“Xảo trá” thị trường thực phẩm chức năng - Bài 2: Hoạt động đa cấp núp bóng “thần dược”

NGUYỄN GIANG 21/07/2023 03:20

Thị trường thực phẩm chức năng giống như một "ma trận", người tiêu dùng không biết dựa vào tiêu chí gì để đánh giá sản phẩm, bởi “vàng thau lẫn lộn”, không ít trường hợp đã “tiền mất, tật mang”...

Theo đó, bất chấp những lời cảnh báo từ chuyên gia y tế, dư luận xã hội và các quyết định xử phạt từ cơ quan chức năng, vấn nạn quảng cáo, giới thiệu các loại  thực phẩm chức năng sai công dụng, sự thật không chỉ bớt đi, mà thực tế là càng ngày càng được nâng cấp, tăng tần suất và hiện diện khắp thành thị tới nông thôn, vào từng nhà và trong từng chiếc điện thoại của người dùng.

>>“Xảo trá” thị trường thực phẩm chức năng - Bài 1: “Bóng ma” ám ảnh người tiêu dùng

hihihihi

Sau khi liên tục sử dụng các sản phẩm này, bà Đỗ Thị V.A diễn biến sức khỏe xấu và đã tử vong. Ảnh: VOV

Cụ thể, tại nhiều địa phương như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh và một số huyện giáp ranh thuộc ngoại thành Hà Nội như huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn thời gian gần đây xuất hiện nhiều nhóm đối tượng đến tiếp cận người dân địa bàn, với mục đích được cho là để “tư vấn sức khỏe” và chia sẻ về sản phẩm thực phẩm chức năng có tên “Reserve tế bào gốc” của Jeunesse có khả năng điều trị được nhiều loại bệnh từ viêm phế quản, suy thận sơ gan đến cả bệnh nan y như ung thư cũng có thể trị.

Đáng chú ý, cũng liên quan đến loại sản phẩm có tên của Jeunesse, trước đó theo VOV đưa tin, một nạn nhân tại tỉnh Điện Biên đã tử vong sau 2 tháng sử dụng. Theo lời kể của chị Nguyễn Thị Thu Trang, ở phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên cho biết, mẹ chị là bà Đỗ Thị V.A, 47 tuổi, được chẩn đoán mắc ung thư gan từ giữa năm 2021. Quá trình thăm khám, xác định bệnh mới ở giai đoạn đầu, nên mẹ chị được gia đình đưa sang Quảng Châu (Trung Quốc) chữa trị bằng cách cắt hoàn toàn khối u và ca mổ được đánh giá là thành công, diễn tiến sức khỏe tốt.

Tuy nhiên, gần cuối năm 2022, các thành viên trong gia đình phát hiện người bệnh tham gia một nhóm Chat kín họp đồng hương trên mạng Internet và đặt mua số lượng lớn các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, với số tiền lên đến cả trăm triệu đồng. Nhóm thông tin này chỉ cho phép người bệnh tham gia tương tác một mình, có mật khẩu thay đổi liên tục; nếu có sự xuất hiện của người nhà thì người tương tác sẽ lập tức bị tạm dừng, không được trao đổi tiếp thông tin.

Tại nhóm, bệnh nhân được tư vấn các nội dung xung quanh việc sử dụng các sản phẩm chức năng, không cần ăn uống gì thêm và không được phép tuân theo các phác đồ điều trị của bệnh viện, như vậy thì sẽ chữa khỏi được bệnh ung thư. Đáng buồn là trong khoảng từ cuối năm 2022 đến giữa tháng 2/2023, sau khi liên tục sử dụng các sản phẩm này, mẹ chị diễn biến sức khỏe xấu và đã tử vong.

Trả lời báo chí sau khi sự việc xảy ra, ông Nguyễn Hữu Sen, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ Y dược (Sở Y tế  tỉnh Điện Biên) cho biết, toàn bộ sản phẩm bà Đỗ Thị V.A dùng không phải thuốc mà là một dạng thực phẩm dinh dưỡng, chưa được Cục Quản lý dược và Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp phép lưu hành trên thị trường Việt Nam.

“Qua rà soát, theo Thông tư số 20/2022 của Bộ Y tế ban hành danh mục thuốc hóa dược, sinh phẩm phóng xạ, thuốc phóng xạ thì các sản phẩm này không có thành phần để điều trị ung thư. Do chưa được cấp phép, không có tem, nhãn phụ tiếng Việt, nên cũng không thể khẳng định có đảm bảo an toàn hay không”, ông Sen nói.

