Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt bộc lộ nhiều bất cập, cần nghiên cứu sửa đổi

MINH KHÔI 21/11/2023 10:00

Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành, bộc lộ một số bất cập và hạn chế, đặc biệt là phạm vi đối tượng chịu thuế còn hẹp; quy định chưa thật sự rõ ràng, tạo thuận lợi cho người nộp thuế…

>>Sửa Luật thuế tiêu thụ đặc biệt: Cần bảo đảm hài hòa lợi ích

gg

Hội thảo trao đổi về một số nội dung của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt

Ngày 17/11/2023, Ủy ban Tài chính – Ngân sách phối hợp với Viện KAS tại Việt Nam, tổ chức Hội thảo trao đổi về một số nội dung của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Nguyễn Vân Chi, cùng sự tham dự của nhiều chuyên gia, đại diện viện nghiên cứu, Hiệp hội Bia rượu, nước giải khát Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam và doanh nghiệp.

Cần sửa đổi

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Nguyễn Vân Chi cho biết, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã được sửa đổi, bổ sung 4 lần để dần thực hiện các chính sách quy định trong luật, cũng như giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh trong thực tế và thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, một mặt đã đóng góp cho nguồn thu cho ngân sách, nhưng quan trọng hơn là đã có tác động tích cực về nhiều mặt trong đời sống kinh tế - xã hội. Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng là một công cụ chính sách hiệu quả để định hướng sản xuất và tiêu dùng của xã hội, đối với những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ không được khuyến khích tiêu dùng, trong đó đặc biệt phải kể đến những sản phẩm không có lợi cho sức khỏe và môi trường, trên tinh thần các công ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực y tế và môi trường.

Bên cạnh các kết quả đạt được, các chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành cũng bộc lộ một số bất cập và hạn chế, đặc biệt là phạm vi đối tượng chịu thuế còn hẹp, so với thông lệ quốc tế; một số quy định chưa thật sự rõ ràng, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; cơ cấu thuế suất với một số nhóm mặt hàng cũng chưa thật sự mang lại hiệu quả.

Căn cứ tính thuế còn chưa được cập nhật, so với các thông lệ tốt của quốc tế và chưa đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng, đối với các sản phẩm có hại với sức khỏe, cũng như mục tiêu khuyến khích sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

>>Tại sao cần thay đổi phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt với bia rượu?

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung quan trọng của định hướng sửa đổi luật. Trên góc độ bảo vệ sức khỏe người dân, đại diện Bộ Y tế hoàn toàn nhất trí với Bộ Tài chính về đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) nhằm thể chế hóa chủ trương trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Hướng tới sự cân bằng

Về quan điểm, định hướng chính sách, Bộ Y tế nhất trí với các đề xuất về tiếp tục tăng thuế này đối với các sản phẩm có hại cho sức khỏe là thuốc lá, rượu bia. Đồng thời, đồng ý bổ sung thêm đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để giảm tác hại của việc tiêu thụ đồ uống có đường, tăng cường nhận thức và bảo vệ sức khỏe người dân.

Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính, một cơ cấu thuế hiệu quả là có khả năng cân bằng các mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và tạo ra nguồn thu thuế bền vững, đồng thời kiểm soát được việc tiêu dùng bất hợp pháp.

Vị chuyên gia này cho rằng cần xác định rõ việc cải cách Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là nhằm các mục tiêu tăng thu ngân sách, hạn chế ngoại ứng tiêu cực, đảm bảo công khai minh bạch khi thu thuế, hỗ trợ sản xuất, công bằng trong sản xuất và tiêu dùng…

Thống kê cho thấy, Việt Nam thuộc nhóm 27% quốc gia trên thế giới chủ yếu áp dụng phương pháp tính thuế tương đối; còn lại 73% các quốc gia trên thế giới đang chuyển sang tính thuế tuyệt đối và hỗn hợp. Dự thảo luật định đưa nhiều phương pháp tính thuế khác nhau nhưng hiện mới chỉ dự kiến áp dụng phương pháp hỗn hợp với thuốc lá. Theo ông Vũ Sỹ Cường, Việt Nam có thể nghiên cứu phương án tính thuế hỗn hợp, tuy nhiên cần có lộ trình phù hợp.

Ý kiến doanh nghiệp thì cho rằng, cần nghiên cứu cơ cấu thuế để các nhà sản xuất có động lực đầu tư tạo những sản phẩm giá trị chất lượng cao, có độ cồn thấp và ít tác hại hơn. Khi có nhiều lựa chọn sản phẩm chất lượng tốt hơn, với độ cồn thấp hơn, người tiêu dùng sẽ có xu hướng tự điều chỉnh giảm tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng kém, độ cồn cao gây nhiều tác hại đến sức khỏe.

Theo ông Mark Goodchild, Nhà kinh tế học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tăng thuế với mục tiêu chính là tăng giá các sản phẩm không lành mạnh đủ để giảm mức tiêu thụ. Cụ thể với mặt hàng thuốc lá, ông Mark Goodchild cho biết, hiện nay, lượng tiêu thụ thuốc lá đã ổn định nhưng chưa giảm, gánh nặng sức khỏe và kinh tế của việc sử dụng thuốc lá vẫn còn cao. Điều này cho thấy, việc tăng thuế gần đây chỉ có tác động khiêm tốn và tạm thời. Do đó, cần nghiên cứu các quy định phù hợp để bảo vệ sức khỏe.

Kết luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi đánh giá cao các nội dung tham luận, ý kiến của các chuyên gia, đại diện hiệp hội, doanh nghiệp. Đây là những nội dung rất thiết thực và cần thiết, là kênh thông tin quan trọng để phục vụ cho quá trình xây dựng dự án luật, cũng như quá trình thẩm tra dự án luật này.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Luật thuế tiêu thụ đặc biệt: Cần bảo đảm hài hòa lợi ích

    Sửa Luật thuế tiêu thụ đặc biệt: Cần bảo đảm hài hòa lợi ích

    04:00, 19/11/2023

  • Dự luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi và nỗi lo cạnh tranh không lành mạnh

    Dự luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi và nỗi lo cạnh tranh không lành mạnh

    15:05, 14/11/2023

  • Tại sao cần thay đổi phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt với bia rượu?

    Tại sao cần thay đổi phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt với bia rượu?

    09:00, 09/11/2023

  • Doanh nghiệp quan ngại về phương án tính thuế tiêu thụ đặc biệt

    Doanh nghiệp quan ngại về phương án tính thuế tiêu thụ đặc biệt

    17:40, 02/11/2023

  • Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn - nên chờ nền kinh tế vượt

    Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn - nên chờ nền kinh tế vượt "đáy”

    02:25, 16/08/2023

MINH KHÔI