Chính sách giảm thuế GTGT là cần thiết để kích cầu mua sắm
Việc giảm 2% mức thuế suất giá trị gia tăng là rất nên làm trong bối cảnh hiện tại khi mà sức mua giảm sút, từ đó sẽ kích cầu mua sắm, giải phóng hàng tồn…
>>Cần tiếp tục giảm thuế để doanh nghiệp phục hồi
Theo đó, Nghị định 12 vừa được Chính phủ ban hành quy định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2023, có hiệu lực từ ngày 14/4. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, đây là giải pháp hỗ trợ kịp thời trong bối cảnh kinh doanh đang hết sức khó khăn.
Cụ thể, Chính phủ gia hạn tiền thuế và thuê đất trong năm nay đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế gồm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm...
Bộ Tài chính ước tính tổng số tiền và tiền thuê đất dự kiến được gia hạn trong năm nay là 110.000 tỉ đồng, sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Thực hiện nghị định này, Tổng cục Thuế kịp thời có văn bản chỉ đạo cục thuế các địa phương hướng dẫn người nộp thuế triển khai chính sách này.
Song đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, trong bối cảnh sức mua giảm, giải pháp cần tăng cường kịp thời là kích cầu, hỗ trợ cho người tiêu dùng. Thông tin từ Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, cơ quan này vừa có văn bản gửi Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan về giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2023 với hai phương án.
Phương án 1 là giảm 2% mức thuế giá trị gia tăng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10% còn 8%; Phương án 2 là giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như đã áp dụng trong năm 2022.
Theo Bộ Tài chính, tổng số thuế miễn, giảm trong năm 2022 ước khoảng 50.200 tỉ đồng đã hỗ trợ đáng kể cho doanh nghiệp và người dân. Đánh giá về các giải pháp tháo gỡ cho người dân và doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Cúc - chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam - bình luận về cơ bản các giải pháp giãn, giảm thuế của Bộ Tài chính như áp dụng trong năm 2022.
>>Đề xuất giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất xăng dầu
Để tạo cú hích giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, Bộ Tài chính sớm đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với toàn bộ các mặt hàng, dịch vụ có thuế suất 10%. "Nghị quyết 50 của Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu cả việc đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng. Đó là tín hiệu đáng mừng cho cộng đồng doanh nghiệp và có hiệu ứng tốt nhất trong các giải pháp, một giải pháp nhưng đạt được nhiều mục đích", bà Cúc nhận định.
Bởi, theo phân tích của bà Cúc, tại thời điểm này chính sách giảm thuế giá trị gia tăng là rất cần thiết đối với doanh nghiệp và người dân khi trong quý 1 tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp rất khó khăn. Số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động liên tục tăng lên...
Việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng sẽ mang lại kết quả tích cực, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tái sản xuất. Bởi lẽ thuế giá trị gia tăng nằm trong giá, khi giảm 2% thuế giá trị gia tăng sẽ giảm giá bán hàng hóa dịch vụ, kích thích tiêu dùng, giúp doanh nghiệp bán được nhiều hàng hơn. Đối với doanh nghiệp sản xuất sử dụng nguyên vật liệu đầu vào được giảm thuế giá trị gia tăng sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, kích thích sản xuất.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Phú – Giám đốc Công ty CP xây dựng Tân Hưng (Hà Nội) cũng cho rằng, trong hai phương án giảm 2% thuế giá trị gia tăng năm 2023 mà Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính đưa ra thì phương án 1 ổn và dễ thực hiện hơn. Vì theo phương án này sẽ là giảm 2% mức thuế suất giá trị gia tăng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10% còn 8%.
“Việc giảm 2% mức thuế suất giá trị gia tăng là rất nên làm trong bối cảnh hiện tại khi mà sức mua giảm sút, từ đó sẽ kích cầu mua sắm, giải phóng hàng tồn...Nhưng chính sách cần đơn giản nhất có thể, vì đối tượng trực tiếp được hưởng ưu đãi giảm 2% giá trị gia tăng là người tiêu dùng cuối cùng", ông Phú nói.
Có thể bạn quan tâm