Hợp thức hóa “chợ chui?
Như báo DĐDN thông tin, ngay trung tâm TP Long Xuyên nghiễm nhiên mọc lên Khu mua sắm tự phát.
Thay vì kiên quyết dẹp “chợ chui” để tiểu thương vào chợ hợp pháp buôn bán ổn định, thì lãnh đạo TP Long Xuyên (An Giang) lại xử lý kiểu như muốn “hợp thức hóa” cho sai phạm.
Khu mua sắm tự phát nằm liền kề Khu mua sắm được phép xây dựng và có cùng loại hình kinh doanh. Khu hợp pháp tên Khu mua sắm Minh Quân - Mỹ Hòa, do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Minh Quân - Mỹ Hòa (gọi tắt Cty Minh Quân) xây dựng. Còn “chợ chui” có tên Khu mua sắm Long Xuyên, do Công ty TNHH Thương mại Lộc Tiến Phát MARKET (gọi tắt là Cty Lộc Tiến Phát) khai thác.
Xử lý kiểu cả hai cùng… “sống - chết”!
Ngày 23/7/2019, ông Phạm Thành Thái - Chủ tịch UBND TP Long Xuyên - ban hành hai quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với bà Trần Thị Mỹ Ly, về hành vi xây dựng sai phép để hình thành “chợ chui”. Thời hạn để bà Ly tự nguyện tháo dỡ là 15 ngày. Hết hạn thì bà Ly bị cưỡng chế. Thế nhưng đã 7 tháng trôi qua, việc cưỡng chế vẫn không diễn ra.
Ngày 18/2, làm việc với PV DĐDN, ông Nguyễn Bảo Sinh - Phó Chủ tịch UBND TP Long Xuyên cho biết, đầu năm 2019 do chợ đêm ở Mỹ Xuyên ngưng hoạt động nên cần di dời tiểu thương. Khi đó Cty Minh Quân xin và chọn khu đất thuê để xây chợ tạm. Khi công ty này làm thì Cty Lộc Tiến Phát làm theo. Họ làm dưới danh nghĩa cá nhân mà không xin phép. Bởi giấy phép xin xây dựng nhà ở dân dụng nên UBND TP Long Xuyên mới xử lý về hành vi xây dựng sai phép và buộc tháo dỡ đối với bà Ly. Trong quá trình xử lý thì các tiểu thương vào “chợ chui” mua bán.
Theo ông Sinh, trong đầu tư của Cty Minh Quân có nêu là xây dựng chợ tạm trong vòng 3 năm, mỗi năm UBND TP Long Xuyên sẽ đánh giá lại các yếu tố về môi trường, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự… Nếu đảm bảo thì cho duy trì, còn không thì đề xuất UBND tỉnh thu hồi chủ trương đầu tư. Bởi khu vực này là của Golden City, quy hoạch nhà ở đô thị. Do đó chỉ bố trí chợ tạm.
Có thể bạn quan tâm
Lao đao vì “chợ chui”
11:10, 01/03/2020
Chợ truyền thống đang bị…bỏ quên?
11:47, 26/04/2019
Cuộc "lột xác" của chợ truyền thống
11:00, 16/04/2018
Hà Nội khắc phục tồn tại trong chợ truyền thống cách nào?
06:18, 10/07/2017
Cũng theo ông Sinh, trước tết vừa qua, UBND TP Long Xuyên đã ba lần mời đại diện Cty Minh Quân và Công ty Lộc Tiến Phát đến thương lượng. Nội dung là bên Công ty Lộc Tiến Phát bán lại “chợ chui” cho Công ty Minh Quân hoặc hợp tác. Tuy nhiên hai bên không đạt được đồng thuận.
Ai dám đầu tư vào thành phố Long Xuyên?
Giải thích vấn đề tại sao chưa cưỡng chế “chợ chui”, ông Sinh cho rằng khi cưỡng chế thì các tiểu thương ở đây đi đâu. Thủ tục cưỡng chế cũng còn nhiêu khê, phải xin chủ trương của tỉnh, ý kiến của giám đốc công an tỉnh. Hơn nữa hiện nay, Cty Lộc Tiến Phát cũng có đơn xin đầu tư khu mua sắm giống như Minh Quân. Cưỡng chế xây dựng sai phép mà ảnh hưởng đến mấy chục hộ tiểu thương thì rất khó. Do đó cái này cũng phải xin chủ trương.
“Chúng tôi đang cho đấu thầu bờ kè đường Bùi Văn Danh, tiểu thương có nhu cầu sẽ bố trí lại ngoài đó. Còn ở đây sau một năm, chúng tôi sẽ đề xuất thu hồi lại chủ trương đầu tư (của phía Cty Minh Quân - PV), bởi vì nó đã “lộn xộn xà bần”. Còn về Lộc Tiến Phát không có chủ trương đầu tư thì đề xuất thực hiện các bước tiếp theo. Nhưng phải di dời tiểu thương rồi thì mới cưỡng chế”, ông Sinh nói.
Dư luận cho rằng, Cty Minh Quân là doanh nghiệp xung phong đáp ứng nhu cầu cấp thiết về chỗ mua bán cho tiểu thương. Họ thuê đất, bỏ tiền xây chợ và chịu nhiều chi phí. Nhưng chợ hoạt động chưa đầy năm thì nhiều tiểu thương trả lô. Nếu chính quyền thu hồi chủ trương đầu tư thì chắc chắn họ bị thua lỗ nặng.
Còn về phía Cty Lộc Tiến Phát kết hợp với bà Trần Thị Mỹ Ly cho xây “chợ chui” rồi khai thác thì không bị thu thuế. Việc mua bán ở đây lại chiếm ưu thế hơn. Trong khi hướng xử lý của lãnh đạo TP Long Xuyên thì theo kiểu “cả hai cùng sống hoặc cùng chết”, thiếu nghiêm minh. Điều đó sẽ gây ra sự bất bình đẳng trong đầu tư, kinh doanh. Vậy liệu có ai còn dám đầu tư vào Long Xuyên?
DĐDN sẽ tiếp tục thông tin!