Ổn định chính sách, tránh "phanh gấp"

GIA NGUYỄN 08/04/2023 04:00

Xoay quanh nội dung Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2022”, bên cạnh những tồn tại trong thực thi chính sách, VCCI cũng cho rằng, việc giải quyết các vấn đề “nóng” phát sinh còn lúng túng…

>> Nghị định 08/2023: Động lực khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Theo đó, tại Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2022”, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cuối năm 2021, đầu năm 2022, sự việc đấu giá các lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm và 4 doanh nghiệp chống đấu giá lần lượt “bỏ cọc” đã gây chú ý lớn từ dư luận. Nhiều vấn đề được đặt ra liên quan đến hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất và yêu cầu rà soát, sửa đổi về cơ chế quản lý đề kiểm soát tình trạng giá được “thổi lên quá cao”, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, hoạt động triển khai dự án sau này và năng lực thực sự của các nhà đầu tư tham gia hoạt động đấu giá.

Sau vụ Thủ Thiêm, cú

Sau vụ Thủ Thiêm, cú "phanh gấp" về mặt chính sách đã khiến công tác đấu giá đất gặp khó với hàng loạt các điều kiện khắt khe - Ảnh minh họa: ITN

Một trong những động thái từ cơ quan quản lý Nhà nước để giải quyết cho tình trạng trên nhà tiến hành sửa đổi điều kiện tham gia hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất. Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai (phiên bản tháng 05/2022) đã bổ sung các điều kiện có tính ngặt nghèo hơn đối với các tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất như: khoản tiền đặt trước tối thiểu là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá; ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư; yêu cầu kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất.

Đồng thời, bổ sung chế tài khi người tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền đặt trước: bồi thường cho Nhà nước thêm một khoản tiền bằng giá trị tiền đặt trước; tự ý hủy kết quả trúng đấu giá thì “ngoài tiền đặt trước, người tham gia đấu giá phải nộp khoản tiền tương đương 50% giá trị quyền sử dụng đất trúng đấu giá và các chi phí đấu giá vào tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá”.

Theo VCCI, các quy định trên đều có vấn đề về sự xung đột với pháp luật về đấu giá, đầu tư, dân sự. Quan trọng hơn, việc đặt ra điều kiện tham gia đấu giá quá cao sẽ khiến rất ít nhà đầu tư có thể đáp ứng điều kiện và sẽ ảnh hưởng tới tính cạnh tranh của phương thức lựa chọn nhà đầu tư này.

Doanh nghiệp đã phản đối khá nhiều tại thời điểm Dự thảo đưa ra lấy ý kiến. Phiên bản Dự thảo thẩm định (tháng 7/2022) đã bãi bỏ các quy định trên nhưng lại thay thế các điều kiện mới có khá nhiều ràng buộc như: người tham gia đấu giá “không được liên doanh, liên kết tham gia đấu giá”, “phải nộp tiền đặt trước bằng 20% tổng giá trị thửa đất, khu đất tính theo giá khởi điểm”.

“Những điều này là rào cản không thể nhỏ cho nhà đầu tư tham gia vào hoạt động đấu giá”, VCCI đánh giá.

>> Chờ khả năng thực thi của Nghị định 08 về trái phiếu doanh nghiệp

Vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cũng được cho là một trong những ví dụ điển hình của sự lúng túng trong xử lý những vấn đề

Những bất ổn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cũng được cho là một trong những ví dụ điển hình của sự lúng túng trong xử lý những vấn đề "nóng" phát sinh từ thực tế xã hội - Ảnh minh họa: ITN

Bên cạnh thực tế đã nêu, dẫn chứng về những lúng túng trong xử lý các vấn đề “nóng” phát sinh từ thực tế xã hội, VCCI cũng cho biết, năm 2022, hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp cũng là vấn đề “nóng”, tác động rất lớn tới thị trường và quyền lợi của nhà đầu tư.

Nhà nước đã có nhiều biện pháp quyết liệt để chấn chỉnh lại thị trường trái phiếu, trong đó, về mặt chính sách, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ. Nghị định 65/2022/NĐ-CP đã sửa đổi các quy định liên quan đến mục đích phát hành trái phiếu, cách thức xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thời hạn công bố thông tin… So với trước đây, các quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP đã quy định chặt chẽ hơn, minh bạch hơn về việc phát hành trái phiếu.

Tuy nhiên, sau sự chấn chỉnh của các cơ quan quản lý đối với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, kênh huy động vốn này của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Điều này càng làm gia tăng sự khó khăn của doanh nghiệp trong việc tìm vốn, nhất là trong bối cảnh những tháng cuối năm 2022, các kênh huy động vốn đều đang bị ách tắc.

Giữa tháng 12/2022, Bộ Tài chính tiếp tục kiến nghị sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP vừa mới phát sinh hiệu lực khoảng 3 tháng, trong đó đề nghị: hoãn thời gian thực hiện 01 năm đối với yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đối với doanh nghiệp có tổng giá trị trái phiếu huy động trong 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu hoặc tổng dư nợ trái phiếu lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu và quy định về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư; cho phép doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu thỏa thuận về việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc lãi trái phiếu đến hạn thanh khoản vay hoặc tài sản khác.

VCCI cho rằng, mục tiêu của các quy định sửa đổi quan trọng trên đã giải quyết tình trạng khó khăn về thanh khoản của thị trường, việc giãn thời gian thực hiện một số quy định sẽ giúp thị trường có thêm thời gian điều chỉnh và có thể duy trì nhu cầu đầu tư trái phiếu của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, giảm chi phí phát hành và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

“Từ các thực tế đã nêu, có thể thấy, khi gặp sự việc tiêu cực tác động đến thị trường, phản ứng đầu tiên của các cơ quan quản lý là “siết chặt” đối với các chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh trong khi chưa đánh giá tác động một cách kỹ càng của các biện pháp này đối với thị trường. Hậu quả của các chính sách này đôi khi còn làm gia tăng thêm sự khó khăn của môi trường kinh doanh, khiến cho chính sách thiếu ổn định, thiếu tính dự báo trong khi mục tiêu quản lý đôi khi lại không đạt được”, VCCI bày tỏ.

Ngoài những thực tế đã nêu, sự lúng túng trong xử lý các vấn đề “nóng” còn xảy ra đối với công tác phòng cháy chữa cháy, cú “phanh gấp” về mặt chính sách sau một số vụ việc khiến các doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp khó. Để giải quyết những bất cập, tồn tại đã nêu, mới đây Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính cũng vừa ký công điện số 220/CĐ-TTg về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác này.

Có thể bạn quan tâm

  • Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022:p/Doanh nghiệp cầnp/môi trường pháp lý ổn định

    Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022: Doanh nghiệp cần môi trường pháp lý ổn định

    15:48, 04/04/2023

  • Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021: Thống nhất cơ chế thử nghiệm sandbox

    Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021: Thống nhất cơ chế thử nghiệm sandbox

    15:36, 29/03/2022

  • Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021: Có tình trạng phép vua thua lệ làng trong chống dịch

    Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021: Có tình trạng phép vua thua lệ làng trong chống dịch

    14:51, 29/03/2022

  • Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021: Phản ánh chân thực

    Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021: Phản ánh chân thực "góc nhìn" của người dân và doanh nghiệp

    12:07, 29/03/2022

  • Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021:

    Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021: "Công cụ" để hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh

    11:36, 29/03/2022

GIA NGUYỄN