Ngăn chặn các tổ chức đòi nợ thuê
Từ năm 2021, dịch vụ đòi nợ thuê chính thức bị cấm, tuy nhiên nhiều tổ chức vẫn thực hiện hành vi dù biết rõ ảnh hưởng tiêu cực đối với xã hội.
>>“Khai tử” dịch vụ đòi nợ thuê
Trao đổi với DĐDN, Luật sư Nguyễn Công Tín, Công ty Luật Hợp danh FDVN - Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng nhìn nhận hành vi đòi nợ theo kiểu khủng bố, đe doạ, cưỡng đoạt,... xuất hiện trong thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về an ninh trật tự trong xã hội.
Thưa ông, thời gian qua đã có nhiều ngân hàng, công ty tài chính,... đã tiến hành mua bán nợ, thực hiện nhiều hành vi vi phạm liên quan đến việc đòi nợ thuê gây bức xúc dư luận. Theo ông, từ những nguyên nhân nào dẫn đến hiện trạng như trên?
Thời gian gần đây, lực lượng công an các tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi đòi nợ theo kiểu gọi điện, nhắn tin “khủng bố” tinh thần, đe doạ, cắt ghép hình ảnh làm nhục người vay. Đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự chủ động, kiên quyết của lực lượng công an trong công tác đấu tranh, trấn áp các hiện tượng tiêu cực của xã hội, biến tướng của hoạt động đòi nợ - vốn đã gây rất nhiều bức xúc trong nhân dân.
Dẫn đến thực trạng “bùng nổ” đòi nợ thuê theo kiểu khủng bố có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do hám lợi, do được “trích thưởng” hoa hồng cao. Từ đó, nhiều cá nhân, tổ chức bất chấp mọi thủ đoạn, sẵn sàng vi phạm pháp luật để đạt được mục đích cuối cùng là thu hồi khoản nợ nhằm hưởng lợi.
Bên cạnh đó, qua một số vụ việc bị phát hiện vẫn có một số bộ phận người trẻ tham gia vào đường dây đòi nợ có nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, nhưng đừng lấy đây làm lý do bào chữa cho hành vi vi phạm pháp luật của mình. Vì chỉ xét riêng ở khía cạnh đạo đức, họ đã biết rõ hành vi của mình có thể gây hại đến người khác nhưng vẫn thực hiện và thực hiện đến cùng.
Đối với việc đòi nợ để được hưởng hoa hồng, nhiều đơn vị còn đe dọa đến tính mạng, ghép hình ảnh tung lên mang bôi nhọ,... người nợ. Vậy, các hành vi trên đã vi phạm pháp luật thế nào, thưa ông?
Kể từ ngày Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, dịch vụ đòi nợ thuê chính thức bị cấm. Trường hợp cá nhân có hành vi kinh doanh dịch vụ đòi nợ có thể bị xử phạt từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng, mức phạt đối với tổ chức gấp đôi mức phạt của cá nhân vi phạm (theo Điều 7 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020).
Đối với các hành vi đòi nợ theo kiểu khủng bố, đe doạ, cưỡng đoạt, cắt ghép hình ảnh vu khống, làm nhục người khác, tuỳ theo tính chất, mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng như tội vu khống, tội làm nhục người khác, tội cưỡng đoạt tài sản, tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…
Ở góc độ pháp lý, xin ông cho biết có những tác hại nào của của các hình thức đòi nợ trên đối với xã hội?
Hoạt động đòi nợ theo kiểu khủng bố tinh thần, “xã hội đen” mang lại nhiều hệ luỵ cho các nạn nhân và gây bất bình trong xã hội. Nhiều người không liên quan đến khoản nợ nhưng vẫn bị liên tục gọi điện quấy rối.
Đặc biệt, nhiều người còn bị gửi thư đòi nợ, đe doạ, mang quan tài, bình gas… đến cơ quan, đơn vị nơi làm việc, nơi con cái đang học tập hoặc gia đình. Hoạt động đòi nợ dưới hình thức này không những vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức nghiêm trọng, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác, gây hoang mang, hoảng loạn cho nạn nhân và gia đình của họ.
Nhiều trường hợp nạn nhân vì không chịu nổi áp lực của hoạt động đòi nợ kiểu xã hội đen đã phải xin nghỉ việc hoặc tìm đến cái chết. Tác hại cho xã hội là rất ghê gớm, rất nghiêm trọng.
Trong bối cảnh hiện nay, việc mua bán nợ thực tế đã khả phố biến, tuy nhiên hình thức đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” đang dần thịnh hành. Vậy, người dân, doanh nghiệp làm các nào để có thể nhận diện và đề phòng, thưa ông?
Trong bối cảnh hiện nay, lực lượng Công an sẽ còn trường kỳ đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đòi nợ. Về phía người dân, chúng ta cần có biện pháp nhận diện, phòng ngừa và phối hợp với các lực lượng chức năng để đẩy lùi nạn đòi nợ “xã hội đen”.
Khi bị khủng bố, uy hiếp tinh thần hoặc bị quấy rối dưới các hình thức khác bởi hoạt động đòi nợ, người dân cần lưu lại chứng cứ như ghi âm cuộc gọi, lưu lại nội dung tin nhắn, hình ảnh cắt ghép, báo ngay với cơ quan chức năng để nhanh chóng xử lý các hành vi đòi nợ vi phạm pháp luật.
Vậy theo ông, cần có những biện pháp ngăn chặn thế nào từ cơ quan chức năng để để đảm bảo quyền lợi cho người vay trong thời gian tới?
Để đẩy lùi nạn đòi nợ “khủng bố”, “xã hội đen”, trước mắt lực lượng chức năng cần phải đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý nhanh chóng, nghiêm minh các hành vi đòi nợ trái pháp luật. Từ đó tạo sự tin tưởng và khí thế mạnh mẽ trong nhân dân để cùng phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả các biến tướng của hoạt động đòi nợ.
Trong trường hợp cần thiết, có thể thành lập đường dây nóng chuyên tiếp nhận các phản ánh về hoạt động đòi nợ trái pháp luật để bảo đảm xử lý có hiệu quả. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần phải tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong quần chúng nhân dân để nhân dân có cái nhìn, nhận thức đúng về hoạt động đòi nợ trái pháp luật và tác hại của nó, để từ đó có biện pháp tự bảo vệ và tránh xa hoạt động đòi nợ trái pháp luật.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm