Doanh nghiệp nói gì về tiêu cực “bôi trơn” ở Hải quan Hải Phòng?
Vì sao doanh nghiệp đúng hoàn toàn mà đương nhiên vẫn phải nộp tiền “làm luật”? Trả lời chi tiết câu hỏi này mới làm rõ được căn nguyên tiêu cực để có hướng khắc phục.
Có thể bạn quan tâm
Phó Thủ tướng Thường trực chỉ đạo làm rõ tiêu cực tại Hải quan Hải Phòng
20:43, 09/04/2018
Hải quan đẩy mạnh giám sát trực tuyến
14:28, 04/04/2018
Phép thử quả táo giúp giảm tiêu cực nơi công sở
07:18, 03/04/2018
Sau khi sự việc tiêu cực ở Hải quan Hải Phòng được báo chí phanh phui, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu làm rõ và xử lý nghiêm vi phạm. Ba cán bộ Hải quan đã bị tạm đình chỉ công tác.
“Nườm nượp cảnh kẹp tiền, đưa – nhận tại Hải quan Hải Phòng” là nhan đề bài báo trên tờ Lao Động gây sốt dư luận trong ngày qua. Theo thông tin chúng tôi nhận được thì hiệu ứng bài báo là ngày 10/4/2018, lần đầu tiên, tại tất cả các điểm Hải quan Hải Phòng đã tiếp nhận hồ sơ khai báo hàng hóa của doanh nghiệp mà không cần tiền “bôi trơn”.
Tuy nhiên, đây có thể chỉ là tạm thời chứ sau này tình hình yên ổn trở lại, nhân viên Hải quan sẽ đòi truy thu (!? ) - một cán bộ xuất nhập khẩu tỏ ý nghi ngờ.
Luật bất thành văn
Anh V. một giám đốc Chi nhánh DN logistics chuyên khai thuê Hải quan đề nghị giấu tên khẳng định: Cứ mỗi container (công) khi nộp hồ sơ làm thủ tục Hải quan tại cửa tiếp nhận phải kẹp 100 nghìn. Những lô hàng từ 5-10 công thì tùy theo mối quan hệ có thể bớt một vài trăm.
Khi hồ sơ được chấp nhận thì doanh nghiệp nộp lệ phí cho nhà nước 20 nghìn đồng/hồ sơ và kèm theo mỗi đầu công 100 nghìn đồng. Có chỗ nhân viên hải quan không cần nhận tiền phí 20 nghìn đồng nữa mà họ “cấu” trong tiền “làm luật” ra.
Tiếp đến, ra cảng nhận hàng, doanh nghiệp nộp tiền trình giấy 30 nghìn cho một đầu công ở cửa ra vào. Khi đưa hàng ra doanh nghiệp nộp tiếp 30 nghìn nữa cho nhân viên bộ phận kiểm hàng cũng trên mỗi đầu công.
Vị chi, mỗi đầu công doanh nghiệp mất từ 200 đến 280 nghìn tiền “lót tay”. Đấy là khi doanh nghiệp đúng hoàn toàn. Ăn chia từ số tiền này, mỗi nhân viên hải quan “cứng” có thể thu nhập lên đến 10 triệu ngày, theo phán đoán của anh V.
Số tiền này anh V. phải “thuyết trình” với chủ hàng nước ngoài và được họ thanh toán vào hợp đồng. Nhưng thường cộng thêm khoảng 30% cho chi phí nộp thuế và doanh nghiệp Việt Nam “ăn gian” thêm của “bọn Tây”.
Đúng hết vẫn phải “làm luật” – vì sao?
Ông N., Trưởng phòng XNK một doanh nghiệp lớn tại Hải Phòng cho biết, doanh nghiệp ông có lượng hàng xuất thường xuyên đều đặn rất lớn qua cảng nên ông và nhân viên tự làm khai báo hải quan mà không qua bên chạy giấy khai thuê. Giám đốc Công ty khoán “tiêu cực phí” hải quan cho Phòng XNK 200 nghìn một đầu công. Ông chi hết cho bên hải quan số tiền này và cho rằng như vậy là Công ty ông đã được “ưu đãi” hơn các doanh nghiệp khác rồi.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi, vì sao doanh nghiệp đúng hoàn toàn mà vẫn phải trả tiền “làm luật”?, ông N. cho rằng:
Một là, thời gian là vấn đề sống còn với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Mỗi con tàu đều có lịch xuất bến rất chặt chẽ. Không bao giờ nó có thể đợi một công hàng để phải xuất bến chậm. Một công hàng rớt lại thì doanh nghiệp tổn thất vô cùng nghiêm trọng. doanh nghiệp có thể chủ động sản xuất, đóng hàng, thuê xe chở hàng ra cảng. Nhưng doanh nghiệp không thể chủ động công việc của bên hải quan bao giờ thì xong thủ tục!?
Hai là, nhân viên chạy lệnh, kể cả nhà dịch vụ khai thuê, không phải ai cũng thạo việc. Mà thủ tục hải quan thì rắc rối, phức tạp. Nếu không có lót tay thì nhân viên chạy giấy non nghề cũng không biết đường nào mà đối phó với chất vấn từ phía hải quan. Trong trường hợp phí bôi trơn theo luật bất thành văn, “tiện cả đôi đường”. Cá biệt có trường hợp nhân viên chạy lệnh cũng nhân thể bớt xén thêm ít nhiều của Công ty.
Ba là, dù nhân viên XNK giỏi nghề đến mấy cũng có lúc nhầm lẫn. 99 lần khai đúng chỉ một lần khai sai sót gì đó, nếu không được phía hải quan tạo điều kiện thì nhân viên chạy giấy dẫu bị hành “lên bờ xuống ruộng” mà lô hàng vẫn rất dễ phải nằm lại cảng. Vậy nộp phí bôi trơn 99 lần phi lý để mong được xuê xoa 1 lần trục trặc cũng đáng!?
Bốn là, khâu kiểm hóa, tuy chỉ kiểm 5% nhưng phía hải quan không thiện chí thì vẫn bắt doanh nghiệp kéo cả 100% số công ra khu vực soi kiểm tốn kém 1 triệu cước phí nâng hạ mỗi công. Hải quan tuy trang bị máy soi hiện đại nhưng trang thiết bị phụ trợ không đồng bộ. Thời gian chờ xe nâng, chờ công nhân chùng chình rất dễ nhỡ giờ tàu. Rồi có khi kiểm hóa 5% nhưng HQ lại kiểm 5% số hàng trong mỗi công thì công nào cũng phải mở ra hết…
Hải quan điện tử, theo ông N. là một khái niệm mĩ miều vì chẳng qua khác với trước đây không phải làm thì nay doanh nghiệp phải tự nhập dữ liệu vào hệ thống máy tính qua internet thay cho hải quan. Còn công việc hải quan thì vẫn xử lý trên hồ sơ giấy. Thế nên mới tiện cho việc kẹp tiền. Rút ngắn giờ thông quan cũng là một kết quả trìu tượng vì hải quan đâu có ghi chứng nhận giờ tiếp nhận hồ sơ.
Chính phủ đầu tư cải cách hành chính hải quan rất tốn kém nhưng nếu không sát thực tế thì doanh nghiệp chưa chắc đã được hưởng lợi – ông N. chia sẻ.