“Nhức nhối” tín dụng đen: Vì sao càng bắt lại "mọc" lên càng nhiều?
Sự lộng hành, lách luật và núp bóng dưới mọi hình thức nhằm che giấu bản chất cho vay lãi nặng, trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, đang là thách thức lớn, nhức nhối cho toàn xã hội.
>>Đường dây cho vay nặng lãi “khủng” vừa bị triệt phá hoạt động ra sao?
Liên tiếp là các cuộc triệt phá của lực lượng chức năng về loại hình "tín dụng đen", cho vay nặng lãi dưới vỏ bọc công ty luật, công ty tài chính, cầm đồ… nhằm che giấu bản chất cho vay lãi nặng, trốn tránh sự phát hiện của công an, đang là bài toán khó lý giải không chỉ cho lực lượng chức năng mà còn nguy hại cho toàn xã hội.
Nếu như trước đây, lực lượng chức năng triệt phá đường dây cho vay nặng lãi, "đòi nợ thuê" chỉ dừng lại ở các nhóm nhỏ, lẻ hay núp bóng các công ty luật để đòi nợ thuê, xử lý các con nợ thông qua gọi điện khủng bố, tạt chất bẩn…, thì mới đây lực lượng chức năng lại tiếp tục triệt phá đường dây cho vay nặng lãi núp bóng công ty tài chính, cầm đồ… để cho vay nặng lãi lên đến hàng nghìn tỷ đồng đang là vấn đề rất đáng lưu ý.
“Núp bóng” tổ chức…
Cụ thể, ngày 28/5/2023, Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 9 bị can, gồm: Nguyễn Thị Tuyết Sương (55 tuổi, ngụ Q.10, Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Digital Credit), Trương Tuấn Tài (32 tuổi, ngụ Q.6, Giám đốc Công ty TNHH Fincap VN) cùng 7 người là trưởng phòng, trưởng bộ phận, trưởng nhóm của hai công ty trên và Công ty TNHH Sofi Solutions, để điều tra tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Thủ đoạn của 3 công ty ở TP.HCM cho vay lãi nặng hơn 6.000 tỷ qua hình thức: Khi khách hàng vay tiền, công ty sẽ gửi 3 hợp đồng điện tử nhằm chia nhỏ lãi suất thành các loại phí, che giấu bản chất cho vay lãi nặng, trốn tránh sự phát hiện của công an.
Đáng chú ý, quá trình điều tra, cảnh sát xác định Công ty Digital Credit và Công ty Fincap Việt Nam đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Công ty Sofi Solutions đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ tư vấn quản lý, tư vấn tài chính, nhưng thực tế hoạt động cho vay lãi nặng thông qua trang web tamo.vn và findo.vn. Đây là các trang web cho vay tiêu dùng trực tuyến trái pháp luật, có máy chủ đặt tại nước ngoài.
Đặc biệt, khi khách hàng có nhu cầu vay vốn thì chỉ cần đăng nhập vào trang web hoặc ứng dụng trên điện thoại, điền đầy đủ thông tin cá nhân và nhu cầu vay, sẽ được hệ thống tự động giải quyết cho vay mà không cần tiếp xúc trực tiếp với nhân viên.
Video lực lượng chức năng khởi tố 3 doanh nghiệp cho vay nặng lãi.
Khách hàng được nhận tiền vay qua chuyển khoản và được nhận 3 hợp đồng điện tử gồm hợp đồng cho vay cầm đồ và hợp đồng cầm cố tài sản với Công ty Digital Credit/Công ty Fincap, hợp đồng dịch vụ tư vấn với Công ty Sofi Solutions.
Thực chất, tất cả hợp đồng này được lưu giữ trên hệ thống, các bên không cần ký kết hợp đồng. Việc gửi hợp đồng là nhằm hợp thức hóa, chia nhỏ lãi suất thành các loại phí, che giấu bản chất cho vay lãi nặng, trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Cụ thể, hợp đồng thể hiện khách hàng cầm cố điện thoại di động, công ty cho khách hàng thuê lại tài sản cầm cố và phải đóng phí, nhưng thực tế không có bất cứ hoạt động cầm cố tài sản nào.
Số tiền mỗi lần cho vay thấp nhất là 500.000 đồng, cao nhất là 20 triệu đồng. Khách hàng mới được vay tối đa 2 triệu đồng, thời hạn tối đa 7 ngày, khách phải trả dứt điểm lần trước mới được vay lần sau hoặc có thể gia hạn nợ thêm tối đa không quá 30 ngày, nhưng phải trả phí gia hạn.
Đáng nói, do các đối tượng cho vay nắm bắt được nhu cầu vay tiêu dùng lớn trong xã hội, nhất là những trường hợp gặp khó khăn về tài chính, cần tiền ngay, thủ tục giản đơn, không phải cầm cố, thế chấp tài sản để triển khai hoạt động cho vay trực tuyến.
Theo cơ quan chức năng, tính từ tháng 4/2019 đến tháng 4/2023, qua 2 trang web trên, các công ty đã giải ngân cho vay hơn 2 triệu lượt vay, tổng cộng hơn 6.000 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 4.100 tỷ đồng, với lãi suất thấp nhất là 153%, cao nhất là 1.200%.
