Đề xuất định danh tài khoản mạng xã hội: Khó như “hái sao trên trời”
Nghị định ban hành cuối năm 2023 sẽ có sự thay đổi đáng chú ý khi yêu cầu chủ tài khoản mạng xã hội phải định danh, tuy nhiên theo các chuyên gia, để thực hiện sẽ khó như “hái sao trên trời”…
>>Sửa Luật Viễn thông: Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh
Cần thiết phải định danh…
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, quá trình xác thực các tài khoản trên mạng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có trường hợp xác định được, có trường hợp còn gặp khó khăn. Thời gian tới, việc này sẽ được giải quyết bằng khuôn khổ pháp lý cụ thể khi Quốc hội xem xét và cho ý kiến với dự án Luật Viễn thông sửa đổi.
Cũng theo ông Lâm, dự luật này đã quy định việc quản lý các ứng dụng OTT nước ngoài tương tự nền tảng trong nước. Các ứng dụng không đáp ứng yêu cầu sẽ bị chặn nhằm ngăn việc sử dụng để lập hội nhóm lừa đảo, không truy vết được.
Bên cạnh đó, nghị định thay thế các nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng sẽ được ban hành cuối năm 2023 với thay đổi quan trọng. Tất cả chủ tài khoản mạng xã hội là cá nhân hay tổ chức sẽ phải thực hiện định danh.
Những năm gần đây, mạng xã hội ngày càng phát triển tại Việt Nam, bên cạnh những lợi ích tích cực mà nó mang lại, cũng kéo theo không ít hệ lụy. Do người dùng có thể thoải mái lập tài khoản mà không cần định danh, nên các tính năng của mạng xã hội đã bị nhiều người lạm dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài việc dùng tài khoản ảo, ăn cắp tài khoản của người khác để lừa đảo, không ít cá nhân sử dụng tài khoản ảo hoặc thật để livestream các nội dung xuyên tạc, chửi bới, xúc phạm người khác và để lại hậu quả nặng nề. Nhiều vụ việc cũng từ mạng xã hội mà phổ biến, lan truyền theo hướng tiêu cực, tác động rất xấu đến xã hội.
Thậm chí, cơ quan công an đã chỉ rõ và khuyến cáo hàng chục thủ đoạn lừa đảo thông qua mạng xã hội. Bởi vậy, đã đến lúc siết chặt quản lý, để môi trường mạng thực sự lành mạnh, thay vì nhan nhản các nội dung trái pháp luật, thiếu văn hóa, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và lừa đảo gây nhức nhối xã hội.
>>Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi): Lo ngại rào cản đối với thu hút đầu tư nước ngoài
…Nhưng khó như “hái sao trên trời”
Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này, chuyên gia công nghệ Bùi An cho rằng, việc dẹp bỏ tài khoản ảo bằng cách định danh sẽ như "hái sao trên trời". Theo vị chuyên gia này, mạng xã hội như Facebook đang trong giai đoạn suy thoái mạnh nhất suốt chục năm qua, lượng người dùng ngày một giảm. Trong bối cảnh đó, hãng phải thêm tính năng "tạo hồ sơ phụ từ tài khoản chính" để người dùng có thể thoải mái sử dụng cho các mục đích khác nhau.
"Tài khoản ảo cũng là thứ tạo ra “số má” cho mạng xã hội để khoe lượng người dùng. Thực tế điều này không chỉ riêng Facebook mà tồn tại ở mọi mạng xã hội. Trong khi đó, dịch vụ như YouTube, Gmail... lại càng khó hơn trong vấn đề xác thực danh tính để sử dụng tài khoản”, ông An chia sẻ.
Lý giải về điều này, chuyên gia Bùi An cho rằng, nhiều nền tảng sử dụng định danh thông qua tài khoản của một dịch vụ khác, ví dụ như tài khoản Facebook được lập thông qua email của Google, tài khoản game lại liên kết Facebook... Việc chồng chéo này sẽ rất khó khăn khi chỉ cần một dịch vụ trong chuỗi các nền tảng liên quan không tuân thủ tính định danh sẽ bị phá vỡ.
Cũng theo vị chuyên gia này, người dùng có quyền lựa chọn tiếp tục sử dụng tài khoản mạng xã hội hoặc dịch vụ internet hoặc không khi được yêu cầu cung cấp xác thực danh tính.Trong bối cảnh thông tin cá nhân ngày càng quan trọng và được bảo vệ gắt gao, người dùng có xu hướng ngại cung cấp dữ liệu về bản thân cho các nền tảng trên internet nhằm phòng tránh nguy cơ lộ dữ liệu.
Đồng quan điểm, ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS cũng cho rằng, việc định danh các tài khoản số (bao gồm tài khoản mạng xã hội, mạng chia sẻ, mạng OTT và các dịch vụ online khác) là rất cần thiết vì một môi trường mạng lành mạnh, văn minh.
"Ngày càng có nhiều hoạt động của người dân chuyển dịch từ môi trường thực sang không gian số. Việc quản lý, định danh tài khoản số sẽ giúp hệ thống luật pháp được áp dụng một cách thống nhất, bình đẳng, không phân biệt đời thực hay trên mạng, góp phần loại bỏ nội dung xấu, sai trái, vi phạm pháp luật hoặc gây hại cho xã hội trên không gian mạng. Việc này còn nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức khi tham gia vào không gian mạng", ông Sơn nêu quan điểm.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý phải giải quyết rất nhiều yếu tố để hiện thực hóa đề xuất trên, bao gồm từ điều chỉnh, bổ sung, làm mới các quy định luật pháp, xây dựng giải pháp công nghệ hỗ trợ việc giám sát, phát hiện, xử lý, lẫn thuyết phục người dùng đến làm việc, hợp tác cùng nhà cung cấp dịch vụ để tuân thủ.
Ông Sơn nhìn nhận ẩn danh để trao đổi, tương tác với người khác là một nhu cầu thực của con người, có từ trước khi mạng internet phát triển. Có những tính năng, loại hình dịch vụ được thiết kế để phục vụ nhu cầu này nên xóa bỏ ẩn danh rất khó, đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên, bao gồm từ cơ quan quản lý, nhà cung cấp dịch vụ và người dùng.
Cũng theo ông Sơn, các nền tảng xuyên biên giới phục vụ người dùng toàn cầu, rất khó để họ tuân theo một quy định riêng nếu đó không phải là tiêu chuẩn được thừa nhận quốc tế. Bên cạnh đó, nếu công ty cung cấp dịch vụ chấp thuận với quy định tại Việt Nam sẽ phát sinh trường hợp người dùng tạo tài khoản ở quốc gia khác nhưng vẫn dùng trong nước.
“Do vậy, để bắt buộc tài khoản được tạo ra ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng khi trao đổi hoặc hoạt động tại Việt Nam phải được định danh là một bài toán khá khó”, ông Sơn đánh giá.
Có thể bạn quan tâm