Khốn khó dai dẳng từ thủy điện Kỳ III: bao giờ mới giải quyết dứt điểm?
Cuộc sống của người dân bị đảo lộn, diện tích đất lúa bị thu hẹp, thậm chí phải sống tù mù dưới chân nhà máy thủy điện… là những gì đang tồn tại ở Nghệ An trong suốt thời gian qua.
Từ 10 năm trở lại đây, việc triển khai các dự án xây dựng nhà máy thủy điện được Nghệ An quan tâm, đôn đốc các Sở, ban, ngành làm tốt công tác GPMB, lập phương án tái định cư để nhường chỗ cho chủ đầu tư triển khai thi công công trình. Từ đó, các dự án nhà máy thủy điện đã nhanh chóng ngăn dòng, vận hành tua pin để hòa lưới điện quốc gia.
Bất cập từ quy hoạch thủy điện
Thế nhưng, có một bất cập mà thủy điện trên thượng nguồn sông Cả, sông Hiếu…mang lại đó là hệ lụy ảnh hưởng rất lớn về môi trường sống của người dân bị đảo lộn, hàng nghìn ha rừng bị xóa sổ.
Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Nghệ An thì hiện nay trên địa bàn có 32 dự án thủy điện với tống công suất 1.359,9MW nhưng trước đó, địa phương đã tham mưu, lập quy hoạch tận 47 dự án với tổng công suất 1.407,1MW. Số liệu này cho thấy, ngay từ khâu lập quy hoạch, các cơ quan ban ngành của tỉnh Nghệ An đã bộc lộ nhiều bất cập vì không tính toán để đưa ra được dự án nào khả thi, dự án nào không phù hợp với thực tiễn?!
Có thể bạn quan tâm
Khốn khó dai dẳng từ thủy điện Kỳ I: Bất ổn sau những cuộc di dân đại trà
12:25, 02/08/2018
Khốn khó dai dẳng từ thủy điện Kỳ II: Thủy điện đi trước, họa rước theo sau
12:25, 05/08/2018
Ông Nguyễn Thanh Hoàng – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho rằng, nếu triển khai các dự án thủy điện trên địa bàn thì sẽ nhấn chìm số lượng lớn diện tích đất trồng lúa nước của người dân. Chỉ tính riêng khi thực hiện xây dựng thủy điện Ca Nan sẽ có khoảng 9ha lúa nước bị nhấn chìm. Trong khi đó, toàn huyện Kỳ Sơn có khoảng 300ha lúa nước nên việc triển khai quá nhiều dự án nhà máy thủy điện nhỏ thì nguy cơ hàng trăm ha lúa nước của bà con sẽ không còn nữa.
Tư liệu sản xuất thiếu ở nơi tái định cư mới đã khiến cuộc sống của người dân phải tha phương cầu thực cũng vì thủy điện.
Không chỉ Kỳ Sơn, ngay địa bàn huyện Tương Dương có tới 3 dự án thủy điện đã hòa lưới quốc gia (Bản Vẽ 320MW, Khe Bố 100MW, Nậm Nơn 20MW) nhưng hiện nay vẫn còn 25 bản làng của 5 xã sống ngay chân nhà máy thủy điện vẫn chưa có điện lưới sinh hoạt. Thực trạng này cũng đang tồn tại ở 100 bản làng thuộc 8 huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang sống trong cảnh “khát” điện lưới trong suốt thời gian qua.
Người dân xin dừng thủy điện
Trong tổng số 32 dự án nhà máy thủy điện lớn, nhỏ được phê duyệt quy hoạch xây dựng trên địa bàn Nghệ An thì hiện nay đã có 13 dự án đã vận hành hòa lưới điện quốc gia với tổng công suất 780,5MW và 02 dự án cũng đang chạy thử với tổng công suất 75MW. Hằng năm, thủy điện Nghệ An đóng góp 2,2 tỷ Kwh cho điện lưới quốc gia.
Chỉ tính riêng thống kê trong năm 2017, thủy điện ở Nghệ An đã đóng góp nguồn thu ngân sách khoảng 532 tỷ đồng. Đây là con số không hề nhỏ nhưng theo phân tích của các chuyên gia kinh tế thì nếu so sánh với tổng gần 10 ngàn ha diện tích rừng, đất lúa, hoa màu…thì chưa nghĩa lý gì. Bởi việc tích tụ, tạo thảm thực vật rừng, phù sa hoa màu phải mất hàng chục thậm chí hàng trăm năm mới có được.
Ngoài ra, tỷ lệ đói nghèo, không có việc làm, tư liệu sản xuất thiếu ở nơi tái định cư mới đã khiến cuộc sống của người dân phải tha phương cầu thực cũng vì thủy điện.
Ông Lê Hồng Vinh – Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nghệ An cho rằng, những tồn tại, bất cập xung quanh các dự án thủy điện trong thời gian qua nguyên nhân cũng do cấp ủy chính quyền chưa làm tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. Đó là công tác kiểm tra, giám sát, phản biện, kiến nghị xử lý các sai phạm do thủy điện gây ra chưa được kịp thời, hiệu quả. Mặt khác, việc tham mưu, khảo sát, lập quy hoạch của các Sở, ban ngành đối với các dự án thủy điện cũng chưa được khách quan, khoa học.
Trước những bất cập tồn tại nói trên, người dân ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu của tỉnh Nghệ An cũng đã có nhiều phản ánh lên các cấp đề nghị không triển khai xây dựng thêm dự án thủy điện nào nữa.
Thế nhưng, liệu những kiến nghị của người dân có được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết hay không thì vẫn còn là ẩn số. Bởi ngay như người đứng đầu Sở Công Thương Nghệ An là ông Hoàng Văn Tám – Giám đốc Sở cũng chỉ trả lời chung chung khi được chất vấn về những tồn tại mà người dân tái định cư đang gặp phải. Chính vì vậy, cuộc sống khốn khó dai dẳng từ thủy điện đang diễn ra ở Nghệ An chưa biết bao giờ mới kết thúc được.