Sửa Luật Thủ đô: Cần thêm cơ chế, chính sách đặc thù
Để có thể tạo đột phá trong phát triển cho Hà Nội, góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo cần thêm cơ chế, chính sách đặc thù thực sự đột phá…
>> Sửa Luật Thủ đô: Cần làm rõ cơ sở pháp lý về xác định Vùng Thủ đô
Theo đó, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội gồm 7 Chương, 59 Điều (tăng 3 Chương, 32 Điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 Điều; quy định mới 38 Điều).
Đặc biệt, liên quan đến những quy định về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô… Dự thảo Luật (sửa đổi) đã đề xuất trao cho Hà Nội nhiều cơ chế đặc thù như bổ sung 3 lĩnh vực mà Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá hai lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định, gồm phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo;...
Hay như, trong lĩnh vực đầu tư, tại Dự thảo, Chính phủ đã đề xuất cho Hà Nội được mở rộng phạm vi áp dụng hình thức đầu tư PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; Quy định, HĐND Thành phố quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) căn cứ vào điều kiện về ngân sách, quyền sử dụng đất, quyền sử dụng không gian ngầm, khoảng không gian trên cao tại khu vực TOD có thể đấu giá để thực hiện tái thiết đô thị, đầu tư phát triển đô thị mới, xây dựng theo quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng được phê duyệt và phát triển đường sắt đô thị;...
Đồng tình với việc hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải đề ra được những chính sách đặc thù, phù hợp với vị trí, vai trò của trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, tạo hành lang pháp luật cho Thủ đô phát triển nhanh chóng và hiệu quả, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo vẫn cần có thêm những cơ chế, chính sách đặc thù.
Theo đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn đại biểu Quốc tỉnh Bắc Giang, việc sửa đổi Luật Thủ đô không phải chỉ cho riêng Thủ đô mà phải tính trong tổng thể mối quan hệ ràng buộc hữu cơ với các địa phương ở khu vực, của vùng và của cả nước. Yêu cầu này có thể được giải quyết thông qua các nội dung về quy hoạch đặt ra trong Dự thảo Luật.
Vị đại biểu này đề xuất, Quy hoạch Thủ đô phải tạo ra sự kết nối liên thông, để Thủ đô có thể chia sẻ cho các địa phương nhiều nguồn lực phát triển và nhận lại về sự chia sẻ, đóng góp. Đơn cử như việc di dời một số nhà máy, xí nghiệp, các bệnh viện lớn, trường đại học... ra các địa bàn xung quanh để giảm tải cho Thủ đô.
>> Sửa Luật Thủ đô: Cần đưa ra cơ chế phù hợp để thu hút đầu tư
Hay như về số lượng biên chế, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Dự thảo Luật (sửa đổi) nên đặt trọng tâm, tập trung vào việc tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức hợp lý với yêu cầu của Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đó là xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, có bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu quản trị Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới trên nền tảng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ số trong quản trị Thủ đô.
Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Tạ Thị Yên – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho hay, cần những nội dung quy định rõ ràng, cụ thể hơn về việc cơ quan nào có thẩm quyền quyết định biên chế? Nguồn biên chế dự phòng được lấy từ nguồn nào. Nếu quy định như dự thảo Luật hiện tại là “giao cho HĐND thành phố đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm” chưa rõ ràng, cụ thể.
Vì vậy, vị đại biểu này đề xuất, nên nghiên cứu quy định theo hướng giao cho HĐND Thành phố chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của chính quyền thành phố.
“Quy định như vậy sẽ giúp thành phố có thể chủ động hơn về nguồn biên chế, có thể tăng hoặc giảm biên chế trong từng thời kỳ, tùy vào tình hình cụ thể và nhu cầu thực tiễn của địa phương”, đại biểu Yên bày tỏ.
Liên quan đến vấn đề đã nêu, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường – Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cũng nhấn mạnh, không giống với nhiệm vụ, thẩm quyền của chính quyền địa phương khác, chỉ giải quyết những vấn đề quản trị của địa phương, chính quyền Thủ đô phải giải quyết những vấn đề của Thủ đô và cả những vấn đề quốc gia đặt ra với Hà Nội với vai trò, nhiệm vụ là Thủ đô.
Do vậy, HĐND Thành phố Hà Nội cần có lực lượng đại biểu đông hơn, chuyên nghiệp hơn, tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách cũng phải nhiều hơn và tiêu chuẩn đối với người tham gia ứng cử đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội cũng phải cao hơn so với những địa phương khác.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề nghị, cùng với việc trao quyền lớn hơn cho chính quyền Thành phố thì nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền thành phố cũng phải cao hơn. Cùng với đó, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô cũng phải cao hơn và dự thảo Luật cũng cần quy định chặt chẽ hơn cơ chế kiểm soát, giám sát quá trình tổ chức thực hiện.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Thủ đô: Đề xuất lập 2 thành phố trực thuộc Hà Nội
19:20, 11/11/2023
Sửa Luật Thủ đô: Cần làm rõ cơ sở pháp lý về xác định Vùng Thủ đô
04:00, 19/10/2023
Sửa Luật Thủ đô: Cần đưa ra cơ chế phù hợp để thu hút đầu tư
04:00, 15/10/2023
Sửa Luật Thủ đô: Cần có định mức xây dựng riêng cho Hà Nội
04:00, 12/10/2023
Sửa Luật Thủ đô: Cần cơ chế cụ thể cho phát triển giáo dục
04:00, 09/10/2023