Đổi mới mạnh mẽ hệ thống pháp luật kinh tế
Nếu muốn cải cách thể chế của Việt Nam trong thời gian tới, số một phải là hệ thống pháp luật kinh tế.
>>Việt Nam cần tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế kinh tế
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh tại cuộc Toạ đàm chính sách: “Đổi mới thể chế kinh tế tại Việt Nam, hướng tới nước thu nhập trung bình cao trước năm 2030”, do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Fraser Institute (Canada) tổ chức gần đây.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay đang chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn, không đồng bộ.
Hệ thống pháp luật còn chồng chéo
“Quy định với luật này là tốt, nhưng với luật khác người thi hành có thể bị vi phạm, nguy cơ với cả công chức nhà nước cho nên hiện nay họ phải “ngồi im bất động”. Điều này gây ảnh hưởng đến thị trường và xã hội”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.
Đối với nhà nước, chúng ta đang thiếu minh bạch, thiếu trách nhiệm giải trình, không rõ ai làm gì, chịu trách nhiệm đến đâu, thiếu tính nhất quán và đồng bộ giữa các luật, các quy định với nhau.
Thị trường gần đây có sự “bó lại”, động lực của các cơ quan nhà nước trong việc siết lại thị trường lớn hơn tạo ra sự tự do hoá trên thị trường với một loạt các hoạt động, kể cả những hoạt động bình thường ở doanh nghiệp.
Tính “tiên liệu” của luật pháp cũng như vậy, việc sửa đổi nhiều khi tuỳ tiện, thậm chí “cài cắm” lợi ích của nhóm này hay nhóm khác, từ đó làm ảnh hưởng chung đến xã hội và chất lượng của luật pháp. Từ những tính chất như vậy dẫn đến việc thực thi luật pháp có vấn đề rất lớn.
Mặc dù, nhìn vào hệ thống luật pháp của Việt Nam, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá khá hoàn chỉnh, như chúng ta đã có hệ thống luật pháp theo thể chế thị trường. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực thi thì thấy vẫn còn một khoảng cách khá xa giữa các quy định trên giấy tờ, văn bản với khả năng thi hành.
Ngay trong thực thi giữa nghị định với các thông tư hướng dẫn, chỉ thị, các văn bản dưới luật… cũng thấy có sự mâu thuẫn. Số văn bản dưới luật nhiều hơn gấp nhiều lần so với văn bản luật. Nhưng khi xử lý thường không căn cứ vào luật, mà căn cứ vào những văn bản cụ thể. Điều này gây ra rất nhiều khó cho người thực thi.
Ở khía cạnh khác, đó là cải cách tư pháp để bảo vệ doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh chân chính, sáng tạo, nhất là các doanh nghiệp có quy mô để họ có thể làm “đầu tàu” cho nền kinh tế. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan quan tâm bên cạnh những “đầu tàu” rất cần thiết phải tạo lập, thì cũng nên để tâm đến các đối tượng bị “bỏ rơi”.
>>Việt Nam tự tin phục hồi nền kinh tế
>>Kinh tế Trung Quốc hướng nội, Việt Nam ứng phó ra sao?
Cần quan tâm đến các đối tượng yếu thế
Chúng ta thường nói đến tăng trưởng bao trùm và không để ai bị bỏ lại phía sau. Nhưng chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận thấy, số bị bỏ lại ngày càng nhiều hơn.
Đơn cử, chúng ta có khu vực phi chính thức, doanh nghiệp nhỏ và vừa và siêu nhỏ rất lớn. Đây là lực lượng đang bị “bỏ rơi” khỏi tất cả những quyền cơ bản. Trong đó có quyền tiếp cận tài sản hoặc nguồn đầu vào cần thiết cho phát triển.
Nếu khu vực này không được cải thiện thì năng suất lao động chung của Việt Nam cũng rất khó cải thiện. Chúng ta không chỉ nên nhìn vào một vài “đại gia” để đánh giá, mà phải nhìn vào nền tảng chung của cả nền kinh tế.
Vì không nền kinh tế Việt Nam sẽ bị “chia đôi”, một bên là FDI và các doanh nghiệp lớn, bên kia với đa số “đông đảo” còn lại vẫn ở trong tình trạng lạc hậu, năng suất thấp.
Khi đó, công bằng xã hội của Việt Nam sẽ không có, tất cả chỉ số tăng lên về thu nhập bình quân đầu người “chỉ đẹp” trên bình quân chung, nhưng sẽ có khoảng cách rất lớn giữa nhóm 1/4 cao nhất với nhóm 1/4 thấp nhất.
“Lúc này, chúng ta có thể tự hào được không khi Việt Nam trở thành nước trung bình cao hay nước thu nhập cao với khoảng cách lớn như vậy, mà thua thiệt lại rơi vào số đông?”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ.
Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đánh giá, Việt Nam đang có 5 triệu hộ kinh tế gia đình, nông dân. Họ thuộc thành phần kinh tế phi chính thức, nhưng có thể tiếp cận được với hệ thống ngân hàng hay không?
Chúng ta thấy báo chí ngày nào cũng đưa tin tín dụng đen với lãi suất 300%. Vậy, tình hình này phải được giải quyết như thế nào? Qua đây cho thấy, một số doanh nghiệp đang rất “đói” vốn.
Hệ thống tín dụng đã đáp ứng được thực tế trong xã hội hay chưa? Tại sao lại có hệ thống tín dụng đen “hoành hành” đến như vậy? Liệu thời gian tới có sự cải thiện hay không?
“Đây là vấn đề chúng ta cần xem xét một cách nghiêm túc, tại sao hệ thống tín dụng lại chưa đến được với kinh tế hộ gia đình?”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói.
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam cần tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế kinh tế
03:00, 02/03/2023
Tạo hệ sinh thái kinh tế vững chắc cho Lạng Sơn
02:00, 02/03/2023
Kinh tế Việt Nam 2023: Hứng khởi song nhiều thách thức
05:00, 01/03/2023