Tiềm năng lớn cho đấu giá tài sản trí tuệ tại Việt Nam

NGUYỄN HOÀNG NAM (*) 03/04/2023 00:00

Với giá trị lớn và tính chất định giá tài sản phức tạp, đấu giá tài sản trí tuệ có thể được xem là một giải pháp hữu hiệu đối với xử lý tài sản trong giao dịch thương mại tại Việt Nam thời gian tới. 

>>Ngăn chặn xâm hại tài sản sở hữu trí tuệ

 P/S đã bán thương hiệu kem đánh răng P/S cho Unilever vào năm 2003 với giá 5 triệu USD. Ảnh: Lê Thu

P/S đã bán thương hiệu kem đánh răng P/S cho Unilever vào năm 2003 với giá 5 triệu USD. Ảnh: Lê Thu

Đấu giá tài sản trí tuệ tại một số quốc gia

Tại Trung Quốc, phiên đấu giá bằng sáng chế đầu tiên của Viện Công nghệ Máy tính thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã được tổ chức trên Sàn giao dịch công nghệ Trung Quốc (CTEX) vào ngày 16/12/2010.

Ngoài ý nghĩa quan trọng đối với việc cải thiện hệ thống dịch vụ giao dịch công nghệ ở Trung Quốc, điều mà buổi đấu giá mang lại là thiết lập một nền tảng lưu thông tiêu chuẩn cho các tài sản vô hình. Buổi đấu giá có tổng cộng 90 bằng sáng chế, bao gồm 28 bằng sáng chế, 38 bằng sáng chế dự trữ và 24 bằng sáng chế không dự trữ. Kết quả cho thấy tỷ lệ thành công của đấu giá bằng sáng chế là 40%, cao hơn khoảng 15 điểm phần trăm so với tỷ lệ của các thị trường đấu giá ở các nước phát triển.

Theo khuyến nghị của Ủy ban giám sát và quản lý tài sản nhà nước Trung Quốc (SASAC), việc chuyển nhượng tài sản, đặc biệt là các tài sản trí tuệ nên sử dụng thông qua ba phương thức: đấu thầu, đấu giá hoặc niêm yết trên thị trường. Ngoài ra, các vấn đề về định giá bằng sáng chế, việc xem xét thời gian đơn xin cấp bằng sáng chế nước ngoài hoặc PCT đã được nộp, trong đó, các vấn đề liên quan đến ngày ưu tiên của các đơn đăng ký bằng sáng chế nước ngoài cũng nên được đánh giá và thông tin đầy đủ trong tài liệu đấu giá trước khi buổi đấu giá được tổ chức.

Tại Hoa Kỳ, phiên đấu giá sở hữu trí tuệ trực tiếp lần đầu do Ocean Tomo tổ chức tại San Francisco, California vào tháng 04/2006. Ocean Tomo là tổ chức thương mại có trụ sở tại Chicago, Illinois, Hoa Kỳ, hoạt động tập trung vào các vấn đề liên quan trong lĩnh vực tài sản trí tuệ và các tài sản vô hình khác.

Về cơ chế hoạt động, Ocean Tomo thiết kế các phòng dữ liệu an toàn trực tuyến (online secure data room) cho người tham gia đấu giá sáng chế. Dữ liệu tại từng phòng dữ liệu sẽ khác nhau, bao gồm: bằng sáng chế, thỏa thuận cấp phép, lịch sử kiện tụng và thông tin cơ bản khác do người bán hoặc người môi giới của người bán cung cấp.

Ngoài ra, Ocean Tomo còn tạo ra cơ chế đấu thầu mù (blind bidding) hay đấu thầu mù đôi (double-blind bidding) để ngăn chặn việc thiên vị trong lựa chọn nhà thầu trúng thầu. Ocean Tomo sẽ thiết lập những thỏa thuận với chủ sở hữu bằng sáng chế về nhu cầu bán bằng sáng chế độc lập (patents), họ bằng sáng chế (patent family) trong thỏa thuận người bán (Seller Agreement). Sau đó, các bằng sáng chế sẽ được cấp 1 số seri giao dịch và được chỉ định một phòng dữ liệu an toàn trực tuyến.

>>Quản trị tài sản trí tuệ của doanh nghiệp

Thực trạng đấu giá tài sản trí tuệ tại Việt Nam

Tại Việt Nam, pháp luật về đấu giá tài sản được quy định tại Luật Đấu giá tài sản 2016 và Nghị định số 62/2017/NĐ-CP . Căn cứ khoản 2 Điều 4 Luật Đấu giá tài sản 2016 thì tài sản đấu giá là tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá theo trình tự, thủ tục quy định.

Về nguyên tắc đấu giá tài sản, cuộc đấu giá phải bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, công bằng và khách quan. Ngoài ra, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia đấu giá phải được bảo vệ hợp lý. Giá khởi điểm khi bán đấu giá tài sản được tổ chức đấu giá tài sản xác định theo ủy quyền của người có tài sản đấu giá.

Theo ghi nhận của Bộ Tư pháp, nước ta chưa có buổi đấu giá chính thức nào về tài sản trí tuệ nói riêng và tài sản vô hình nói chung. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có nhiều vụ bán thương hiệu trong nước cho nhà đầu tư nước ngoài, với giá trị cao hơn khá nhiều so với khi bán tài sản hữu hình, tiêu biểu như: thương vụ Công ty Cổ phần P/S đã bán thương hiệu kem đánh răng P/S cho Unilever vào năm 2003 với giá 5 triệu USD; thương vụ ICP của Phan Quốc Công bán cho tập đoàn mỹ phẩm Marico (Ấn Độ) vào tháng 03/2011 với giá 60 triệu USD; thương vụ Diana của Đỗ Minh Phú bán cho Unicharm (Nhật bản) vào tháng 08/2011 với giá 184 triệu USD; hay thương vụ Phở 24 của Lý Quý Trung bán 100% cho Công ty Việt Thái Quốc Tế vào tháng 11/2011 với giá 20 triệu USD và Tập đoàn Jollibee (Philippines) (được Công ty Việt Thái Quốc tế bán 50% với giá 25 triệu USD) và nhiều thương vụ khác,…

Điều này cho thấy tiềm năng của hoạt động đấu giá tài sản trí tuệ tại Việt Nam còn rất lớn. Dựa trên dữ liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), số lượng tài sản trí tuệ của nước ta không ngừng tăng lên trong suốt những năm qua và được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng.

(*) Khoa Luật, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước, Đại học Kinh tế TP.HCM

Có thể bạn quan tâm

  • Nguồn vốn trí tuệ của doanh nghiệp

    Nguồn vốn trí tuệ của doanh nghiệp

    02:00, 23/03/2023

  • Ngăn chặn xâm hại tài sản sở hữu trí tuệ

    Ngăn chặn xâm hại tài sản sở hữu trí tuệ

    02:30, 18/03/2023

  • Đưa tài sản trí tuệ vào cuộc sống

    Đưa tài sản trí tuệ vào cuộc sống

    16:34, 16/03/2023

  • Trí tuệ nhân tạo tạo sinh tiến vào doanh nghiệp

    Trí tuệ nhân tạo tạo sinh tiến vào doanh nghiệp

    04:00, 14/03/2023

NGUYỄN HOÀNG NAM (*)