Doanh nghiệp sắp phá sản, thuế vẫn chưa được hoàn
Nếu doanh nghiệp chậm đóng thuế thì bị phạt, tính lãi chậm nộp, thậm chí cấm xuất cảnh, nhưng còn tiền của doanh nghiệp bị “ngâm” ở cơ quan thuế mấy năm qua thì không ai chịu trách nhiệm…
Đó là chia sẻ của Luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty TNHH Lee và Cộng sự với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh vấn đề “ách tắc” tiền hoàn thuế đang khiến hàng loạt doanh nghiệp phải “mòn mỏi” chờ đợi. Theo Luật sư Nhung, việc “ách tắc” hoàn thuế suốt thời gian qua là không công bằng, Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn hiện nay, sớm hoàn thuế cho doanh nghiệp chính là “hà hơi tiếp sức”, góp phần phục hồi nền kinh tế.
>>Hoàn thuế GTGT: Đâu thể cứ mãi “thà ngâm lầm hơn bỏ sót”
Trước đó, các doanh nghiệp cho biết, những “ách tắc” trong việc hoàn thuế VAT xuất phát từ những công văn hướng dẫn nghiệp vụ nội bộ ngành Thuế.
Cụ thể, ngày 18/1/2022, Tổng cục Thuế có Công văn số 194/TCT-TTKT gửi các Cục Thuế địa phương về việc báo cáo kết quả rà soát thanh tra, kiểm tra hoàn thuế VAT đối với mặt hàng cao su, sắn lát, nông sản. Ngày 7/3/2022, Tổng cục Thuế có Công văn số 633/TCT-TTKT về thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro về hoàn thuế VAT. Trong đó, Tổng cục Thuế yêu cầu việc kiểm tra hoàn thuế phải xác minh qua các khâu trung gian từ F1, F2, F3... đến khâu cuối cùng.
Nếu các doanh nghiệp trung gian không thuộc địa bàn quản lý thì Cục Thuế thành phố làm công văn gửi Cục Thuế các địa phương có liên quan để rà soát, đối chiếu. Thực hiện chỉ đạo này, ngày 9/3/2022, Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh ra Công văn 1694, yêu cầu đoàn thanh tra thực hiện công tác xác minh, kiểm tra đối với doanh nghiệp F1, F2… đến khâu cuối cùng.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, quy định kiểm tra, xác minh các doanh nghiệp trung gian (kể cả doanh nghiệp nhập khẩu ở nước ngoài) đang gây khó và đánh đố các doanh nghiệp do vừa trải qua đại dịch Covid-19, có doanh nghiệp đã ngưng hoạt động hoặc giải thể.
Đáng nói, bản thân cơ quan Thuế thực hiện xác minh và kiểm tra các khâu trung gian cũng phải mất rất nhiều thời gian, công sức, doanh nghiệp khó có thể được hoàn thuế trong thời gian 40 ngày theo quy định đối với trường hợp kiểm tra trước, hoàn thuế sau. Thời gian hoàn thuế kéo dài không biết đến bao lâu, tùy thuộc hoàn toàn vào quá trình rà soát, đối chiếu hồ sơ của Cục Thuế càng khiến doanh nghiệp phải chờ đợi.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, ngành cao su hàng năm đóng góp trung bình 7 tỷ-8 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước với ba sản phẩm chính gồm: mủ cao su, sản phẩm công nghiệp từ cao su và gỗ cao su.
Năm 2022, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 10,4 tỷ USD. Trong bối cảnh giá cao su xuất khẩu đang xuống thấp, đầu ra thị trường khó khăn, lãi vay ngân hàng ở mức cao, các doanh nghiệp đều mong chờ khoản tiền hoàn thuế như nguồn tài chính gánh đỡ rất quan trọng giúp doanh nghiệp vượt khó, không buộc phải hạn chế kinh doanh.
>>Doanh nghiệp chờ tiền hoàn thuế VAT đến bao giờ?
Trả lời báo chí, bà Đinh Thị Thanh Tâm – Giám đốc Công ty TNHH TM Hòa Thuận (quận 1, chuyên xuất khẩu cao su) cho biết, gần một năm nay, đơn vị không có nhân viên đến văn phòng để làm việc, chỉ còn giám đốc đến công ty để tiếp khách hàng ngày. Theo bà Tâm, từ tháng 11/2021 đến nay, công ty vẫn chưa được hoàn thuế VAT nên không còn nguồn vốn lưu động để sản xuất.
Đến quý 2/2022, số tiền hoàn thuế đã lên hơn 50 tỷ đồng nên Công ty TNHH TM Hòa Thuận buộc phải ngưng xuất khẩu do không còn vốn để kinh doanh. Những năm trước, trung bình mỗi năm, công ty xuất khẩu hơn 60.000 tấn cao su tươi qua các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc…, thu về khoảng 70 triệu USD/năm. Nhưng nay, nguồn tiền duy trì hoạt động đã cạn kiệt, công ty phải cắt giảm chi phí, cho nhân viên nghỉ ở nhà và chỉ trả hơn 50% lương…
Cũng trong hoàn cảnh chờ được hoàn thuế VAT gần 40 tỷ đồng, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Công ty TNHH TM Hoàng Dũng (quận 10, TP. HCM), bức xúc chia sẻ, công ty đã có nhiều văn bản gửi ngành thuế TPHCM đề nghị giải quyết nhưng vẫn không có văn bản hồi âm.
Tương tự, đại diện Công ty TNHH Công nghiệp Vạn Xuân (quận 1, TP. HCM), cho biết, từ tháng 11/2021, công ty vẫn chờ ngành thuế TPHCM hoàn 58 tỷ đồng VAT. Do tiền hoàn thuế chưa được quyết toán nên công ty buộc phải giảm 80% doanh số xuất khẩu năm nay.
Xung quanh vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, cho rằng: Theo quy định hiện nay, trách nhiệm của ngành thuế sau khi nhận đủ hồ sơ của doanh nghiệp thì phải giải quyết trong vòng 6 ngày làm việc nếu thuộc trường hợp hoàn trước, kiểm sau; không quá 40 ngày đối với trường hợp kiểm trước, hoàn sau.
“Nếu chứng minh được việc chậm trễ hoàn thuế là do lỗi từ cơ quan quản lý thuế, thì ngoài số tiền phải hoàn trả, cơ quan thuế còn phải trả lãi với mức 0,03%/ngày, tính trên số tiền phải hoàn trả và số ngày chậm hoàn”, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam nói.
Góp ý để tháo gỡ những bất cập trong công tác hoàn thuế VAT, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty TNHH Lee và Cộng sự cho rằng, cơ quan thuế cần xem xét việc phân loại doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp có quá trình chấp hành tốt pháp luật về thuế thì được hoàn thuế trước theo đúng quy định của Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019.
“Bộ Tài chính cần quan tâm xem xét có nên tiếp tục thực hiện Công văn số 194, Công văn 633 và Công văn 1694 về việc kiểm tra, xác minh các khâu trung gian, vì nội dung này đã từng triển khai 10 năm trước nhưng sau phải dừng lại vì khó thực hiện”, Luật sư Nhung nói.
Có thể bạn quan tâm