo gửi Bộ Công Thương mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ước lỗ lũy kế hết năm 2023 hơn 93.000 tỷ đồng và tiếp tục đề xuất tăng giá điện. Điều này đồng nghĩa với việc nếu không tăng giá điện kịp thời, khoản lỗ của EVN không dừng lại con số 31.000 tỷ đồng như năm qua mà sẽ gấp 3 lần con số đó. Nguyên nhân lỗ lớn năm qua là do thông số đầu vào tăng mạnh.
Cụ thể, giá than nhập, giá than pha trộn, giá khí và giá dầu thế giới đều tăng. Năm 2022, riêng giá than tăng gấp 6 lần so với giá đầu năm 2021, khiến chi phí sản xuất điện từ than nhập tăng tới 3.500 - 4.000 đồng/kWh. Trong khi đó, giá bán điện bình quân vẫn dừng ở mức 1.864 đồng/kWh. Với mức giá bán bình quân này, ước tính 6 tháng đầu năm nay, EVN dự kiến lỗ 44.099 tỷ đồng.
Trước thực trạng của EVN, Chính phủ đã giao cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp rà soát các giải pháp khác ngoài giải pháp tăng giá điện, tháo gỡ khó khăn tài chính cho EVN.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng cho biết, đã yêu cầu EVN khẩn trương hoàn thành báo cáo quyết toán chi phí giá điện 2022, thuê các đơn vị kiểm toán độc lập để đoàn kiểm tra liên Bộ Công Thương - Tài chính và nhiều cơ quan khác như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra chi phí và kế hoạch sản xuất điện năm 2023. Bên cạnh đó, EVN phải phối hợp với Tổng cục Thống kê tính toán mức tác động của giá điện tới đời sống và kinh tế vĩ mô.
Trước thực tế đã nêu, nhiều chuyên gia cho rằng, chi phí sản xuất tăng, tăng giá điện là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, việc ngành điện chưa có báo cáo quyết toán chi phí giá điện năm 2022, nhưng yêu cầu tăng giá điện khiến việc tăng giá khó chính xác.
Trong khi đó, theo Quyết định của Phó thủ tướng Lê Minh Khái, từ ngày 3/2, khung giá bán lẻ điện bình quân (chưa gồm thuế VAT) tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh và giá tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. Như vậy, so với mức khung cũ được quy định tại Quyết định 34/2017, giá tối thiểu tăng 220 đồng, giá tối đa tăng 538 đồng một kWh.
>> Tăng giá điện – Cần đảm bảo hài hòa lợi ích
Trước bối cảnh khung giá bán lẻ điện bình quân tăng được cho sẽ có tác động đến giá bán lẻ điện tới doanh nghiệp, bởi đây là đối tượng sử dụng nhiều điện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thông tin với báo chí, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, giá điện có tác động trên diện rộng đối với các ngành sản xuất. Điện là chi phí nhiên liệu đầu vào trong sản xuất của doanh nghiệp nên giá điện tăng sẽ kéo mọi chi phí sản xuất khác tăng theo, giảm khả năng cạnh tranh và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thủy sản sử dụng nhiều điện để hoạt động cấp đông, trữ đông...
Từ cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng nhu cầu thị trường sụt giảm, thiếu đơn hàng, thiếu vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng và lãi suất còn duy trì ở mức cao. Việt Nam với độ mở của nền kinh tế sẽ vẫn tiếp tục đối mặt với rủi ro từ diễn biến khó lường ở bên ngoài.
“Nếu việc tăng giá điện là khó tránh khỏi, cộng đồng doanh nghiệp mong cơ quan chức năng, ngành điện tính toán mức tăng hợp lý, minh bạch thông tin. Năm 2023 được dự báo khó khăn, thách thức lớn hơn nhiều, cũng cần tránh tạo cú sốc về giá điện cho các doanh nghiệp sản xuất”, đại diện VASEP bày tỏ.
Không chỉ VASEP, trước đó, không ít ý kiến cũng cho rằng, mức tăng và lộ trình phải đảm bảo tác động nhỏ nhất tới các đối tượng chịu tác động khi điều chỉnh giá, đảm bảo mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định hoạt động của doanh nghiệp, cần phân nhóm khách hàng hợp lý, quy định bậc cụ thể cho từng đối tượng, và chọn thời điểm tăng hợp lý.
Về vấn đề tăng giá điện, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên Cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, đã đến lúc phải điều chỉnh tăng giá điện nhưng việc tăng bao nhiêu và thời gian tăng như thế giới thì cần phải tính toán một cách kỹ lưỡng, không nên gây sốc cho mặt bằng giá của nền kinh tế, cũng như đảm bảo cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và an sinh xã hội.
“Trên cơ sở đó, có thể tiếp tục giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế và giúp cho việc kiểm soát lạm phát ở mức thấp nhưng tăng trưởng (GDP) có thể đạt cao nhất”, vị chuyên gia này cho hay.
Còn theo, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, việc tăng giá điện cần tính đến lộ trình 2 bước để phù hợp với sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp. Theo đó, mỗi đợt điều chỉnh sẽ tăng khoảng từ 7 - 8%. Mức điều chỉnh này sẽ đẩy lạm phát vòng 1 của đợt 1 lên khoảng 0,2%...
Ông Thỏa cho rằng, với chi phí của ngành điện tăng cao như vậy thì có thể cân nhắc, tính toán để điều chỉnh, hoặc cũng có thể điều chỉnh ngay, nhưng đồng thời cũng phải có ngay những biện pháp quyết liệt nhằm hạn chế tác động lan tỏa của việc điều chỉnh giá điện
Được biết, trước đó, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính cũng lưu ý, cần sớm ban hành cơ chế bán điện trực tiếp. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, giá điện của Việt Nam không thể giống nước phát triển, giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương phải “suy nghĩ thấu đáo” vấn đề này theo tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Tránh điều hành “giật cục”.
Có thể bạn quan tâm
Tăng giá điện: Cần hài hòa lợi ích nhà nước - doanh nghiệp - người dân
04:00, 10/02/2023
Chờ... tăng giá điện
05:10, 09/02/2023
Tăng giá điện – Tránh tạo “cú sốc” cho người dân, doanh nghiệp
05:00, 09/02/2023
Nhiều giải pháp bù khoản lỗ của EVN ngoài việc tăng giá điện
20:41, 02/02/2023
Tăng giá điện – Cần đảm bảo hài hòa lợi ích
11:10, 24/12/2022