>>“Loạn” thực phẩm chức năng

hihihihi

Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm được cho là của Công ty TNHH JEUNESS Việt Nam với nhiều dấu hiệu bất thường. Ảnh: Người dân cung cấp

Theo tìm hiểu của phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, liên quan đến các sản phẩm “Reserve tế bào gốc” của Jeunesse, từ năm 2019, Bộ Công Thương đã đưa ra cảnh báo đến người dân về việc sản phẩm không rõ nguồn gốc, và đơn vị này có dấu hiệu hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép.

Cụ thể, cơ quan này cho biết, các sản phẩm thực phẩm chức năng có tên “Reserve tế bào gốc” không rõ nguồn gốc của Tập đoàn Jeunesse Global tại Việt Nam được bán tràn lan nhưng chưa nhận được chứng nhận bán hàng đa cấp của Bộ Công Thương.

Đến đầu tháng 2/2020, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương tiếp tục có cảnh báo hình thức bán hàng các sản phẩm của Jeunesse hay Jeunesse Global có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận.

Đây là lần thứ 2, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo về hoạt động kinh doanh của Jeunesse hay Jeunesse Global do đã tiếp tục nhận được thông tin phản ánh về việc một số cá nhân thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị, đào tạo trực tiếp hoặc qua các ứng dụng điện thoại (Zoom Meeting) có tên dự án nền tảng thương mại điện tử - mạng xã hội hay nhà cung cấp nền tảng kinh doanh “chìa khóa trao tay” để giới thiệu về các sản phẩm và mời gọi người tham gia các gói kinh doanh được hưởng giá trị hoa hồng rất cao theo phương thức đa cấp của tổ chức có tên Jeunesse hay Jeunesse Global.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khẳng định chưa cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp, tổ chức nào có tên Jeunesse hay Jeunesse Global.

Theo tìm hiểu, hệ thống kinh doanh của Jeunesse Global bao gồm tổng cộng 10 cấp điều hành khác nhau trong đó 6 cấp điều hành và 4 cấp giám đốc. Đồng thời có 6 loại hoa hồng khác nhau như hoa hồng bán lẻ 35%, hoa hồng giới thiệu trực tiếp từ 25 - 250 USD; hoa hồng đội nhóm 35 USD đến 3.500 USD/chu kỳ; hoa hồng lãnh đạo từ 5 - 20%; thưởng khách hàng ưu đãi khi nhà phân phối tìm được khách hàng từ trang web cá nhân sẽ được thưởng thêm 5 - 10% hoa hồng lãnh đạo từ F1; và cuối cùng là thưởng doanh số toàn cầu 3% vào mỗi quý.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng cảnh báo người dân không nên tham gia để hạn chế tối đa các rủi ro, thiệt hại về vật chất và pháp lý. Đồng thời không nên mua, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của Jeunesse hay Jeunesse Global có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng vì không có cơ sở để bảo vệ quyền lợi khi gặp thiệt hại liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ hay tranh chấp liên quan khác.

Theo tìm hiểu, hiện nay theo danh sách 20 doanh nghiệp đang hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp tại Việt Nam được Bộ Công Thương chính thức công bố cũng không thấy xuất hiện đơn vị nào có tên Jeunesse hay Jeunesse Global.

Còn theo một tài liệu nội bộ mà các đối tượng giới thiệu về sản phẩm này cho thấy, sản phẩm được Công ty TNHH JEUNESS Việt Nam cung cấp, doanh nghiệp này có địa chỉ đăng ký tại Phòng 701-3, tầng 7, Tòa nhà Mê Linh Point Tower, số 2 Ngô Đức Kế, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hiện nay, công ty này đang trong tình trạng “Ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng MST”.

Còn nữa…

Có thể bạn quan tâm

  • “Xảo trá” thị trường thực phẩm chức năng - Bài 1: “Bóng ma” ám ảnh người tiêu dùng

    “Xảo trá” thị trường thực phẩm chức năng - Bài 1: “Bóng ma” ám ảnh người tiêu dùng

    03:00, 20/07/2023

  • “Loạn” thực phẩm chức năng

    “Loạn” thực phẩm chức năng

    03:30, 14/06/2023

NGUYỄN GIANG