Hải Phòng: Thành Dền bị xâm hại bởi hoạt động khai thác đá?
Việc khai thác đá tại xã Liên Khê, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng dẫn đến xoá sổ nhiều di sản quý giá và ảnh hưởng nghiêm trọng tới khu di tích Thành Dền - Đấu Dong?
Theo phản ánh của người dân xã Liên Khê, núi Thành Dền nằm trong vùng lõi của quần thể di tích lịch sử - văn hoá xã Liên Khê. Tuy nhiên việc cấp phép cho một số doanh nghiệp khai thác đá tại khu vực này gây ảnh hưởng nghiêm trọng và xoá sổ nhiều di sản quý giá.
Cả một vùng di sản
Có rất nhiều công ty đã được cấp phép khai thác đá trên địa bàn xã Liên Khê, hiện một số công ty đã dừng khai thác vì hết phép chỉ còn lại Công ty CP Tân Phú Xuân khai thác. Năm 2010, trong quá trình khai thác khoáng sản tại khu vực núi Thành Dền, Công ty CP cung ứng vật tư Tiến Thành tìm thấy một ngôi mộ tại đây. Công ty tiến hành cất bốc và chuyển mộ ra vị trí tạm thời tại nghĩa trang của làng văn hóa Thiểm Khê ở khu vực núi Thành Dền. Vài năm sau, Hội đồng Mạc tộc ở huyện Thủy Nguyên nhận đây là “mộ của nhà vua Mạc Đăng Dung”?. Sau đó, Hội đồng Mạc tộc đã xây nhà tạm làm lễ khi về viếng thăm mộ.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học và ký ức của người dân, xưa kia nhà Mạc cho đắp một đoạn tường thành ở phía Đông (bằng đất trộn với đá dăm) từ núi Cổ Ngựa - núi Dẹo tới phía Đông Bắc của Thành Dền tại cửa Hàm Ếch, tạo bức tường thành có chiều dài khoảng 500m, cao hơn 10m. Thành án ngữ phía Đông. Tại phía Bắc, dưới chân núi Thành Dền cũng có một đoạn tường thành dài khoảng 1.000m. Chu vi của toàn thành bao gồm các dãy núi bao quanh và tường đắp bằng đất dài khoảng 4.000m… Tuy nhiên, đến nay quá trình khai thác đất, đá đã làm thay đổi địa hình, phần lớn dấu tích tường thành không còn, chỉ còn dấu vết của 2 đoạn sườn núi Cổ Dẹo, một đoạn dài 28m, cao 13 đến 15m, chân thành rộng 8m; đoạn thứ 2 dài 76m cao 3m, chân thành rộng 8m.
Cùng với những nghiên cứu của các nhà khoa học, báo cáo của UBND huyện Thuỷ Nguyên, hay trong Công văn số 470/KHĐT-VXH của Sở KHĐT gửi UBND TP Hải Phòng đều có nêu, khu vực Thành Dền là khu vực phòng thủ của nhà Mạc, gắn với truyền thuyết là nơi an táng của các Vua nhà Mạc.
Bảo tàng Hải Phòng cũng có báo cáo cho rằng, thời nhà Mạc (thế kỷ 16), Ninh vương Mạc Phúc Tư được nhà Mạc giao trấn giữ Hải Đông đã bồi đắp, xây dựng kiên cố thành Dền, thành Đấu Đong để làm căn cứ phòng thủ, luyện tập chống quân xâm lược giai đoạn 1527-1593.
Bị tàn phá tan hoang
Từ những kết quả nghiên cứu trên cho thấy đã có cơ sở ban đầu xác khu vực Núi Thành Dền thôn Thiểm Khê được nhà Mạc chọn làm căn cứ phòng thủ và là nơi an táng thi hài của các vua Nhà Mạc. Vì vậy, Sở Văn hoá Thể thao Du lịch Hải Phòng đã đề nghị UBND TP Hải Phòng căn cứ theo Luật Di sản văn hoá, Luật Khoáng sản, cho dừng hoạt động khai thác tại khu vực đồi núi thôn Thiểm Khê (xã Liên Khê) để lập dự án tôn tạo, xây dựng khu di tích Thành Dền.
