Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Cần làm rõ hành vi trốn đóng BHXH
Để ngăn chặn tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH gây thiệt hại đến quyền lợi của người lao động, theo các chuyên gia, sửa luật là giải pháp căn cơ, trong đó, cần làm rõ thế nào là trốn đóng BHXH…
>> Chặn trốn đóng BHXH cho người lao động
Thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 5/2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) khoảng 17,47 triệu người, chiếm 37,48% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy vậy, số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH phải tính lãi đến hết năm 2022 là 8.560 tỷ đồng, tăng 121 tỷ đồng so với năm 2021, chiếm 2,69% trên số phải thu BHXH.
Trong đó, có khoảng 26.670 đơn vị đã phá sản, đang làm thủ tục giải thể, phá sản; đơn vị ngừng hoạt động và không có người đại diện theo pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của 206.468 người lao động…
Để ngăn chặn tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH gây thiệt hại đến quyền lợi của người lao động, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung các biện pháp, chế tài xử lý.
Cụ thể, để xử lý tình trạng trốn đóng BHXH, Dự thảo Luật (sửa đổi) đề xuất bổ sung quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (tương tự như tiền chậm nộp thuế). Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên. Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên...
Đồng thời, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, Dự thảo Luật (sửa đổi) cũng đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động…
>>BHXH: Bảo đảm đời sống của người lao động khi về hưu
Đáng nói, để có căn cứ xử lý hình sự hành vi này, tại Điều 43 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã bổ sung vào quy định hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc bao gồm:
Thứ nhất, người sử dụng lao động không đăng ký tham gia BHXH bắt buộc hoặc đăng ký tham gia BHXH bắt buộc sau thời gian quy định tại khoản 1 Điều 34 luật này; tức là sau 5 ngày làm việc kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động.
Thứ hai, người sử dụng lao động đã đăng ký tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động nhưng đến thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 40 luật này mà chưa đóng hoặc đóng chưa đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng theo quy định.
Khoản 6 Điều 40 quy định thời hạn đóng BHXH bắt buộc chậm nhất đối với người sử dụng lao động. Cụ thể là ngày thứ 10 của tháng tiếp theo đối với phương thức đóng hằng tháng; ngày cuối cùng của chu kỳ đóng đối với phương thức đóng 3 tháng một lần; ngày cuối cùng của tháng thứ 4 của chu kỳ đóng đối với phương thức đóng 6 tháng một lần; ngày cuối cùng của tháng thứ 7 của chu kỳ đóng đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.
Thứ ba, người sử dụng lao động đăng ký và đóng BHXH bắt buộc thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc theo quy định.
Đánh giá về những đề xuất đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, việc bổ sung các quy định, cùng các chế tài xử lý nhằm ngăn chặn hành vi là cần thiết, thế nhưng, để tránh sự hình thức, chồng chéo, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện về việc xác định cụ thể hành vi trốn đóng BHXH.
Góp ý về vấn đề này, bà Ung Thị Xuân Hương - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh đề nghị, nghiên cứu chặt chẽ hơn quy định tại điều khoản này để làm căn cứ xử lý các hành vi nợ, chậm đóng, trốn đóng BHXH. Bởi, hiện cơ quan Tòa án rất lúng túng trong việc xử lý các vụ khiếu kiện liên quan đến BHXH vì luật pháp chưa rõ ràng.
Về Điều 43 Dự thảo Luật (sửa đổi), theo bà Ung Thị Xuân Hương, khoản 2 có quy định chậm đóng vài ngày đã xác định là trốn đóng BHXH thì không hợp lý, đây chỉ mới là hành vi chậm đóng… nên quy định thêm là chậm đóng quá 6 tháng so với thời hạn quy định thì xác định là trốn đóng BHXH. Như vậy, quy định thời hạn sẽ rõ ràng, dễ xử lý trong các vụ cụ thể.
Bên cạnh vấn đề đã nêu, góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), một số ý kiến cũng cho rằng, quy định về hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc tại Điều 43 và xử lý vi phạm về trốn đóng BHXH tại Điều 44 Dự thảo Luật (sửa đổi) cần nghiên cứu, bổ sung một số hành vi và chế tài xử lý phù hợp, đảm bảo không bỏ sót đối tượng, hành vi vi phạm và tính nghiêm minh của pháp luật.
Theo đó, nên nghiên cứu bổ sung 1 Điều mới về hành vi chiếm dụng tiền đóng BHXH tương tự như hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc. Đồng thời tại Điều 43 cũng nên nghiên cứu bổ sung đối tượng và hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc của người lao động để đảm bảo tính bình đẳng trước pháp luật giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Mặt khác, tại Điều 44 xử lý vi phạm về trốn đóng BHXH mới chỉ quy định hành vi của người sử dụng lao động; cần bổ sung thêm chế tài xử lý đối với hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc của người lao động và chế tài xử lý hành vi chiếm dụng tiền đóng BHXH. Trong đó, đối với hành vi chiếm dụng tiền đóng BHXH cần phải có những chế tài cả về hành chính và kinh tế “đủ mạnh”, nghiêm khắc hơn so với hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc bởi hành vi này thuộc về ý thức chủ quan, cố tình của đối tượng vi phạm.
Có thể bạn quan tâm
Chặn trốn đóng BHXH cho người lao động
02:18, 10/07/2023
Trốn đóng BHXH: Trăm dâu đổ đầu… công nhân
04:00, 22/06/2023
Cần nâng mức chế tài đủ sức răn đe đối với doanh nghiệp trốn đóng BHXH
11:30, 19/03/2023
TP.Hồ Chí Minh: Kiên quyết xử lý doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT
03:00, 02/03/2022
Xử lý doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT: Quyết liệt vì quyền lợi người lao động
12:11, 06/04/2021