“Loạn” phương tiện thủy nội địa (Kỳ 1): Hoạt động “chui”, “trốn” đăng kiểm
Thống kê từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, hiện có khoảng 85 nghìn phương tiện thủy nội địa “trốn” đăng kiểm, 70% phương tiện loại này không quay lại đăng kiểm nhưng vẫn “vô tư” hoạt động.
Tính đến tháng 10/2020, cả nước có 305,735 phương tiện thủy nội địa đã đăng kiểm, nhưng không có tổng số liệu các phương tiện thuộc diện phải đăng kiểm.
“Thả nổi”, không kiểm soát
Thông tin từ Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho thấy, hiện nay tại một số địa phương, số lượng phương tiện thủy trong diện phải đăng ký, đăng kiểm nhưng chưa thực hiện chiếm số lượng khá lớn, thậm chí có địa phương còn có tới gần 80%, nhất là ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa như khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khu vực miền Trung và miền núi phía Bắc nước ta.
Hiện nay, không thể thống kê chính xác trên toàn quốc có bao nhiêu phương tiện thủy thuộc diện phải đăng ký, bởi số lượng điều tra năm 2007 tính đến nay cũng đã 13 năm. Các địa phương cũng không kiểm soát, quản lý được phương tiện nhỏ theo quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Hơn nữa, những biến động thực tế về phương tiện, người lái trong thời gian dài không được các địa phương cập nhật, thông tin đầy đủ.
Theo quy định tại Thông tư 75 ngày 19/12/2014 của Bộ Giao thông vận tải, định kỳ ngày 25 hàng tháng, các sở giao thông vận tải địa phương phải báo cáo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam kết quả đăng ký phương tiện thủy. Tuy nhiên, việc quy định báo cáo này gần như “chìm vào quên lãng” với chỉ khoảng 30 sở báo cáo, nhưng con số cũng không đầy đủ.
“Gian nan” đăng kiểm phương tiện
Đánh giá về nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: trong vài năm gần đây, nhu cầu vận tải ít, số phương tiện không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng và khi đó chủ phương tiện không tiến hành đăng kiểm đúng chu kỳ; những phương tiện nhỏ, chủ yếu của dân nghèo, nhận thức còn hạn chế nên chưa có ý thức chấp hành quy định của luật.
“Chính quyền địa phương, các cơ quan tuần tra kiểm soát trên đường thủy chưa quyết liệt và nghiêm khắc trong xử lý vi phạm", lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam chia sẻ.
Theo ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng tàu sông (Cục Đăng kiểm Việt Nam), do đặc thù của công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa là cơ quan đăng kiểm phải thực hiện tại nơi neo đậu phương tiện, các phương tiện thường phân bố không đồng đều, rải rác ở khắp các sông, kênh, rạch ở vùng đồng bằng, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vì vậy việc đi lại rất khó khăn, chi phí đi lại, lưu trú rất tốn kém.
Bên cạnh đó, ông Học cũng cho biết, một số phương tiện không quay lại đăng kiểm là các phương tiện không còn nhu cầu hoạt động (dải bản), hết niên hạn hoạt động nhưng không báo lại để xóa số, nhằm loại những phương tiện này ra khỏi danh sách phương tiện đang hoạt động, dẫn đến tồn tại phương tiện ảo. Khó đánh giá được tình hình thực hiện đăng kiểm phương tiện.
“Do không có số liệu chính xác về tổng số phương tiện thuộc diện phải đăng kiểm chưa thực hiện đăng kiểm nên rất khó khăn trong dự báo tình hình phát triển đối với phương tiện thủy nội địa làm cơ sở xây dựng kế hoạch dài hạn đối với việc quản lý loại phương tiện này”, ông Học thông tin.
Có thể bạn quan tâm