Khốn khó dai dẳng từ thủy điện Kỳ II: Thủy điện đi trước, họa rước theo sau

Ngọc Thái 05/08/2018 12:25

Cái nghịch lý lớn nhất là khi xây dựng hàng chục thủy điện lớn, nhỏ trên thượng lưu các con sông lớn khiến lũ lụt, hạn hán… liên tục xảy ra từ nhiều năm qua trên địa bàn Nghệ An.

Hàng nghìn ha diện tích đất rừng bị triệt tiêu, nhấn chìm dưới lòng hồ thủy điện, đất bờ xôi, ruộng mật canh tác hoa màu bao đời của bà con bị xói mòn, sạt lở do tác động từ thủy điện rất lớn mà đến nay lời cảnh báo vẫn chưa hề cũ” - Đây là một trong những trăn trở của kỹ sư thủy lợi Nguyễn Quang Hòa - nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thủy lợi trong suốt thời gian qua.

p/Chỉ với chiều dài khoảng 1km nhưng trên dòng sông Nậm Mô trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã có tới 3 nhà máy thủy điện với công suất rất nhỏ cũng được Nghệ An chấp thuận cho xây dựng. (Nhà máy thủy diện Nậm Mô tại sông Nậm Mộ ở xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn)

Chỉ với chiều dài khoảng 1km nhưng trên dòng sông Nậm Mô trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã có tới 3 nhà máy thủy điện với công suất rất nhỏ cũng được Nghệ An chấp thuận cho xây dựng. (Nhà máy thủy diện Nậm Mô tại sông Nậm Mộ ở xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn)

Ồ ạt xây thủy điện

Theo thống kê thì trong số 32 thủy điện lớn, nhỏ được Nghệ An đưa vào quy hoạch xây dựng thì hầu hết nằm trên vùng thượng lưu sông Cả (hay còn gọi là sông Lam) chảy qua địa phận huyện Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, Nam Đàn… Đây cũng là con sông gánh trên mình nhiều dự án thủy điện được xây dựng bố trí theo hình bậc thang nhiều nhất ở Nghệ An trong những năm qua.

Lớn nhất phải kể đến thủy điện Bản Vẽ (320MW) ngăn dòng vào tháng 12/2005 trên thượng nguồn sông Cả huyện Tương Dương, xuôi về phía hạ nguồn khoảng 50km đường chim bay là thủy điện Khe Bố (100MW) cũng được ngăn dòng vào năm 2009. Rồi ngược lên đầu nguồn sông Cả, tại huyện Kỳ Sơn cũng đang được triển khai quy hoạch xây dựng 11 dự án thủy điện chỉ vài chục MW trở lại trên các dòng Nậm Mô, Nậm Nơn.

Có thể bạn quan tâm

  • Khốn khó dai dẳng từ thủy điện Kỳ I: Bất ổn sau những cuộc di dân đại trà

    Khốn khó dai dẳng từ thủy điện Kỳ I: Bất ổn sau những cuộc di dân đại trà

    12:25, 02/08/2018

  • Sáng nay, Nghệ An sẽ xả lũ đập thủy điện lớn nhất Bắc Miền Trung

    Sáng nay, Nghệ An sẽ xả lũ đập thủy điện lớn nhất Bắc Miền Trung

    01:00, 30/07/2018

  • Thiếu quy trình chuẩn về an toàn thuỷ điện

    Thiếu quy trình chuẩn về an toàn thuỷ điện

    06:00, 28/07/2018

Kỹ sư Nguyễn Quang Hòa cho rằng, việc quy hoạch xây dựng ồ ạt các dự án nhà máy thủy điện theo bố cục bậc thang trong thời gian qua trên địa bàn Nghệ An sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới đời sống dân sinh của người dân. Vấn đề này cũng đã được cảnh báo tại các diễn đàn phản biện về những hệ lụy liên quan đến thủy điện nhưng các nhà chức trách vẫn phớt lờ, chấp thuận cho triển khai xây dựng hàng chục thủy điện nhỏ trên địa bàn trong thời gian qua.

Nghịch lý bậc thang

Ông Nguyễn Quang Hòa chỉ ra rằng, việc xây dựng các nhà máy thủy điện hiện nay ngay trên hệ thống sông Cả đã khiến cho hạn hán, lũ lụt liên tục xảy ra. Đây là hệ thống sông chính cung cấp nước tưới cho các huyện đồng bằng của tỉnh Nghệ An như Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành… nhưng khi lúa trỗ vụ Đông Xuân và gieo trồng vụ Hè Thu đều gặp cảnh thiếu nước.

Bởi theo chu trình của hàng chục năm trước khi mùa nước lên và mùa nước kiệt thì người dân đã dựa vào đây để gieo trồng nhằm tránh hạn hán, lũ lụt. Tuy nhiên, từ khi xây dựng hệ thống các nhà máy thủy điện trên sông Cả đã vận hành tích nước vào mùa kiệt, xả lũ vào mùa mưa khiến tình hình sản xuất nông nghiệp của vùng hạ lưu bị đảo lộn nghiêm trọng.

  Quy trình chuẩn về vận hành thuỷ điện an toàn vẫn đang được... chờ giải thích trong hướng dẫn để quy trình thủy điện không còn gây tổn thất về người và của cho người dân ở hạ du.

Ông Nguyễn Quang Hòa lấy ví dụ tại Bara Đô Lương được tính toán để ngăn nước tối đa ở cao trình 10,05m nhưng nay chỉ còn dưới 9m. Hoặc Bara Nam Đàn có cao trình 1,15m nhưng nay xuống dưới mức - 0,2m nước.

“Thủy điện chặn dòng khiến hàng nghìn ha diện tích đất rừng bị nhấn chìm. Phía dưới vùng hạ lưu sông Cả thì giảm rất lớn lượng phù sa bồi đắp hàng năm mà thay vào đó là do tác động của dòng chảy nên tình trạng sạt lở, xói mòn đã xảy ra ở các huyện Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn. Việc làm thủy điện đã thực sự tiếp tay cho quá trình biến đổi khí hậu nhanh hơn” – kỹ sư Hòa cho biết.

Nghịch lý nữa do thủy điện gây ra đó là làm mất cân bằng đời sống của người dân khi tới nơi ở mới. Theo ông Hòa cho rằng: “khi nhà nước tiến hành thu hồi đất để làm dự án thủy điện thì luôn có chủ trương sẽ hỗ trợ bà con đến nơi ở mới có mức sống bằng hoặc hơn nơi ở cũ nhưng tôi thấy điều này thực tế đang ngược lại ở các khu tái định cư hiện nay. Ngay như tại khu tái định cư thủy điện Hủa Na (Quế Phong), Bản Vẽ (Tương Dương) thì đến gần 10 năm nay, người dân vẫn chưa có đất để sản xuất.

Hơn nữa, với việc làm thủy điện bậc thang như hiện nay thì nguy cơ vỡ dây chuyền sẽ kéo theo hậu họa rất lớn đối với hàng triệu người dân ở Nghệ An vùng hạ lưu”.

Với tư cách là giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thủy lợi, kỹ sư Nguyễn Quang Hòa cũng khẳng định rằng đến thời điểm hiện nay, Nghệ An cũng chưa công bố được quy trình vận hành liên hồ chứa đối với hệ thống các thủy điện trên địa bàn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc kịch bản đánh giá về sự cố vỡ hồ đập thủy điện của Nghệ An vẫn chưa được đưa ra để tính toán xem quá trình vận hành nó như thế nào?

Ngọc Thái