Sửa Luật Giao dịch điện tử: Tránh tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp
Góp ý cho Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại một số quy định sẽ đẻ ra thủ tục hành chính mới, có thể tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp…
>>Sửa Luật Giao dịch điện tử: Cân nhắc phạm vi điều chỉnh
Theo Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi mới nhất ngày 20/2/2023, khoản c, Điều 48 về “Trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin” quy định, các doanh nghiệp phải “Bảo đảm sẵn sàng thực hiện kết nối kỹ thuật phục vụ giám sát, kiểm tra, báo cáo số liệu hoạt động với hệ thống giám sát của cơ quan Nhà nước theo quy định của Luật này và pháp luật liên quan”. Như vậy, các doanh nghiệp có nền tảng số phải kết nối, chịu sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.
Xung quanh quy định này, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho rằng, việc yêu cầu phải có một kết nối như vậy sẽ mang lại nhiều rủi ro an ninh thông tin và bảo mật, là một điểm yếu có thể bị lợi dụng để tấn công vào hệ thống của cơ quan nhà nước và nhà cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, thông tin báo cáo số liệu hoạt động trực tiếp thông qua kết nối hệ thống thời gian thực có thể tiêu tốn năng lượng và tài nguyên lưu trữ một cách không cần thiết.
Ở góc độ doanh nghiệp, nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại quy định trên sẽ đẻ ra thủ tục hành chính mới cho doanh nghiệp, có thể tạo gánh nặng cho các công ty kinh doanh trong khi hiệu quả chưa đo lường được.
Góp ý cho dự thảo, Ông Phan Mạnh Hà, Giám đốc đối ngoại Shopee Việt Nam cho rằng, nên bỏ quy định này vì xung đột với Luật Sở hữu trí tuệ. Mặt khác, nếu sàn thương mại điện tử phải liên tục kết nối với hệ thống của cơ quan nhà nước, thì nhiều dữ liệu nhạy cảm như bí mật kinh doanh có thể bị lộ.
“Chưa kể tới gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp khi phải xây dựng một hệ thống song song với hệ thống vận hành của doanh nghiệp chỉ nhằm phục vụ mục đích giám sát của cơ quan nhà nước”, ông Phan Mạnh Hà chia sẻ.
>>Sửa Luật Giao dịch điện tử: Hoàn thiện pháp lý, thúc đẩy chuyển đổi số
Cũng góp ý cho Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, bên cạnh vấn đề này, các chuyên gia pháp lý cũng chỉ ra sự xung đột, không thống nhất giữa Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi với các luật hiện hành.
Cụ thể, theo luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt, quy định về “Chứng từ điện tử” tại khoản 8, Điều 3 của Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi không đồng nhất với định nghĩa “Chứng từ điện tử” được nêu tại khoản 5, Điều 3, Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ; quy định về “Dữ liệu điện tử” tại Dự thảo không thống nhất với quy định tại Điều 99, Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Quản lý thuế…
“Hình thức giao dịch bằng phương tiện điện tử theo Bộ luật Dân sự 2015 được xem là có giá trị như giao dịch bằng văn bản. Quy định “có giá trị như các phương thức giao dịch khác theo quy định của pháp luật” tại Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi mâu thuẫn với điều khoản quy định tại Bộ luật Dân sự 2015”, Luật sư Luân nêu ví dụ.
Vị luật sư này cũng cho biết, các quy định tại Điều 52, Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi quy định về việc bảo vệ thông điệp dữ liệu đang chồng chéo với Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng và các văn bản hướng dẫn, cũng như Dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Cụ thể, Luật An toàn thông tin mạng và Thông tư số 20/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quy định về việc xử lý và thông báo sự cố an toàn thông tin mạng. Do đó, vị luật sư này cho rằng, quy định thêm điều này trong Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi là không cần thiết.
“Trên thực tiễn về bảo vệ dữ liệu ở các nước, chỉ có các sự cố và vi phạm xâm hại trực tiếp đến dữ liệu cá nhân của người dùng mới cần phải thông báo đến người dùng. Các sự cố khác không liên quan đến dữ liệu người dùng, nếu được thông báo cho người dùng, sẽ tạo ra sự phiền nhiễu không đáng có, lãng phí tài nguyên kỹ thuật của nhà cung cấp dịch vụ và của quốc gia”, Luật sư Luân phân tích.
Sau khi tiếp thu các góp ý và chỉnh sửa, bổ sung, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) bản mới nhất tiếp tục được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra lấy ý kiến tại hội thảo tổ chức ngày 23/2 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh. Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng phiên bản này vẫn còn nhiều quy định chồng chéo, khái niệm chưa rõ ràng; nếu áp dụng có thể làm tăng chi phí tuân thủ cho rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực trong nền kinh tế. |
Có thể bạn quan tâm
Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): Cân nhắc lộ trình việc mở rộng phạm vi điều chỉnh
04:00, 16/02/2023
Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): Cân nhắc mở rộng phạm vi thừa kế
14:18, 11/11/2022
Sửa Luật Giao dịch điện tử: Quan ngại điều kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy
11:30, 11/11/2022
Sửa Luật Giao dịch điện tử: Cân nhắc phạm vi điều chỉnh
04:00, 02/11/2022
Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): Cần tính toán kỹ để đảm bảo khả thi
00:06, 24/10/2022
Sửa Luật Giao dịch điện tử: Hoàn thiện pháp lý, thúc đẩy chuyển đổi số
04:00, 11/10/2022
Sửa Luật Giao dịch điện tử: Gỡ “nút thắt” cho hoạt động ngân hàng
04:00, 06/10/2022
Luật Giao dịch điện tử bắt đầu bộc lộ nhiều hạn chế
21:23, 07/05/2022
Luật Giao dịch điện tử có đón đầu xu thế thương mại số?
04:10, 12/12/2021