“Lỗ hổng” thương mại điện tử

DUY LONG - NGUYỄN GIANG 18/02/2022 04:00

Mặc dù kinh doanh thương mại điện tử được đánh giá là kênh phát triển kinh tế đầy tiềm năng trong giai đoạn 4.0. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì cũng tồn tại nhiều “lỗ hổng” và bất cập.

>>>Thương mại điện tử năm 2022: “Cuộc chiến” giành click khách hàng

Không phủ nhận kinh doanh thương mại điện tử là kênh phát triển kinh tế đầy tiềm năng trong giai đoạn 4.0, bởi, những hình ảnh quảng cáo về hàng hóa trên nền tảng mạng xã hội rất hấp dẫn để kích thích người tiêu dùng. Tuy nhiên, đã có trường hợp khi hàng được giao lại không thể dùng được, hoặc không đúng với những gì khách hàng đã chọn mua online trước đó. Thực tế nhiều người tiêu dùng đã lên tiếng, phản ánh về tình trạng mua hàng hoá qua các sàn thương mại điện tử mà chính họ là nạn nhân vì đã từng gặp phải.

phản ánh của tài khoản Facebook Ngô Quý Nhâm, trong quá trình mua sản phẩm trên shopee (mạng xã hội), thì đã gặp phải nhiều bất lợi trong quá trình mua hàng

Các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn đang được giao bán tràn lan trên các trang thương mại điện tử 

Đơn cử, theo phản ánh của tài khoản Facebook Ngô Quý Nhâm, trong quá trình mua sản phẩm trên Shopee thì đã gặp phải nhiều bất lợi trong quá trình mua hàng. Cụ thể, khi người mua bấm vào nút “chấp nhận hàng” thì trên app ngay lập tức có cảnh báo “khách hàng không được đổi/ trả và hoàn tiền” (tức sau khi đã bấm vào nút mua một món hàng).

Điều đáng nói, khi sử dụng hàng thì mới phát hiện ra sản phẩm không đúng với những gì quảng cáo như: Sản phẩm mua đã có sự thay đổi về thông tin trên bao bì từ thông tin nhà sản xuất lẫn nguồn xuất xứ (thay vì mua sản phẩm có nhãn mác của Đức thì lại là sản phẩm có nguồn gốc khác). Chưa kể, thông tin về phiếu bảo hành cũng không có. Thông thường thì kể cả hàng của Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ thì thời gian bảo hành cũng từ 12-24 tháng, thế nhưng mua sản phẩm trên Shopee thì không có thông tin này.

Cũng theo tài khoản Ngô Quý Nhâm, sau khi phát hiện và chất vấn Shopee thì nhận được câu trả lời: “Khách hàng đã chấp nhận sản phẩm thì không được đổi/trả”, và ngay sau đó thì Shopee đã tự ý đổi thông tin sản phẩm trên mạng.

Theo tài khoản Ngô Quý Nhâm, nếu Shopee là một thương hiệu uy tín, có trách nhiệm thì khi khách hàng phản ánh, bản thân Shopee sẽ phải kiểm tra lại và có biện pháp xử phạt các Shop. Thế nhưng Shopee đã không làm như vậy, dường  như đang bao che cho hành vi gian lận thương mại của các shop?

Qua tìm hiểu, được biết hầu hết các sàn TMĐT khi lựa chọn các đơn vị tham gia bán hàng thường yêu cầu phải có các loại giấy tờ liên quan đến sản phẩm, đến hoạt động kinh doanh, hoặc đến kiểm tra kho hàng của nhà cung cấp... nhưng không thể kiểm tra được chất lượng thực tế của từng loại sản phẩm rao bán trên gian hàng của sàn TMĐT. Đây chính là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng bán hàng gian, hàng giả, kém chất lượng... Phổ biến nhất, là các trang mạng sử dụng hình ảnh hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn so với hàng chính hãng để thu hút người  tiêu dùng.

Khi người  tiêu dùng đặt mua hàng thông qua sàn TMĐT, thông tin sẽ được chuyển đến đơn vị bán hàng và người bán trực tiếp đóng gói sản phẩm, sau đó giao cho đơn vị vận chuyển (là đối tác của sàn TMĐT đó), để giao cho khách hàng. Như vậy, chất lượng sản phẩm được đóng gói là hàng thật, hàng giả, hay hàng kém chất lượng thì chỉ có người bán mới biết. Chính vì điều đó mà hàng giả, kém chất lượng... vẫn còn tràn lan trên các sàn TMĐT.

