Đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố Dự thảo mới nhất của Luật Đầu tư sửa đổi, theo đó Bộ đề xuất đưa ngành "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư. Tại dự thảo lần này, các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư đã được sửa đổi. Cụ thể, bổ sung ngành "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với dịch vụ này, hạn chế tình trạng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động đòi nợ thuê gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự.
Trước đó, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm có kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ, đưa loại hình hoạt động đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh.
Nguyên nhân UBND TP. HCM đưa ra là do dịch vụ đòi nợ thuê đang biến tướng, một số vụ việc có dấu hiệu cấu kết băng nhóm gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Để đòi nợ (theo ủy quyền của chủ nợ), các công ty này thường sử dụng chiêu trò, đe dọa mang tính chất xã hội đen, trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ.
Công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp đòi nợ thuê còn chưa chặt chẽ. Nhiều doanh nghiệp hoạt động biến tướng, bất chấp pháp luật. Các con nợ bị uy hiếp, khủng bố, đánh đập… nhưng không dám khai báo, tố giác tội phạm vì sợ trả thù, do đó các cơ quan chức năng không có cơ sở để xử lý.
Tuy nhiên, TS Cao Vũ Minh - giảng viên khoa Luật Hành chính, Trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng: không nên cấm kinh doanh dịch vụ này. Việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấm kinh doanh “dịch vụ đòi nợ thuê” không khéo lại dẫn đến hiệu ứng ngược là làm phát sinh và nở rộ “dịch vụ đòi nợ thuê bất hợp pháp” nhằm lấp vào khoảng trống của sự thiếu hụt. Có thể khẳng định, cấm kinh doanh “dịch vụ đòi nợ thuê” sẽ vẫn không triệt tiêu được hiện tượng đòi nợ thuê bất hợp pháp. Lúc đó, công tác quản lý của Nhà nước càng khó khăn hơn bởi “nắm người có tóc vẫn dễ hơn so với nắm kẻ trọc đầu”.
Quyền tự do kinh doanh là quyền hiến định. Công dân có quyền kinh doanh mọi ngành nghề mà pháp luật không cấm. Cho đến nay, “dịch vụ đòi nợ thuê” là một ngành nghề kinh doanh hợp pháp.
Muốn cấm việc kinh doanh “dịch vụ đòi nợ thuê”, các nhà quản lý phải biến chủ trương này thành pháp luật. Điều này chỉ có thể thực hiện được thông qua quy trình lập pháp chặt chẽ với sự tham gia ý kiến của nhân dân và phải được cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội thông qua, TS Cao Vũ Minh nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê: Sao cứ không quản được thì cấm?
05:00, 03/10/2018
Quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ quá khó
12:05, 23/08/2018
Kiểm soát chặt các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ
00:00, 21/06/2007
Theo Luật Đầu tư hiện hành, kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuộc nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện và được hướng dẫn cụ thể về các điều kiện tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP và Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Bên cạnh đó, dự thảo hoàn thiện một số quy định tại Điều 7 của Luật Đầu tư nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nguyên tắc bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.
Theo đó, dự thảo luật này đã bổ sung một số quy định về hình thức áp dụng, nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như các nguyên tắc, điều kiện, thủ tục đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Dự thảo cũng đã bãi bỏ 17 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 6 ngành, nghề và bổ sung 3 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.
Trước đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư được dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 vừa qua. Tuy nhiên, để xử lý toàn diện những bất cập, vướng mắc trong quá trình thi hành luật, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời thể chế hóa đầy đủ, toàn diện những quan điểm của Đảng tại nghị quyết của Bộ Chính trị về "Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030" (đã được Ban cán sự Đảng Chính phủ thông qua và trình Bộ Chính trị), Chính phủ đã đề nghị lùi tiến độ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án luật này từ Kỳ họp thứ 7 sang Kỳ họp thứ 8.