Khốn khó dai dẳng từ thủy điện Kỳ I: Bất ổn sau những cuộc di dân đại trà
Thiếu tư liệu sản xuất, khát nước sinh hoạt, hạ tầng giao thông xuống cấp…khiến người dân tái định cư đang phải sống lay lắt tại nơi ở mới.
Đó là những vấn đề đang tồn tại ở nhiều vùng tái định cư của hàng ngàn hộ dân trên địa bàn Nghệ An khi phải nhường đất, dời nhà cho các dự án thủy điện lớn, nhỏ được triển khai trong thời gian qua.
Đáng chú ý là những tồn tại này diễn ra hàng chục năm qua nhưng Nghệ An vẫn chưa thể giải quyết triệt để cho người dân khi đến nơi ở mới.
Nhường đất, dời nhà
Theo số liệu Sở Công Thương tỉnh Nghệ An cung cấp, trên địa bàn Nghệ An hiện có 32 dự án thủy điện lớn, nhỏ với tổng công suất 1.359,9MW được chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng. Đến thời điểm hiện nay, Nghệ An cũng đã có 13 dự án thủy điện đã vận hành hòa lưới điện quốc gia, 09 dự án đang được triển khai thi công và 05 dự án vẫn còn phải nằm trên “bàn giấy” để cân đo, đong đếm lại.
Có thể bạn quan tâm
Sáng nay, Nghệ An sẽ xả lũ đập thủy điện lớn nhất Bắc Miền Trung
01:00, 30/07/2018
Rủi ro thủy điện
11:00, 28/07/2018
Thiếu quy trình chuẩn về an toàn thuỷ điện
06:00, 28/07/2018
Các dự án đang được triển khai xây dựng nhà máy thủy điện của Nghệ An cũng lấy đi 5.687 ha đất rừng, 1.733,3 ha đất sản xuất nông nghiệp và hơn 1 nghìn ha đất khác. Chỉ tính riêng 03 dự án nhà máy thủy điện lớn như Bản Vẽ (320MW), Khe Bố (100MW) trên thượng nguồn sông Lam ở huyện Tương Dương, Hủa Na (180MW) trên sông Chu ở huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An đã có gần 5.000 hộ dân phải di dời đến nơi ở mới.
Hàng nghìn ha đất đai, ruộng vườn, nhà cửa gắn bó với bao đời của người dân các huyện miền Tây xứ Nghệ phải tháo dỡ, bỏ lại để nhưỡng chỗ cho thủy điện. Riêng thủy điện Bản Vẽ có 3.022 hộ dân ở các xã Yên Na, Yên Tĩnh, Hữu Khuông, Hữu Dương… của huyện Tương Dương phải di dời đến nơi ở mới. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, kể từ khi thủy điện Bản Vẽ chính thức được ngăn dòng vào ngày 26/12/2005, hàng nghìn hộ dân thuộc diện tái định cư trên địa bàn 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Thanh Chương vẫn sống trong cảnh bấp bênh, thiếu thốn.
Thiếu thốn trăm bề
Hạ tầng không đảm bảo, tư liệu sản xuất thiếu thốn… là một trong những nguyên nhân mà người dân vùng tái định cư để xây dựng các nhà máy thủy điện trên địa bàn Nghệ An đang gặp phải trong suốt thời gian qua. Những vấn đề này cũng được các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An thừa nhận nhiều vấn đề bất cập đối mà người dân tái định cư đang gặp phải khi đến nơi ở mới.
Rất nhiều ý kiến cho rằng, thủy điện đang làm cho cuộc sống của người dân nghèo đi, chứ không phải làm giàu cho người dân. Đây là vấn đề đáng quan tâm trong việc xem xét các dự án thủy điện.
Ngay như tại khu tái định cư của thủy điện Bản Vẽ tại 2 xã Ngọc Lâm, Thanh Sơn, huyện Thanh Chương hiện nay đang tồn tại việc bồi thường, cân đối trừ đất giữa nơi đi và nơi đến tại 2 xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm chưa thực hiện được do việc tháo gỡ vướng mắc trong công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ gần 10 năm nay. Nguyên nhân mà các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đưa ra đó là do hồ sơ, bản đồ địa chính của đơn vị tư vấn lập từ năm 2012 đến nay chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Không chỉ riêng ở các khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ tại huyện Thanh Chương mà ở thủy điện Hủa Na, Khe Bố hiện nay cũng đang gặp phải nhiều vướng mắc để ổn định cuộc sống cho người dân. Đó là hệ thống cấp nước sinh hoạt của một số điểm tái định cư hiện nay đã bị hư hỏng, xuống cấp. Ngoài ra, một số hạng mục như bể nước sinh hoạt, nhà cộng đồng, đường giao thông còn thiếu khiến người dân tái định cư đang phải sống lay lắt tại nơi ở mới.
Trao đổi với báo chí về những vấn đề nói trên, ông Hoàng Văn Tám – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An cho biết những tồn tại, bất cập mà người dân tái định cư để xây dựng các nhà máy thủy điện trên địa bàn trong thời gian qua là có thật. “Hiện nay, Sở Công Thương đang phối hợp với các chủ đầu tư, Sở, ban ngành để từng bước tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho người dân tái định cư. Trước mắt, việc giao đất sản xuất cho người dân để ổn định cuộc sống sẽ được đốc thúc thực hiện trong thời gian sớm nhất” – ông Hoàng Văn Tám cho biết thêm.
Như vậy, chính những bất cập đang tồn tại phía sau các dự án thủy điện đã và đang được xây dựng ồ ạt trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian qua luôn nảy sinh nhiều hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Chưa kể, tình trạng người dân vùng hạ lưu của các thủy điện lớn, nhỏ ở Nghệ An vẫn đang phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu mỗi khi mùa mưa lũ kéo về. Còn nữa…