Luật Việc làm (sửa đổi): Mở rộng diện đóng bảo hiểm thất nghiệp là hợp lý
Theo các chuyên gia, người lao động có hợp đồng làm việc từ 1 tháng trở lên đóng bảo hiểm thất nghiệp là hợp lý, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành…
>>Sửa Luật Việc làm theo hướng có lợi cho người lao động
Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa hoàn thành và trình Chính phủ dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi). Trong đó, nội dung đáng chú ý là đề xuất điều chỉnh một số chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp.
Cụ thể, Bộ LĐTBXH đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo hướng bổ sung quy định tất cả người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (quy định hiện hành là đủ 3 tháng); bổ sung người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất bổ sung quy định giao Chính phủ xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động căn cứ kết dư quỹ trước các “cú sốc” như: Khủng hoảng thị trường, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh.
Về mức thu quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Bộ LĐTBXH đề xuất sửa đổi theo hướng luật chỉ quy định mức trần và giao Chính phủ quy định mức đóng từng giai đoạn. Bởi thực tế có thời điểm quỹ kết dư lớn, nếu muốn giảm mức đóng từ 1% xuống 0,5% phải xin ý kiến Quốc hội. Theo đó, mức đóng vào quỹ sẽ được quy định như sau: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách Trung ương bảo đảm và giao Chính phủ quy định cụ thể mức đóng của người lao động, người sử dụng lao động để đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành chính sách của Chính phủ.
Được biết, theo dự kiến Luật Việc làm (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 tháng 10/2024; thông qua tại Kỳ họp thứ 9, tháng 5/2025 và sẽ có hiệu lực ngày 1/1/2026.
Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Ngọc - phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho rằng, đề xuất người lao động có hợp đồng làm việc từ 1 tháng trở lên tham gia bảo hiểm thất nghiệp thay vì đủ ba tháng trở lên là "hướng mở để bảo vệ quyền lợi cho người lao động". Đồng thời Luật BHXH (sửa đổi) cũng phải đồng bộ sửa đồng thời để ký hợp đồng 1 tháng trở lên cũng phải đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, tránh khoảng ngắt quãng, ảnh hưởng đến người lao động.
>>Sửa Luật Việc làm: Phát huy chức năng của bảo hiểm thất nghiệp
Đồng quan điểm, ông Phạm Minh Huân - nguyên thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, thực tế yêu cầu đóng bảo hiểm thất nghiệp trong vòng 1 tháng không mới, quốc tế cũng khuyến khích cứ ký hợp đồng lao động thì phải đóng bảo hiểm.
Tuy nhiên, nguyên thứ trưởng Bộ LĐTBXH cũng cảnh báo doanh nghiệp sẽ phản đối vì tăng chi phí do phải đóng bảo hiểm thất nghiệp ngay từ tháng đầu tiên. Kinh nghiệm cũng chỉ ra có thể nghiên cứu phương án định kỳ 3 - 5 năm, căn cứ tình hình thực hiện, Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh mức đóng cho phù hợp thay vì sửa luật.
Cũng theo ông Huân, cơ quan chức năng cần xem xét lại mức thu - chi của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, nếu mức dư cao (hơn 60.600 tỉ đồng, tính đến 31/12/2021) thì mức đóng giảm xuống (có thể 50%). Mức hưởng trợ cấp của người lao động theo 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm cần tính toán lại (hiện cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp). "Quỹ bảo hiểm thất nghiệp không giống như quỹ khác, không nên tích nhiều, không cần dài hạn", ông Huân nói.
Cũng trao đổi xung quanh vấn đề này ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Phú – Giám đốc Công ty Phú Hưng (một doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất tại Hà Nội) cho rằng, việc quy định đóng bảo hiểm thất nghiệp ngay từ tháng đầu tiên ký hợp đồng sẽ tạo thêm gánh nặng cho nhiều doanh nghiệp trong thời điểm này khi tình trạng thiếu đơn hàng chưa biết khi nào sẽ được cải thiện.
"Quy định của Nhà nước thì doanh nghiệp sẽ phải thực hiện. Nếu đưa quy định này vào thực hiện cùng với cam kết điều chỉnh linh hoạt mức đóng 0,5 - 1% cho doanh nghiệp tùy vào thời điểm, tình hình kinh doanh thay vì cố định 1% tổng quỹ lương như hiện nay để giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp thì chúng tôi ủng hộ", vị này chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm