Vì sao Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong bị miễn nhiệm?
Sáng 4/11/2022, tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 10, các đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI đã bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Lê Tuấn Phong.
>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Kỷ luật lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Thuận
Cụ thể, theo kết quả bỏ phiếu tại kỳ họp sáng 4/11/2022, có 40/40 đại biểu đồng ý miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đối với ông Lê Tuấn Phong nhiệm kỳ 2021-2026. Kỳ họp gồm 40/53 đại biểu tham gia, trong đó ông Lê Tuấn Phong vắng mặt vì việc gia đình.
Về lý do miễn nhiệm, theo thông cáo báo chí, ông Lê Tuấn Phong đã có đơn xin thôi giữ các chức danh Phó Bí thư Tỉnh ủy, thôi tham gia Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2020-2025, thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh khóa XI.
Căn cứ từ đề xuất trên, cấp có thẩm quyền đã quyết định cho ông thôi giữ chức vụ phó bí thư Tỉnh ủy, thôi tham gia Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2020-2025 để nghỉ công tác từ ngày 1/11/2022.
Ông Lê Tuấn Phong (46 tuổi, quê huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) có trình độ chuyên môn thạc sĩ kỹ thuật xây dựng, kỹ sư xây dựng cầu đường, trình độ lý luận chính trị cao cấp.
Ông Phong từng kinh qua các chức vụ: Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trước khi được HĐND tỉnh khóa XI bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 từ ngày 18/1/2021.
Đáng chú ý, sau khi giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận từ ngày 18/1/2021 (tức hơn 20 ngày sau khi nhậm chức Chủ tịch tỉnh Bình Thuận), ông Lê Tuấn Phong đã ký quyết định đối với 1 dự án chưa từng có trong “tiền lệ”, và được cử tri lên án là bất thường khi cho 1 dự án “hồi sinh” sau 20 năm, trong khi theo quy định là phải thu hồi vì không triển khai dự án.
Cụ thể, ngày 9/2/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong ký văn bản số 445/QĐ-UBND, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án du lịch sinh thái Xuân Quỳnh (sau 20 năm).
Quyết định này được cho là thay thế văn bản số 2915/UBBT-XDCB, ngày 03/12/2001, do ông ông Lê Tú Hoàng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận (người thân sinh ra ông Lê Tuấn Phong), cho Công ty Cổ phần Rạng Đông.
Ông Lê Tú Hoàng được biết đến với những sai phạm và từng bị Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ), đề nghị Thủ tướng Chính phủ kiểm điểm về việc thiếu nghiêm túc khi xem xét lại vấn đề theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, liên quan đến mâu thuẫn xảy ra ở Công ty CP khách sạn Phan Thiết, năm 2003, Thanh tra Nhà nước đã đưa ra kiến nghị và trong báo cáo trình Thủ tướng về kết quả kiểm tra mâu thuẫn ở, Công ty CP khách sạn Phan Thiết. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tú Hoàng đã ký một số văn bản, yêu cầu đình chỉ đại hội cổ đông tại công ty là không đúng nguyên tắc; can thiệp hành chính trái pháp luật vào nội bộ doanh nghiệp.
Thanh tra Nhà nước cũng cho rằng, UBND tỉnh Bình Thuận có những văn bản, chỉ đạo bằng biện pháp hành chính với công việc của Công ty Cổ phần khách sạn Phan Thiết là không phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp. Trong quá trình xử lý mâu thuẫn tại đơn vị, UBND tỉnh đã thiếu thận trọng trong phương pháp chỉ đạo, chưa đánh giá đầy đủ bản chất vụ việc xảy ra tại đây; đồng thời thiếu nghiêm túc khi xem xét lại vấn đề theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
>>Vụ án "đất vàng" vào tay doanh nghiệp tại Bình Thuận: Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc
Vi phạm nghiêm trọng…
Trước đó, tại kỳ họp thứ 14, Ủy ban Kiểm tra trung ương thông báo kỷ luật ông Phong bằng hình thức cảnh cáo. Việc kỷ luật này là thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương tại kỳ họp thứ 12 về vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận và một số tổ chức, cá nhân nhiệm kỳ 2015-2020.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ trên đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất, thực hiện một số dự án; một số cán bộ, đảng viên trong đó có cả lãnh đạo chủ chốt của tỉnh bị khởi tố, bắt tạm giam.
Những vi phạm trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Nhiệm kỳ này ông Phong kinh qua các chức vụ giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư và phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.
Ngày 21/7/2022, Thủ tướng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phong do có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác gây hậu quả nghiêm trọng và Ủy ban Kiểm tra trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng.
… và thất thoát tài sản nhà nước
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin và vào cuộc từ đầu vụ việc, sau khi có những tờ trình “hoả tốc” về tham mưu của các sở ban ngành cho UBND tỉnh Bình Thuận, thì hàng trăm nghìn mét vuông "đất vàng", đất công tại trung tâm thành phố Phan Thiết, Bình Thuận bỗng dưng rơi vào tay tư nhân một cách “bất thường”, khiến hàng trăm hộ dân "mất nhà, mất cửa"… thậm chí phải sống trong cảnh “màn trời, chiếu đất”.
Điều đáng nói, tất cả các khu đất này chủ yếu có nguồn gốc là đất công, đất rừng… thông qua công tác giải tỏa (mồ mả, đất ở, nhà ở, đất rừng… của những người dân nghèo, đất quy hoạch làm trụ sở cơ quan hành chính), nhưng sau đó được chính quyền tỉnh Bình Thuận giao cho doanh nghiệp nhưng không thông qua đấu giá.
Nghiêm trọng hơn, trong quá trình thực hiện còn lộ rõ những lỗ hổng, yếu kém của các cơ quan tham mưu trong việc áp dụng luật định, đối tượng ưu tiên, thậm chí là xuất hiện những dấu hiệu của việc "luật chưa thông”… nhưng “đất công đã loạn”.
Ngày 10/2/2022, Cơ quan CSĐT- Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (3 lô đất số 18,19,20), thuộc quỹ đất hai bên đường 706B (nay là đường Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Thông) phường Phú Hài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Cùng đó, công an quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 người cùng về tội danh nêu trên, gồm: Nguyễn Ngọc Hai, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận; Lương Văn Hải, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận; Hồ Lâm, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận; Lê Nguyễn Thanh Danh, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận; Ngô Hiếu Toàn, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận.
Tiếp đến, từ ngày 2 – 4/3/2022, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã họp và xem xét kết quả kiểm tra dấu hiệu sai phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ủy ban Kiểm tra T.Ư nhận thấy Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước trong quản lý, sử dụng đất, thực hiện một số dự án... Một số cán bộ, đảng viên trong đó có cả lãnh đạo chủ chốt của tỉnh bị khởi tố, bắt tạm giam. Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Có thể bạn quan tâm
Bình Thuận ưu tiên phát triển du lịch biển, năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao
22:06, 19/09/2022
"Cát tặc" lộng hành trên sông La Ngà tỉnh Bình Thuận
00:54, 29/09/2022
Vì sao Bình Thuận thu hồi văn bản giao đất trên thực địa đối với dự án Hamubay?
17:00, 03/08/2022
Thủ tướng kỷ luật cảnh cáo đương kim Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong
14:51, 21/07/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Kỷ luật lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Thuận
20:00, 21/07/2022
Bình Thuận: Phát hiện lô rượu Chivas Regal tiêu thụ bất hợp pháp
19:04, 25/08/2022