“Chặn” trục lợi bảo hiểm là bảo vệ quyền lợi người tham gia

KHÔI NGUYÊN 11/06/2023 03:00

Vụ việc một loạt phòng khám đa khoa tư nhân tại tỉnh Đồng Nai liên quan tới làm giả giấy tờ để trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn đang thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày qua…

>>Từ vụ trục lợi bảo hiểm tại Đồng Nai: Các chuyên gia nói gì?

hhihihihi

Cơ quan chức năng khám xét một địa điểm tại Đồng Nai do liên quan đến hành vi trục lợi bảo hiểm. Ảnh CACC

Theo các chuyên gia, tình trạng trục lợi BHXH, BHYT đã và đang diễn ra ở nhiều nơi, với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp với nhiều biến tướng. Việc trục lợi không chỉ dừng ở mua bán, cấp khống giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, làm giả hồ sơ ở không ít phòng khám, qua mắt cả doanh nghiệp, cơ quan chức năng; mà còn có tình trạng mua bán sổ BHXH, BHYT qua mạng xã hội bằng hình thức nhận ủy quyền; tuyển lao động là phụ nữ mang thai, thực hiện đăng ký đóng BHXH nhưng thực tế không làm việc tại đơn vị để trục lợi thông qua việc giải quyết chế độ thai sản khi sinh con…

Trước đó, trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020, qua thanh tra, kiểm tra, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thu hồi 50,4 tỷ đồng tiền hưởng chế độ BHXH không đúng quy định; thu hồi 828,4 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh BHYT không đúng quy định. Riêng trong năm 2021, cũng đã phát hiện và yêu cầu thu hồi số tiền 9,5 tỷ đồng hưởng chế độ BHXH sai quy định.

Liên quan đến tình trạng này, trong phiên trả lời chất vấn ngày 6/6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Đào Ngọc Dung nhận định, tình trạng trốn đóng BHXH, lập hồ sơ giả để trục lợi bảo hiểm đã được xử lý quyết liệt thông qua công tác thanh tra, kiểm tra.

Cụ thể, Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thanh tra 992 đơn vị, xử lý 2.995 kiến nghị, 205 quyết định xử phạt trong 2 năm. Theo kế hoạch thanh tra năm 2023, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ dành 1/3 thời lượng để thanh tra xử lý vấn đề BHXH. Bên cạnh đó còn có trên 3.000 đoàn thanh tra BHXH kiểm soát trên lĩnh vực thu.

>>Nhiều lao động “khai man” để trục lợi bảo hiểm thất nghiệp

hihihihi

Một phòng khám tại Đồng Nai liên quan đến vụ việc. Ảnh: K.N

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh nội dung này, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Lee và Cộng sự cho rằng, việc trục lợi BHXH, BHYT dưới bất cứ hình thức nào đều đi ngược lại với mục tiêu, làm giảm ý nghĩa nhân văn về chính sách an sinh xã hội, điều cốt yếu mà BHXH, BHYT hướng tới, đã và mang lại lợi ích chính đáng cho người lao động. Do đó, cần ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi trục lợi BHXH, BHYT.

Cũng theo vị chuyên gia này, trong đó cần trọng tâm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đẩy mạnh thanh tra, xử lý tình trạng hồ sơ giả, thu gom sổ bảo hiểm, trục lợi chính sách… “Thường xuyên chấn chỉnh các cơ sở khám chữa bệnh, thực hiện đúng các quy chế chuyên môn, quy trình khám chữa bệnh cũng cần được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ”, luật sư Lê Thị Nhung góp ý.

Bên cạnh đó, luật sư Lê Thị Nhung cũng cho rằng cần thực hiện đầy đủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thực hiện đúng quy định về cấp các loại giấy tờ, hồ sơ như giấy chứng nhận nghỉ ốm hưởng BHXH, giấy khám sức khỏe, hồ sơ bệnh án.

“Việc đối chiếu dữ liệu thông tin trong quản lý BHXH của cơ quan chủ quản, cơ quan BHXH địa phương cũng cần làm thường xuyên để có thể phát hiện nhanh, xử lý kịp thời vi phạm và hạn chế tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ, chi sai chế độ BHXH, BHYT.

Đồng quan điểm, nhưng đưa ra giải pháp về lâu dài, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN cho rằng, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành của người sử dụng lao động; tập trung sửa đổi quy phạm pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở dữ liệu của bảo hiểm với dữ liệu dân cư; tăng cường các cảnh báo từ hệ thống giám sát điện tử của cơ quan BHXH Việt Nam…

Cũng theo luật sư Nguyễn Trọng Hiệp, trong hệ thống an sinh xã hội thì hệ thống BHXH giữ vai trò trụ cột, bền vững, hoạt động theo nguyên tắc "đóng - hưởng" và "chia sẻ" giữa những người lao động cùng thế hệ và giữa các thế hệ tham gia bảo hiểm xã hội.

“Do đó, việc ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi trục lợi BHXH, BHYT là cơ sở bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia BHXH, BHYT; đồng thời góp phần thiện tốt các chính sách an sinh xã hội, thúc đảy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, luật sư Hiệp chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Từ vụ trục lợi bảo hiểm tại Đồng Nai:p/Các chuyên gia nói gì?

    Từ vụ trục lợi bảo hiểm tại Đồng Nai: Các chuyên gia nói gì?

    03:50, 03/06/2023

  • Nhiều lao động “khai man” để trục lợi bảo hiểm thất nghiệp

    Nhiều lao động “khai man” để trục lợi bảo hiểm thất nghiệp

    19:37, 18/09/2019

KHÔI NGUYÊN