Nhức nhối vi phạm bản quyền nội dung số: Giải pháp nào ngăn chặn?
Tình trạng vi phạm bản quyền nội dung số đã gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp…
>>Nhức nhối vi phạm bản quyền trên không gian mạng tại Việt Nam
“Nhức nhối” vi phạm
Theo đó, việc sáng tạo nội dung số đã và đang trở thành mảnh đất mới đầy tiềm năng dành cho các nhà sản xuất nội dung và các nhãn hàng, các doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo số. Tuy nhiên, các hoạt động trong lĩnh vực nội dung số thường xuyên phát sinh những vướng mắc, bất cập, đặc biệt là tình trạng vi phạm bản quyền nội dung số. Khảo sát của Liên minh Chống vi phạm bản quyền (CAP) châu Á cho thấy, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ cao về vi phạm bản quyền qua dịch vụ phát nội dung online, mạng xã hội hay tin nhắn trực tuyến.
Cụ thể, có tới 41% vi phạm qua nền tảng mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin; 19% thông qua streaming. Tỷ lệ sử dụng các nền tảng vi phạm bản quyền cũng chiếm tới 61%. Theo Trung tâm Bản quyền Nội dung số Việt Nam, hiện nay việc vi phạm bản quyền trên môi trường số đã và đang diễn ra công khai trên nhiều nền tảng bởi người dùng vẫn có xu hướng thích dùng nội dung không có bản quyền. Độ tuổi vi phạm nhiều nhất là 18-24 với tỷ lệ sử dụng nội dung lậu lên tới 65%. Lý do cơ bản là các website lậu sẵn sàng cung cấp nội dung với giá rất rẻ hoặc thậm chí miễn phí chỉ để lấy người dùng.
Các vi phạm về bản quyền số ngày một nhiều, đa dạng và khó kiểm soát hơn. Thông tin từ Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, thời gian qua, Cục đã nhận được rất nhiều yêu cầu xử lý các vi phạm bản quyền nội dung, phần lớn là các nội dung về giải trí như: ca nhạc, game show... Các nội dung vi phạm được sử dụng trái phép tại nhiều nền tảng như: các website, ứng dụng (app) OTT được cấp phép, các website đăng ký tên miền và đặt server ở nước ngoài, các app OTT lậu được chia sẻ trên internet hoặc được cài đặt qua các thiết bị Android TV Box; các mạng xã hội phổ biến như Facebook, YouTube, TikTok, Gapo, TalkTV, Instagram, Twitch...
Hành vi vi phạm bản quyền số có các hình thức phổ biến như: thực hiện livestream, phát trực tiếp trên các mạng xã hội, website, sao chép nguyên trạng nội dung đã phát hoặc cắt ghép, chỉnh sửa video, sau đó đăng tải trái phép lên các nền tảng internet... Điều đáng lo ngại là các hình thức, phương pháp vi phạm bản quyền rất tinh vi và biến đổi liên tục trên các nền tảng OTT nên rất khó phát hiện và xử lý.
Chia sẻ vấn đề này ở góc nhìn doanh nghiệp, Luật sư Phạm Thanh Thủy, phụ trách Chống vi phạm bản quyền của truyền hình số K+ khẳng định: Vi phạm bản quyền nội dung số rất tràn lan trên Internet, đơn cử như một trận đấu khi được chiếu trên K+ và các đơn vị đồng phân phối của K+, đồng thời nó còn được chiếu trên nhiều website, app lậu. Dẫn nguồn từ Media Partners Asia, luật sư Phạm Thanh Thủy cho hay, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực về tỷ lệ vi phạm bản quyền, với 15,5 triệu người thường xuyên truy cập các website lậu; vi phạm trên các nền tảng số hiện là hình thức vi phạm chủ yếu.
>>Cảnh báo tình trạng vi phạm bản quyền tại Việt Nam
Giải pháp nào ngăn chặn?
Trao đổi về giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số, ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Bản quyền nội dung số, Cục PTTH&TTĐT (Bộ TT&TT) cho hay, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, cụ thể là ngăn chặn truy cập website vi phạm bản quyền thời gian qua đã phát huy tác dụng nhất định, góp phần thay đổi thói quen của người dùng. Tuy vậy, biện pháp chặn truy cập kể trên vẫn đang tồn tại một số bất cập, đó là: Biện pháp chặn chưa thống nhất giữa các ISP; thời gian chặn chưa thống nhất giữa các ISP, có ISP chặn ngay lập tức, nhưng có ISP chặn sau 3 ngày làm việc hoặc lâu hơn; và chưa linh hoạt để đối phó tên miền mới.
Từ thực tế trên, ông Phạm Hồng Hải đề xuất một số giải pháp cần hướng tới để phòng, chống vi phạm bản quyền trên mạng một cách hiệu quả, đó là thiết lập đầu mối phối hợp giữa chủ sở hữu quyền, cơ quan quản lý nhà nước và các ISP; thiết lập cơ chế chặn linh hoạt - chặn đuổi các tên miền mới phát sinh sau khi chặn; áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp khác nhau để chặn truy cập (DNS, IP, CDN); đồng thời, cần phát triển công cụ chặn tự động để các bên sử dụng nhằm giảm thiểu thời gian và nhân lực.
Cũng đưa ra kiến nghị từ góc độ doanh nghiệp, luật sư Phạm Thanh Thủy cho rằng, Việt Nam có thể xem xét áp dụng mô hình chặn chủ động như ở Anh và một số quốc gia đang sử dụng, đó là web lậu thay đổi tên miền, địa chỉ IP khi bị chặn lần đầu thì các ISP sẽ chủ động chặn tiếp các tên miền, địa chỉ IP mới đó khi nhận được thông báo từ chủ sở hữu quyền hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không cần thực hiện lại thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, luật sư Phạm Thanh Thủy cũng cho biết, một trong những giải pháp công nghệ tạo ra “lá chắn” toàn diện hơn trong việc bảo vệ bản quyền nội dung số là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
“Đây được xem là giải pháp đổi mới vượt xa các hạn chế của các giải pháp truyền thống, cung cấp một cơ chế phòng thủ linh hoạt và tích cực, chủ động phát hiện và thông báo các nguy cơ vi phạm bản quyền. Giải pháp này hiện đã được các tập đoàn sáng tạo nội dung số lớn trên thế giới như YouTube đã triển khai”, luật sư Thủy chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm