Quản lý “hộ chiếu” xuất khẩu sầu riêng
Mã số vùng trồng được xem là “hộ chiếu” để sầu riêng Việt nam xuất khẩu, tuy nhiên, công tác quản lý lỏng lẻo khiến loại “vua trái cây” bị tuýt còi, thậm chí có nguy cơ mất thị trường…
>>Sầu riêng Ri6 của Việt Nam lần đầu tiên chinh phục thị trường Anh
Vấn đề này càng đáng quan ngại khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã có cảnh báo về vi phạm yêu cầu kiểm dịch thực vật của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng của Việt Nam.
“Nhập nhằng” mã số vùng trồng
Trung tuần tháng 9/2022, dư luận cả nước ồn ào trước thông tin 18 xe container sầu riêng của các doanh nghiệp tập kết ở Lạng Sơn chờ xuất khẩu. Tuy nhiên, khi đăng ký làm thủ tục kiểm dịch thực vật nhưng theo nội dung giấy ủy quyền cung cấp thì đơn vị chức năng phát hiện chưa đủ điều kiện.
Cụ thể, các lô hàng này ghi mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng đều thuộc tỉnh Tiền Giang đã được phía Trung Quốc phê duyệt. Phía doanh nghiệp được ủy quyền xuất khẩu có địa chỉ tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn và huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Nhưng khi kiểm tra và xác minh, đơn vị sở hữu mã số vùng trồng khẳng định chưa có ủy quyền sử dụng các mã số để làm thủ tục xuất khẩu. Thực tế ở những vườn này, sầu riêng chưa ra trái hoặc đang có trái non chưa đủ ngày để thu hoạch.
Tiếp tục trong tháng 10/2022, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thanh Trung (có địa chỉ tại số 20 đường Hồ Xuân Hương, KP1, phường Xuân Trung, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) đã sử dụng mã vùng trồng VN-ĐLOR – 0077 của Hợp tác xã câu ăn trái Krông Pắc (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) để làm thủ tục xuất khẩu hàng trăm tấn sầu riêng quả tươi đi Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo xác minh của phóng viên DĐDN, hầu hết các chủ vườn sầu riêng thuộc mã VN-ĐLOR – 0077 đã cắt trái cuối cùng trước đó 3 tuần và không vườn nào bán sầu riêng cho Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thanh Trung.
Vào thời điểm này, câu chuyện “mập mờ” mã số vùng trồng cũng là chủ đề bàn tán xôn xao của người dân thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, người dân tại huyện Krông Pắk phát hiện một số vườn cây bị Công ty TNHH Thương mại nông sản Thiện Tâm trên địa bàn đã làm hồ sơ cấp mã số vùng trồng từ lúc nào không hay. Sự “mập mờ” không chỉ làm người dân bức xúc mà còn làm dấy lên nghi ngờ về sự gian dối, nếu không xử lý quyết liệt và kịp thời, có thể sẽ ảnh hưởng lớn tới ngành hàng giá trị cao này.
Ngăn “độn hàng, đổi mã”
Mới đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc liên tiếp đưa ra cảnh báo về vi phạm yêu cầu kiểm dịch thực vật của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng đã đặt ra nhiều lo ngại. Ngay lập tức, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi công văn tới các địa phương để chấn chỉnh việc quản lý mã số vùng trồng đối với các lô hàng trong diện phải kiểm dịch thực vật.
Công văn này đề nghị các tỉnh tập trung bố trí đủ nguồn lực để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số, đặc biệt lưu ý các cơ sở đóng gói phải thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật đảm bảo làm sạch sinh vật gây hại trên hàng hóa trước khi xuất khẩu. Việc không kiểm tra hoặc không đảm bảo tuân thủ quy trình có thể dẫn đến bỏ sót các trường hợp không đáp ứng yêu cầu mà vẫn được xuất khẩu.
Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ đã phân cấp quản lý mã số vùng trồng về cho các địa phương, yêu cầu thực hiện kiểm tra thực tế vùng trồng mỗi năm ít nhất 1 lần. Trong trường hợp chưa đạt yêu cầu, phải có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho người dân và doanh nghiệp.
Xung quanh vấn đề này, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT, cho biết, ngoài giám sát chất lượng về an toàn thực phẩm, Bộ cũng đề nghị phải giám sát chất lượng liên quan đến mã số vùng trồng để đảm bảo sản lượng phù hợp với mã số vùng trồng để đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc.
“Nếu chúng ta vi phạm, chắc chắn các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị Tổng cục Hải quan không cho phép xuất khẩu nữa. Ngoài Trung Quốc, gần đây, một số quốc gia châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật Bản… đều yêu cầu nông sản tươi nhập khẩu buộc phải có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm”, ông Hòa nói.
Chiều ngày 26/7, trao đổi nhanh với DĐDN về giải pháp ngăn chặn gian lận mã vùng trồng, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiến hành phối hợp với các cơ quan chính quyền địa phương tổ chức các hội nghị nhằm quán triệt lại các điều kiện của nước nhập khẩu cũng như rà soát lại toàn bộ hệ thống quản lý của các địa phương nhằm chấn chỉnh, nâng cao công tác quản lý nhà nước về việc quản lý cấp mã số vùng trồng cũng như mã số đóng gói.
Có thể bạn quan tâm
Đắk Lắk: Nghi vấn mua bán mã vùng trồng sầu riêng để trục lợi
03:00, 11/07/2023
Nỗi lo rụng trái sầu riêng Tây Nguyên
02:14, 02/06/2023
Sầu riêng Ri6 của Việt Nam lần đầu tiên chinh phục thị trường Anh
00:20, 07/05/2023
Sầu riêng phát triển “nóng” ở ĐBSCL, Bộ NN&PTNT chỉ đạo khẩn
04:30, 24/02/2023