Ngăn chặn xâm hại tài sản sở hữu trí tuệ
Để ngăn chặn hành vi xâm hại đến tài sản sở hữu trí tuệ SHTT), bên cạnh việc hoàn thiện các quy định của pháp luật hiện hành, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với cơ quan chức năng…
>>Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) giúp… “thúc đẩy sáng tạo”
Đây là chia sẻ của Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN với DĐDN.
- Vấn nạn hàng giả, hàng nhái đã và đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chân chính, đặc biệt là việc xâm hại đến quản lý, khai thác tài sản SHTT, quan điểm của Luật sư về vấn đề này như thế nào?
Hàng giả, hàng nhái đã giúp các thực thể trong khu vực “kinh tế ngầm” thu lợi từ thuế, khi số lượng lớn hàng giả, hàng nhái được bán trót lọt ra thị trường, không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà còn đem đến nhiều rủi ro sức khỏe cho người tiêu dùng.
Không chỉ có vậy, hàng giả, hàng nhái cũng làm giảm lợi thế cạnh tranh của sản phẩm và khả năng thu hút đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp Việt. Các nhà đầu tư nước ngoài cạnh tranh dựa trên năng lực đổi mới sáng tạo, phát minh, thiết kế và sản xuất sản phẩm chất lượng cao. Chính vi phạm quyền SHTT đã triệt tiêu lợi thế này, khiến nhà đầu tư nước ngoài hạn chế đầu tư vào các doanh nghiệp Việt.
Điều này thể hiện rõ nhất với các lĩnh vực nhạy cảm về SHTT, ví dụ như các ngành thâm dụng công nghệ tập trung vào hoạt động nghiên cứu và phát triển, năng suất lao động và đổi mới sáng tạo. Với các lĩnh vực này, doanh nghiệp cũng không còn muốn đầu tư vào Việt Nam hoặc giới thiệu các thiết kế mới do lo sợ bị trộm cắp quyền SHTT.
Đáng nói, các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam hiện nay ngày càng tinh vi hơn về phương pháp và cách thức thực hiện cũng như trong cách sử dụng công nghệ làm giả để tạo ra những sản phẩm có bề ngoài tương đồng với các sản phẩm thật của các doanh nghiệp. Trước kia, tình trạng hàng giả, hàng nhái vốn tập trung vào các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, thế nhưng hiện nay, ngày càng nhiều hàng hóa của các thương hiệu nổi tiếng trong nước cũng bị làm giả.
>>Bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP - Bài 2: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
>>Bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP - Bài 1: "Sai một ly, đi một dặm"
- Nguyên nhân nào dẫn đến hiện trạng đã nêu, thưa ông?
Khác với nhiều quốc gia khác, việc bảo hộ quyền SHTT tại Việt Nam chủ yếu được thực hiện bằng cách áp dụng các hình phạt hành chính với hành vi vi phạm trong khi các giải pháp khởi tố hình sự và dân sự gần như không bao giờ được áp dụng hoặc áp dụng không hiệu quả. Do đó, số lượng vi phạm SHTT đã tăng lên rất nhanh trong khi năng lực của cơ quan thực thi bảo hộ quyền SHTT còn khá hạn chế ở cấp trung ương và địa phương.
Mặc dù pháp luật đã quy định các biện pháp xử lý tạm thời, tuy nhiên, việc thực hiện hiệu quả các biện pháp này trên thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn, thậm chí là không khả thi. Theo quy định hiện hành, các biện pháp xử lý như thu giữ hàng giả, hàng nhái và bằng chứng xâm phạm quyền SHTT chỉ được giải quyết thông qua quá trình tố tụng tại Tòa và phải được Tòa án cho phép tiến hành.
Đặc biệt, việc chuẩn bị và khiếu nại theo thủ tục quy định tố tụng của Việt Nam cũng khá phức tạp do khiếu nại phải nộp kèm bằng chứng chứng minh vi phạm được hợp pháp hóa. Do đó, quá trình thực hiện theo các yêu cầu tố tụng thường diễn ra trong nhiều tháng, khiến các doanh nghiệp hầu như không thể chủ động theo đuổi đến cùng vụ việc vi phạm.
Ngoài ra, về đăng ký bảo hộ quyền SHTT, thời gian thẩm định hồ sơ và cấp văn bằng bảo hộ quyền SHTT trên thực tế tương đối dài: 10 tháng đối với kiểu dáng công nghiệp, 1 năm đối với nhãn hiệu, 2- 4 năm đối với sáng chế. Do đó, nhiều doanh nghiệp còn “ngại” trong việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT của mình.
- Để bảo vệ quyền quản lý, khai thác tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, theo Luật sư cần có giải pháp gì?
Như đã nêu, quy định của pháp luật hiện nay trong lĩnh vực SHTT vẫn còn đó những hạn chế, như thời gian thực hiện tố tụng thường mất nhiều thời gian thực hiện và các bên liên quan phải chờ rất lâu trước khi có phán quyết cuối cùng trong khi số lượng thẩm phán được đào tạo bài bản về các quyền SHTT còn thiếu, cộng với tỷ lệ thực thi án lệnh chưa cao. Do đó, cần rút ngắn quy trình tố tụng, đảm bảo phán quyết được đưa ra nhanh chóng, hiệu quả.
Cùng với đó, cần đơn giản hóa và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ xin cấp văn bằng bảo hộ quyền SHTT. Để thực hiện điều này, cơ quan chức năng cần nhanh chóng xây dựng hệ thống xử lý đơn tự động dựa trên tiến bộ công nghệ hiện tại như blockchain, bigdata...
Về phía doanh nghiệp, trước hết cần bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực, tăng cường đào tạo về lĩnh vực SHTT cho các nhân viên trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần liên kết chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong vấn đề thực thi pháp luật, bởi, có sự kết nối chặt chẽ của hai bên sẽ nâng cao năng lực thực thi của cơ quan chức năng, qua đó, làm giảm thiểu tác động của hàng giả, hàng nhái đối với các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.
- Xin cảm ơn luật sư!
Có thể bạn quan tâm
Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) giúp… “thúc đẩy sáng tạo”
03:30, 25/01/2023
Bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP - Bài 2: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
03:20, 04/12/2022
Đăng ký sở hữu trí tuệ: Doanh nghiệp bỗng dưng bị…tước nhãn hiệu
17:36, 01/12/2022
Bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP - Bài 1: "Sai một ly, đi một dặm"
03:20, 01/12/2022
Nâng sức cạnh tranh cho du lịch bằng sở hữu trí tuệ
03:00, 04/11/2022
Bảo vệ sở hữu trí tuệ trên không gian mạng
03:00, 07/10/2022