>>Báo động đỏ về tình trạng đòi nợ thuê “núp bóng” công ty luật
… và sẵn sàng xóa dữ liệu khi bị kiểm tra…
Theo Cơ quan CSĐT, Công ty Digital Credit, Công ty Fincap Việt Nam và Công ty Sofi Solutions đăng ký trụ sở kinh doanh tại quận 3, quận 10, nhưng không hoạt động tại đây. Cả 3 công ty cùng hoạt động chung tại tòa nhà Viễn Đông, số 14 Phan Tôn, quận 1, TPHCM nhằm trốn tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.
Đáng chú ý, cả 3 công ty nêu trên đều có pháp nhân độc lập, nhưng thực tế có chung bộ máy nhân sự, các nhân viên làm việc chung với nhau và cùng thực hiện những hoạt động cho vay tiêu dùng trái pháp luật, núp bóng hoạt động cầm đồ tại các trang website: tamo.vn và findo.vn.
Cơ cấu tổ chức nhân sự hoạt động cho vay gồm 8 bộ phận, có phân công cụ thể vai trò của từng giám đốc, trưởng phòng, trưởng bộ phận, trưởng nhóm và nhân viên. Toàn bộ hoạt động của 120 nhân viên đều thực hiện trên không gian mạng.
Toàn bộ dữ liệu khách hàng và hoạt động tài chính, kế toán đều được lưu trữ trên điện toán đám mây để khi nhân viên nghỉ việc không trả lại máy hoặc khi bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý sẽ reset máy từ xa, xóa toàn bộ dữ liệu trên máy.
Ngoài ra, khi công an thành phố tập trung kiểm tra, xử lý mạnh với hoạt động “tín dụng đen” núp bóng doanh nghiệp, 3 công ty cho nhân viên mang máy tính về hoạt động tại nhà, xóa dữ liệu khi có nhân viên bị triệu tập làm việc.
Nhận định về các hành vi núp bóng các pháp nhân khác nhau để hoạt động, Luật sư Nguyễn Hải Vân, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho rằng bản chất của loại hình cho vay nặng lãi đã có từ lâu, thậm chí hoạt động dưới nhiều loại hình thức khác nhau như: thành lập hội, họ, bát họ …và đã tồn tại trong xã hội từ lâu. Đặc biệt, khi đất nước phát triển, nhiều tệ nạn xã hội cũng xuất hiện và khiến cho nhu cầu vay “nóng”, vay tiêu dùng cá nhân ngày càng cao, trong đó có cả những doanh nghiệp làm ăn chân chính và sẵn sàng chấp nhận vay các tổ chức “tín dụng đen” với mức lãi suất cao, vay “nóng” để xử lý những vấn đề nóng như: đáo hạn ngân hàng, vốn lưu động ngắn ngày… Rõ ràng, để che giấu hành vi, lách luật thì việc các tổ chức “tín dụng đen” núp bóng các công ty luật, cầm đồ, tài chính… nhằm đối phó và trốn tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng cũng là điều dễ hiểu.
"Song, vì sao càng bắt lại mọc lên càng nhiều, bắt chỗ này mọc chỗ khác… chính là “lỗ hổng” xuất phát từ hành lang pháp lý, lực lượng thi hành công vụ và cả các nạn nhân… đã khiến cho loại hình “tín dụng đen” hoạt động ngày càng “biến tướng”, và đang trở thành một chủ đề “nóng”, nhức nhối cho toàn xã hội trong suốt thời gian qua" – Luật sư Vân nói.
Luật sư Vân cho rằng, để xử lý quyết liệt hơn những vấn đề này, có lẽ cũng rất cần sự chung tay, lên tiếng của toàn xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan pháp luật cũng cần phải có các giải pháp căn cơ thông qua các chương trình: hội thảo, chuyên đề, họp liên ngành… để “bài trừ” loại hình “tín dụng đen” này một cách nghiêm túc, quyết liệt.
"Đặc biệt, hành lang pháp lý cũng cần lưu ý đến các chế tài, đủ mạnh, thậm chí phải sửa Luật để tăng khung hình phạt, phạt thật nặng về hành chính cũng như hình sự để đảm bảo tính răn đe với loại hình tội phạm cho vay nặng lãi này", Luật sư Vân nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Đường dây cho vay nặng lãi “khủng” vừa bị triệt phá hoạt động ra sao?
00:06, 30/05/2022
Cho vay nặng lãi: Chủ biệt thự “dát vàng” bị truy tố 18 năm tù
00:26, 08/12/2021
Bắt thêm 2 đối tượng liên quan vụ án cho vay nặng lãi của "đại gia" Thiện Soi
14:44, 08/04/2021
TP HCM: Một công ty nước ngoài đang bị điều tra vì cho vay nặng lãi
17:08, 15/03/2021
Biệt thự dát vàng “lộ” chân tướng gã “trùm” cho vay nặng lãi
22:48, 18/02/2021