>>>Startup thương mại điện tử Rino huy động thành công 3 triệu USD

Cần bịt "lỗ hổng" quản lý

Liên quan đến những lỗ hổng trong quản lý hàng giả, hàng nhái trên không gian mạng, Luật sư Nguyễn Hải Vân – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho rằng: Tình trạng bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng trên các trang thương mại điện tử trong thời gian qua không phải là câu chuyện mới, mà đã xảy ra từ nhiều năm nay. Thậm chí có nhiều vụ việc đình đám được lật tẩy, rồi lên mạng chửi nhau, doạ nạt, khủng bố nhau không phải là hiếm hoi.

Về đặc điểm chung, để qua mắt người tiêu dùng, các đối tượng thường sử dụng một địa chỉ không liên quan, hoặc địa chỉ không có thật để giao dịch, sau đó tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau nên khó khăn cho công tác điều tra, bắt giữ và xử lý vi phạm.

Luật sư Nguyễn Hải Vân – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu ,cho rằng: Tình trạng bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng trên các trang mạng trong thời gian qua không phải là câu chuyện mới mẻ, mà nó đã xảy ra từ nhiều năm nay

Cũng theo Luật sư Vân, về nguyên nhân để xảy ra tình trạng nêu trên, chúng ta phải thừa nhận một nguyên nhân cơ bản xuất phát từ "lỗ hổng" về pháp lý cho đến "lỗ hổng" về quản lý. Luật đã lỗi thời dẫn đến không theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ và đã kéo theo các hệ luỵ.

Bên cạnh đó, theo Luật sư Vân, các cơ quan chức năng cũng cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên thương mại điện tử. Song song đó, các giải pháp về tăng nặng hình thức xử phạt vi phạm hành chính nhằm răn đe các đơn vị và cá nhân kinh doanh bất hợp pháp để kích thích những tổ chức cá nhân kinh doanh chân chính, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về hoạt động thương mại điện tử và sàn giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam (“Nghị định 85”) có  hiệu lực từ 01/01/2022. Nghị định 85 sẽ tác động đến hoạt động của thương nhân cả trong và ngoài nước trên các nền tảng thương mại điện tử. Quy định ra đời để kịp thời điều chỉnh sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, đồng thời thắt chặt các quy định thu thuế của Chính phủ đối với các bên cung ứng dịch vụ thương mại điện tử. Dưới đây là một số điểm mới đáng chú ý mà cá nhân, tổ chức có liên quan cần cập nhật.

Nghị  định không phân biệt giữa TMĐT với thương mại truyền thống, mà có sự bình đẳng giữa 2 loại hình kinh tế này. Tức là ở môi trường thương mại truyền thống, quy định hàng hóa khi muốn trao đổi, mua bán, phải tuân thủ những yếu tố gì thì quy định trên môi trường Internet cũng như vậy. Trước đây,  chưa quy định trách nhiệm của người quản lý sàn giao dịch TMĐT, mà chủ yếu xoay quanh người bán hàng, thì trong Nghị định thay thế đã  quy định trách nhiệm của chủ thể quản lý sàn giao dịch TMĐT.

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!

Có thể bạn quan tâm

  • Startup thương mại điện tử Rino huy động thành công 3 triệu USD

    05:23, 13/02/2022

  • Một tư duy thương mại điện tử (Phần 2)

    04:00, 08/02/2022

  • Một tư duy thương mại điện tử (Phần 1)

    04:00, 07/02/2022

  • Thương mại điện tử năm 2022: “Cuộc chiến” giành click khách hàng

    12:00, 01/02/2022

  • DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Thương mại điện tử nông sản dần khởi sắc

    04:08, 23/01/2022

  • Ùn tắc nông sản biên giới: Đẩy mạnh kênh tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử

    03:15, 18/01/2022

  • Thúc đẩy khởi nghiệp dựa trên thương mại điện tử - kinh tế số

    05:38, 03/01/2022

DUY LONG - NGUYỄN GIANG