Tiếp tục cắt giảm 50% chi phí và điều kiện kinh doanh trong năm 2018
Cắt giảm, đơn giản hoá 50% danh mục hàng hoá, thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện đầu tư kinh doanh hướng tới đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN – 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh trong năm 2018.
Đó là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết số 138/NQ-CP tại phiên họp Chính phủ với các địa phương, vừa được Thủ tướng ký ban hành. Theo đó, các bộ, cơ quan, địa phương tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể thông qua hoạt động đối thoại chính sách thường xuyên, kịp thời xử lý những khuyến nghị của doanh nghiệp.
Mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã công bố kết quả tình hình về tình hình thực hiện Nghị quyết năm 2017, hàng loạt những con số “giật mình” về chi phí kiểm tra hiệu suất năng lượng, phí kiểm dịch thú ý và phí kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đã được đưa ra, dường như đang “gãi đúng chỗ ngứa” của doanh nghiệp. Chi phí kiểm tra chuyên ngành là một trong những nội dung được Nghị quyết 123/NQ-CP “chỉ mặt, đặt tên” rằng còn nhiều dư địa, thấp điểm, thấp hạng. Điều này cho thấy, bên cạnh những chỉ số thăng hạng vượt bậc, vẫn còn những chỉ số cải thiện chưa như kỳ vọng.
Liên quan đến chi phí kiểm tra chuyên ngành, có lẽ câu chuyện của Công ty TNHH Vĩnh An sẽ là câu chuyện không dễ quên của dư luận. Theo đó, công ty này cho biết từ năm 2013 đến nay, Công ty TNHH Vĩnh An mất gần 1 tỷ đồng cho chi phí kiểm nghiệm chất lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Như vậy, trung bình mỗi năm công ty này phải bỏ ra 300 triệu đồng để hoàn thiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Ngoài ra, thời gian kiểm tra thực tế kéo dài đến 48 tiếng, thậm chí có trường hợp còn kéo dài đến 72 tiếng. Như vậy, chi phí lưu kho lưu bãi của các doanh nghiệp là “khủng khiếp”. Bởi tại khu vực cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, mỗi năm có khoảng 80 triệu TEU (container tiêu chuẩn) hàng hóa, trong đó có khoảng 10% là thức ăn chăn nuôi hoặc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tức là khoảng 8 triệu container.
Mặc dù năm 2017, nhiều tổ chức quốc tế và các định chế tài chính đã ghi nhận môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam được cải thiện nhiều nhất, ba bộ chỉ số đặt mục tiêu đều tăng điểm và tăng hạng. Cụ thể năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc so với năm 2016 từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế và môi trường kinh doanh đạt thứ hạng 68/190, tăng 14 bậc so với năm 2016. Đây là mức tăng bậc nhiều nhất trong thập niên qua. Nếu tính hai năm liêp tiếp thì môi trường kinh doanh của nước ta tăng 23 bậc; đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127. Đây cũng là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được từ trước cho đến nay.
Tuy nhiên, những tồn tại như câu chuyện thực tế của doanh nghiệp Vĩnh An cho thấy đâu đó vẫn còn tinh thần “trên nóng dưới lạnh”. Và Nghị quyết 123/NQ-CP đã một lần nữa cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Ngoài ra, Nghị quyết 123/NQ-CP cũng đề ra kỳ vọng phấn đấu đến cuối năm 2018, 100% các đơn vị thuộc bộ, ngành Trung ương, UBND cấp tỉnh giải quyết, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; tập trung triển khai có hiệu quả hệ thống thông tin một cửa điện tử tại các bộ, ngành, địa phương.