Đồng loạt chuẩn hóa thông tin - Vì đâu “cuộc gọi, tin nhắn rác” vẫn hoành hành?
Mặc dù công tác chuẩn hóa thông tin thuê bao di động đã ghi nhận một số kết quả tích cực sau sự vào cuộc của Bộ TT&TT, thế nhưng, hiện trạng “cuộc gọi, tin nhắn rác” vẫn vô tư tiếp diễn…
>> Chuẩn hóa thông tin thuê bao để hạn chế sim rác
Theo đó, nhằm chấn chỉnh tình trạng “cuộc gọi, tin nhắn rác” gây phiền nhiễu, xử lý triệt để vấn đề “SIM rác”, vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã triển khai đợt thanh tra diện rộng hoạt động đăng ký, lưu trữ thông tin thuê bao trên phạm vi toàn quốc.
Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan chức năng đã cập nhật thông tin thuê bao, đối soát cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với hơn 11 triệu thuê bao. Trong quá trình này đã khóa và phục hồi xấp xỉ 2,5 triệu thuê bao có thông tin không chính xác, hiện còn hơn 200.000 khách hàng sở hữu nhiều SIM…
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng di động cũng đã rà soát, làm rõ việc sở hữu đối với 100% các thuê bao đối với khách hàng là tổ chức. Đối với thuê bao là khách hàng cá nhân đứng tên nhiều SIM (trên 10 SIM), các nhà mạng đã xử lý được hơn 20% tổng số giấy tờ đứng tên nhiều SIM.
Sau chiến dịch rầm rộ này, tưởng chừng sẽ mở ra một môi trường viễn thông lành mạnh hơn, tình trạng “cuộc gọi, tin nhắn rác” sẽ hết đất hoành hành, thế nhưng, người dùng vẫn tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt cuộc gọi không mong muốn, quảng cáo gây phiền toái, thậm chí cả những cuộc gọi lừa đảo. Vậy, nguyên nhân từ đâu?
>> Chế tài nào quản lý “sim rác” xâm nhập thông tin cá nhân?
Theo các chuyên gia, mặc dù các cơ quan chức năng và nhà mạng đã có nhiều giải pháp kiểm soát, hạn chế “cuộc gọi, tin nhắn rác” nhưng vì thủ đoạn phát tán cuộc gọi rác ngày càng tinh vi và hiện đại nên việc quản lý rất khó. Nếu như trước đây, nhân viên gọi điện theo cách thủ công chỉ được 10-20 cuộc/ngày thì bây giờ, tổng đài ảo có thể gọi cùng lúc cho nhiều người với cùng một nội dung. Chưa kể, có những SIM điện thoại được mua về chỉ dùng để phát tán “cuộc gọi, tin nhắn rác”, dùng xong là vứt bỏ nên việc báo cáo SIM trong nhiều trường hợp là không hiệu quả…
Đáng nói, bên cạnh các SIM điện thoại truyền thống, các địa chỉ IP nước ngoài cho phép tạo tài khoản và tạo cuộc gọi không khác gì cuộc gọi thường nhưng không chịu sự quản lý, giám sát của các nhà mạng tại Việt Nam, cũng được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc khó xử lý triệt để vấn nạn “cuộc gọi, tin nhắn rác”.
Trước thực tế đã nêu, một số ý kiến cho rằng, việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động và tăng cường thanh kiểm tra hoạt động đăng ký thông tin thuê bao di động chỉ là một trong các biện pháp góp phần hạn chế “cuộc gọi, tin nhắn rác”, chứ không phải là giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng này. Vì vậy, cùng với các giải pháp từ cơ quan quản lý Nhà nước, vẫn cần có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cơ quan, tổ chức và người dân mới có thể chặn được “cuộc gọi, tin nhắn rác”.
Thông tin với báo chí, ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena nhìn nhận, các giải pháp chuẩn hóa, khóa SIM chưa chính chủ chỉ mới áp dụng đối với các SIM đã kích hoạt nhiều năm trước, hoặc SIM đã ngừng hoạt động lâu nay, như vậy thì không ăn thua gì so với lượng thuê bao mới đăng ký gần đây. Do đó, trước mắt người tiêu dùng muốn tự bảo vệ mình thì sử dụng các phần mềm chặn số lạ hoặc số có cảnh báo là spam để từ chối ngay từ đầu…
Còn theo ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS, tình trạng đau đầu hiện nay là các cuộc gọi “rác”, lừa đảo trên nền tảng OTT không chịu sự quản lý của nhà mạng Việt Nam. Với các công nghệ và nền tảng hiện nay, khối lượng tính toán để nhận diện “cuộc gọi, tin nhắn rác” tự động tương đối lớn, rất khó để ngăn chặn tự động. Vì vậy, hạn chế lộ lọt dữ liệu cá nhân và xử lý nghiêm các trường hợp gửi tin nhắn “rác”, thư “rác”, cuộc gọi “rác” sẽ là giải pháp căn cơ để chấm dứt hiện trạng này...
Được biết, để ngăn chặn vấn nạn “cuộc gọi, tin nhắn rác” gây phiền nhiễu, trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông tiếp tục chuẩn hóa thông tin thuê bao, xử lý SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định; phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý cuộc gọi lừa đảo, điều tra và xử lý các BTS giả... đồng thời, kiểm tra, đánh giá việc xây dựng, triển khai các hệ thống chống, ngăn chặn cuộc gọi rác, áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các giải pháp công nghệ tiên tiến, cung cấp cho người dùng các công cụ để chủ động ngăn chặn từ các thiết bị sử dụng hằng ngày...
Đặc biệt, sau khi chuẩn hóa thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ TT&TT sẽ xử lý các chủ thuê bao sở hữu 10 SIM trở lên. Song song đó, cung cấp cho người sử dụng các công cụ để có thể chủ động ngăn chặn cuộc gọi “rác” từ thiết bị đầu cuối của mình.
Có thể bạn quan tâm
Chuẩn hóa thông tin thuê bao để hạn chế sim rác
22:27, 03/04/2023
Chế tài nào quản lý “sim rác” xâm nhập thông tin cá nhân?
03:59, 27/03/2023
“Xóa” sim rác, “dẹp” lừa đảo
00:06, 17/03/2023
SIM rác hoành hành: Vì sao khó xử lý?
03:33, 14/03/2023
Diễn biến mới vụ án cho thuê "sim rác" tại Yên Bái
15:00, 24/03/2022