Ngành Tài chính đặt mục tiêu 80% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4
Ngành Tài chính đang đặt mục tiêu 80% thủ tục hành chính được triển khai ở mức độ 3 và 4 trong quý 2/2019, nhằm giảm thiểu thời gian và chi phí của các doanh nghiệp.
Đến thời điểm hiện nay, tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến là 987 thủ tục. Trong đó, 127 dịch vụ công trực tuyến mức độ 1; 404 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 163 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 293 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Thời gian qua ngành Tài chính cũng đã đạt được một số kết quả nổi bật về cải cách hành chính, hiện đại hóa trong các lĩnh vực thuế, hải quan. Đối với lĩnh vực thuế, các cơ quan thuế đã triển khai có hiệu quả dịch vụ nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, thí điểm hệ thống cấp hóa đơn điện tử có xác thực, triển khai dịch vụ nộp thuế đất đai, hộ cá nhân điện tử, nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy điện tử...
Có thể bạn quan tâm
Tạo đột phá mới về cải cách hành chính
20:13, 19/03/2019
Động lực để cải cách hành chính từ PCI
00:03, 29/03/2019
Cải cách hành chính: Câu chuyện... dài tập!
05:00, 26/02/2019
Doanh nghiệp kỳ vọng đột phá từ cải cách hành chính
06:00, 24/02/2019
Cộng đồng doanh nghiệp sẵn sàng sát cánh cùng Chính phủ cải cách hành chính
08:53, 04/12/2018
Ông Phi Vân Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, trong quý I, ngành Thuế cũng đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử, hiện đại hoá phương thức quản lý thu nộp NSNN, nâng cấp cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu đối với quản lý thu hiện đại ở tất cả các khâu trong quản lý thuế.
Tính đến cuối tháng 3/2019, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai rộng rãi tại 63/63 Cục Thuế và 100% số Chi cục Thuế trên cả nước với 703.392 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,99% số doanh nghiệp đang hoạt động; phối hợp với 50 ngân hàng thương mại trên cả nước để triển khai thực hiện hệ thống nộp thuế điện tử với số doanh nghiệp tham gia là 697.527 doanh nghiệp đạt 99,2% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.
Hệ thống hoàn thuế điện tử được triển khai tại tất cả 63/63 Cục Thuế, đạt 96,2% số doanh nghiệp và 96,7% số hồ sơ hoàn thuế theo phương thức điện tử. Triển khai thí điểm hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đối với 254 doanh nghiệp đạt 263.991 hóa đơn điện tử. Hiện nay, ngành Thuế đang xây dựng Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 hướng dẫn về hóa đơn điện tử.
Trong lĩnh vực hải quan, toàn ngành tiếp tục thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), Cơ chế một cửa ASEAN (ASW)... Bên cạnh đó, cơ quan hải quan đã tiếp tục hoàn thiện và triển khai mở rộng Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM) trên phạm vi toàn quốc theo kế hoạch. Hệ thống VASSCM đã được triển khai tại 28/35 cục hải quan tỉnh, thành phố với 315 doanh nghiệp kinh doanh kho/bãi/cảng và kho ngoại quan...
Từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính cũng đã ban hành 2 quyết định công bố bãi bỏ 19 thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung 6 thủ tục và ban hành mới 3 thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và hải quan. Bộ Tài chính đã công khai và cập nhật đầy đủ lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính theo đúng quy định. Về rà soát cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 190/370 điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý.
Nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch nhằm giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của các doanh nghiệp, trong quý 2/ 2019, Bộ Tài chính tập trung cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tài chính công... Theo đó, Bộ Tài chính đề ra mục tiêu, thực hiện triển khai xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đến 30/6/2019 tăng lên 80%; đẩy mạnh tiến độ, nâng cao hiệu quả thực hiện NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ nộp, khai, hoàn thuế, hóa đơn điện tử...
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, việc cải cách hành chính, tạo thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp giúp cho kinh tế phát triển và ngân sách có nguồn thu bền vững. Do đó, trên cần có chủ trương đúng, triển khai nghiêm và dưới phải thực hiện đồng bộ mới đạt hiệu quả cao.