Các bộ hoàn thành phương án cắt giảm thủ tục hành chính vào ngày 15/3
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính cho biết, ngày 15/3 này các bộ sẽ hoàn thành phương án, sau đó Văn phòng Chính phủ sẽ hoàn thành báo cáo Thủ tướng, đốc thúc 16 bộ hoàn thành và còn xuyên suốt xuống tỉnh và các cấp sâu hơn.
Mặc dù năm 2017 công tác cải cách hành chính đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ với 5.000 thủ tục hành chính được cắt giảm cùng những kết quả tích cực trên cả 6 nội dung của Chương trình Tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020. Thể chế của nền hành chính được cải cách, hoàn thiện thêm một bước, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hội nhập quốc tế.
Doanh nghiệp còn "kêu" khó
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, vẫn còn một số lĩnh vực thủ tục hành chính còn rườm rà, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, “sức khỏe” của doanh nghiệp, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Thân- Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, việc triển khai tổ chức Luật hỗ trợ DNNVV vẫn chưa khuyến khích được chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. “Quỹ hỗ trợ DNNVV tuy có bảo lãnh tín dụng nhưng lại không chuyển động được trong khi các ngân hàng có tiền cho vay, doanh nghiệp muốn vay, chỉ vì vướng ở giữa mà không vay được”, ông Thân nói.
Ông Thân cũng nêu vấn đề, tại Đà Nẵng doanh nghiệp đang “kêu” rất nhiều về việc ký kết mua bán đất với thành phố. “Trước đây doanh nghiệp ký kết hợp đồng mua bán đất giá hợp lý và ghi trong quyết định là được hưởng “lâu dài”. Nhưng gần đây lại ra quy định “lâu dài” là 50 năm và là đất thuê, do đó khi doanh nghiệp bất động sản đi vay vốn và thế chấp tài sản này ngân hàng không chấp thuận”, ông Thân cho biết.
Vị này cũng đề nghị bãi bỏ sổ hồng sổ đỏ bởi “các nước đã bỏ lâu rồi”. Hơn nữa theo ông Thân, việc này vừa mất chi phí tiền của ngân sách, khi doanh nghiệp chuyển đổi vay tín dụng từ ngân hàng này sang ngân hàng kia cũng phải chuyển đổi thế chấp tức mang sổ hồng, sổ đỏ đến các Sở địa chính và chờ đợi xác nhận gây mất chi phí và thời gian.
Có thể bạn quan tâm |
Trong khi đó ở các nước rất đơn giản, khi hai bên mua nhà chỉ cần hợp đồng có công chứng, chứng nhận, ghi mã vào, đỡ được nhiều nghìn tỷ cho đất nước, Hội đồng nên nghiên cứu vấn đề này.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, 3 nghị định còn “nợ” Luật hỗ trợ DNNVV thì hiện còn vướng văn bản về xây dựng quỹ hỗ trợ vì liên quan tới chức năng nhiều bộ ngành. Còn 2 Nghị định còn 2 Nghị định đã được đưa lên bàn thảo xong và sẽ có hoàn thành và ban hành trong tháng 3.
Không hút đầu tư bằng ưu đãi
Bộ trưởng cũng cho biết, để giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính, năm 2018 Hội đồng sẽ tăng cương đối thoại với doanh nghiệp và các hiệp hội, dự kiến tổ chức 6 hội nghị đối thoại.
“Chúng tôi thận trọng và quan tâm tới ý kiến các đối tượng chịu tác động của chính sách, giải quyết nhanh và dứt khoát những kiến nghị còn vướng mắc, 1 nghị định sửa 5 nghị định, 1 nghị định sửa 7 nghị định tiến hành sửa cho nhanh và dứt khoát, tạo lòng tin cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng nói.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng, thực hiện chỉ đạo của thủ tướng là cắt giảm 50% TTHC và điều kiện kinh doanh, mỗi bộ sẽ phải xây dựng bộ chỉ số và đưa ra phương án cụ thể, hiện Hội đồng đã lên danh sách với các số liệu về TTHC tại các bộ, thực hiện theo quyết định 2026 của Thủ tướng.
“Ngày 15/3 này các bộ sẽ hoàn thành phương án, sau đó VPCP sẽ hoàn thành báo cáo Thủ tướng, sẽ đốc thúc 16 bộ hoàn thành và còn xuyên suốt xuống tỉnh và các cấp sâu hơn, để xem xét cách tổ chức thực hiện, vì trên có thể tốt nhưng địa phương không đảm bảo. Cùng với đó tập trung cho chính phủ điện tử với ứng dụng CNTT, dịch vụ công quốc gia và cơ sở dữ liệu quốc gia”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ chủ trương chỉ đạo không dùng tăng sản lượng khai khoáng để đạt tăng trưởng GDP, không tăng trưởng tín dụng để tăng trưởng GDP. Đồng thời, Thủ tướng luôn đặt vấn đề không dùng ưu đãi là chủ yếu mà phải thay đổi cải cách TTHC, xây dựng cơ chế nhất quán để tạo lòng tin và thu hút.