Áp thuế thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường là vấn đề cấp bách

KHÔI NGUYÊN 17/05/2023 03:30

“Việc áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường trở thành vấn đề cấp bách để điều chỉnh thói quen, đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh, hài hòa, bền vững của các thế hệ tương lai của đất nước…”.

Đây là chia sẻ của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh xung quanh câu chuyện về đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường đang được dư luận hết sức quan tâm.

>>Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Vì sao còn băn khoăn?

hihihihihi

Việc áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường trở thành vấn đề cấp bách. Ảnh minh họa

Theo đó, tại tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) gửi Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đã đề nghị giữ nguyên đề xuất bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sau khi ghi nhận 74 ý kiến nhất trí và 26 ý kiến khác về sắc thuế này. Hiện một số đơn vị như Hội lương thực phẩm TP.HCM, Hiệp hội Sữa, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham)… đề nghị chưa đưa mặt hàng đồ uống có đường vào diện chịu thuế.

Giải trình vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết đã có nhiều nghiên cứu về tác hại của mặt hàng đồ uống có đường đến sức khỏe con người được các tổ chức y tế trong và ngoài nước công nhận. Mặt khác lượng tiêu thụ của người Việt Nam lại có xu hướng tăng dần theo từng năm. Số liệu của WHO cũng cho thấy đã có khoảng 85 quốc gia áp dụng sắc thuế này vào đồ uống có đường. Một số quốc gia như Mexico, Thái Lan đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực.

Trong khi đó, nhiều đơn vị, cơ quan quản lý đề nghị loại trừ sữa và sản phẩm từ sữa, đồ uống có giá trị dinh dưỡng; cân nhắc áp dụng biện pháp hạn chế tiêu dùng với một số đồ uống có hàm lượng đường cao; quy định khái niệm “đồ uống có đường” tại Luật.

Về khía cạnh này, Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 12828:2019 định nghĩa nước giải khát gồm nước giải khát có ga, nước uống tăng lực, nước uống điện giải, nước uống thể thao, nước giải khát có chứa chè, nước giải khát có chứa cà phê và nước giải khát có chứa nước trái cây. Bộ Tài chính cho rằng sữa và các loại sản phẩm từ sữa cũng là một loại đồ uống có đường nhưng không phải nước giải khát theo tiêu chuẩn này và là hàng hóa phục vụ mục đích dinh dưỡng cho con người.

Để tránh tiếp tục có những kiến nghị về vấn đề này, Bộ Tài chính sẽ sửa cụm từ “đồ uống có đường” thành “nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam” vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Các mặt hàng như sữa, thực phẩm dạng lỏng dùng với mục đích dinh dưỡng, nước khoáng thiên nhiên và nước đóng chai, nước rau, quả và nectar (mật) rau, quả và sản phẩm từ cacao sẽ được loại trừ khỏi diện chịu thuế.

Bộ sẽ nghiên cứu quy định cụ thể mức thuế suất thuế TTĐB đối với nước giải khát theo hàm lượng đường nhất định sau khi dự án Luật được đăng ký vào Chương trình xây dựng Luật của Quốc hội để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu nước giải khát có hàm lượng đường thấp.

>>Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online: Giới chuyên gia nói gì?

Trao đổi với báo chí xung quanh câu chuyện này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, có ba biện pháp cơ bản nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi các sản phẩm có hại cho sức khỏe nói chung, trong đó bao gồm đồ uống có đường đó là: chính sách bắt buộc công bố nhãn dinh dưỡng, nhãn cảnh báo sức khỏe… trên bao bì sản phẩm; chính sách kiểm soát quảng cáo các sản phẩm; chính sách thuế TTĐB.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường trở thành vấn đề cấp bách. Với mức tiêu thụ đồ uống có đường tính theo đầu người tại Việt Nam tăng nhanh như hiện nay, cần đánh thuế TTĐB đối với loại đồ uống này nhằm điều chỉnh thói quen, nâng cao nhận thức về tiêu dùng đồ uống có đường, giảm thiểu tổn thất về kinh tế do tăng cân và béo phì và việc phát sinh các bệnh có liên quan. Qua đó, giảm gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ tử vong, đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh, hài hòa, bền vững của các thế hệ tương lai của đất nước.

Ông Thịnh cho biết thêm, WHO đã đưa ra các phương án áp thuế TTĐB đối với đồ uống có đường nhằm tác động tới việc tiêu dùng. Trong đó, nếu áp dụng theo một trong phương án của WHO là áp thuế 10% giá xuất xưởng (giá tiêu thụ sẽ tăng khoảng 5%; tiêu thụ sẽ giảm 216 triệu lít; thuế thu được khoảng 3.690 tỷ đồng), thì mức suy giảm sản lượng sản xuất và tiêu thụ chỉ bằng nửa mức tăng trưởng bình quân hàng năm.

Như vậy, nếu áp mức thuế suất 10% như một số nước sẽ có tác động không quá lớn đến sản xuất và tiêu thụ đồ uống có đường. WHO cũng khuyến nghị, Việt Nam có thể xem xét áp dụng thuế đồ uống có đường ở mức 20% giá bán lẻ để giảm nguy cơ sức khỏe cho các thế hệ tương lai.

Trên thực tế hiện nay, Việt Nam chưa có thuế TTĐB đánh vào đồ uống có đường, sản phẩm này chỉ chịu ảnh hưởng của thuế GTGT 10%. Trong khi các quốc gia phát triển và có tỷ lệ béo phì cao đều dần thực hiện việc áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường. Nếu năm 2012 chỉ có khoảng 15 quốc gia, thì đến nay đã có ít nhất 67 quốc gia/vùng lãnh thổ đánh thuế đối với đồ uống có đường, trong đó 56 quốc gia áp thuế TTĐB; 9 nước áp thuế nhập khẩu; 2 nước áp thuế hàng hóa và dịch vụ.

Như vậy, đánh thuế TTĐB đối với các sản phẩm đồ uống có đường là một trong những biện pháp hiệu quả để định hướng tiêu dùng, giảm mức tiêu thụ nước ngọt có đường, góp phần dự phòng và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm.

“Nếu áp dụng thuế TTĐB, sản lượng có thể suy giảm trong một vài năm đầu tiên, nhưng sau đó sẽ phục hồi và có thể tiếp tục tăng. Hơn nữa, về bản chất, thuế TTĐB là đánh vào người tiêu dùng nhằm điều chỉnh hành vi tiêu dùng. Doanh nghiệp chỉ là người nộp hộ, nên ngoài mức suy giảm trong một thời gian ngắn về sản lượng, thì các doanh nghiệp trong ngành ít chịu các tác động khác”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Có thể bạn quan tâm

  • Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online: Vẫn còn đó nhiều… quan ngại

    Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online: Vẫn còn đó nhiều… quan ngại

    12:01, 16/05/2023

  • Cân nhắc việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với một số mặt hàng, dịch vụ

    Cân nhắc việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với một số mặt hàng, dịch vụ

    03:30, 19/04/2023

  • Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Vì sao còn băn khoăn?

    Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Vì sao còn băn khoăn?

    03:00, 05/04/2023

  • Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online: Cần nuôi dưỡng, đầu tư thay vì thu thuế

    Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online: Cần nuôi dưỡng, đầu tư thay vì thu thuế

    04:00, 04/04/2023

KHÔI NGUYÊN