Tuy nhiên, TP Hải Phòng đã không thực hiện dừng khai thác khoáng sản tại đây, mà còn tiếp tục cấp phép cho Công ty CP xi măng Tân Phú Xuân khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích hơn 20ha với mức khai thác xuống sâu đến - 20m tại núi Bụt Mọc trong 10 năm (năm 2015 sau khi doanh nghiệp này hết phép).
Quá trình khai thác đất đá sản xuất vật liệu xây dựng còn phát lộ 2 ngôi mộ có kích thước quan, quách lớn bằng gỗ quý cùng nhiều binh khí, vật dụng, đồ dùng tùy táng.
Ông Mạc Văn Quý - trưởng ban quản lý lăng mộ nhà Mạc cho biết, “khu vực Thành Dền – Đấu Đong là tài sản quốc gia, là bảo vật của nhân dân, chúng tôi muốn khôi phục, bảo tồn và gìn giữ tài sản vô giá đó. Chúng tôi mong muốn thành phố xem xét để Công ty xi măng Tân Phú Xuân ngừng mọi hoạt động khai thác, đào bới để bảo vệ tài nguyên, tài sản quốc gia”.
Có mặt tại khu vực Núi Bụt Mọc xã Liên Khê vào những ngày cuối tháng 8, đập vào tai chúng tôi là tiếng máy móc kêu ầm ầm, phần sườn núi bị cào nham nhở; có chỗ đã bị khoét sâu xuống khoảng 30m, tạo thành những hố đá sâu hoắm khổng lồ do những lần nổ mìn khai thác đá gây ra. Sau nhiều năm bị khai thác với quy mô lớn, quả núi sừng sững ngày nào giờ bề mặt như bị cắt gọt, chỉ còn chỏm núi hình chóp màu nâu sậm. Bốn bề núi bị cày xới tan hoang với các vách núi dốc đứng, lởm chởm đá nhọn.
Cách đó không xa, núi Cống Đá 2 từ hơn 10 năm trước cũng biến thành mỏ khai thác đá. Quả núi gần như đã biến mất, chỉ còn sót lại một vài chỏm đất đá quanh chân núi. Kế bên, núi Thành Dền cũng thành đại công trường khai thác đất silic suốt nhiều năm qua. Quả núi bị cày xới tan hoang, gần như biến mất, chỉ còn lại một góc với vách đá lởm chởm bên những vũng sâu hoắm dưới chân.
Ông Mạc Kim Trọng- Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại và Phát triển Thành Dền cho biết, việc Công ty Cổ phần xi măng Tân Phú Xuân khai thác khoáng sản, đào bới đất đá đã xâm hại nghiêm trọng và phá hủy, xóa sổ nhiều di sản văn hóa quý giá tại khu vực đồi núi thôn Thiểm Khê, xã Liên Khê, để lại một vùng đất hoang tàn, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân địa phương.
Theo đánh giá của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch TP Hải Phòng, khu vực Thành Dền - Đấu Dong bao gồm các di tích đã được xếp hạng các di tích được Khảo sát và đánh giá giá trị nằm ở các địa điểm núi Dền, Cổ Dẹo, Diệu Tú, Bụt Mọc, Bờ Tường, Hang Tằm cần phải được bảo vệ bảo tồn tôn tạo đầu tư theo quy hoạch và dự án để nơi đây trở thành điểm tham quan nghiên cứu khoa học giáo dục truyền thống tổ chức các hoạt động văn hóa cho nhân dân địa phương và du khách thập phương trong và ngoài thành phố góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển kinh tế xã hội địa phương theo hướng mô hình bền vững hiệu quả.
Được biết, UBND TP Hải Phòng cũng vừa tiến hành xong đợt thanh kiểm tra 2 tháng (60 ngày) về hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Liên Khê và đang chờ kết quả.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Doanh nghiệp khai thác đá, người dân “khổ trăm bề”
13:00, 05/08/2021
Nghệ An: Vây bắt điểm khai thác đá trắng trái phép quy mô lớn
03:20, 16/07/2021
Hải Phòng: Công ty Kiên Ngọc có khai thác đá trái phép, gây ô nhiễm môi trường?
19:56, 17/11/2020
Hà Tĩnh: Sai phạm khai thác đất, 2 doanh nghiệp bị “trảm”
15:17, 29/06/2020