Cải cách kiểm tra chuyên ngành… chưa đáng kể
Cắt giảm thủ tục, hàng hoá kiểm tra chuyên ngành nếu không thực chất thì không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển doanh nghiệp mà còn đẩy Việt Nam vào nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi thương mại toàn cầu.
Mặc dù cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã được Chính phủ nỗ lực thúc đẩy, tuy nhiên, việc “rút gọn” các thủ tục được đánh giá vẫn còn chủ yếu là cơ học, hình thức, chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp về một môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng.
Chưa có cải cách đáng kể
Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong 6 tháng đầu năm 2019 của Bộ KH&ĐT nổi lên nội dung đáng chú ý về công tác kiểm tra chuyên ngành. “Nhìn chung trong quý II năm 2019, công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chưa có chuyển biến, cải cách nào đáng kể”, Bộ KH&ĐT nhận định.
Trên thực tế, nội dung này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương vừa diễn ra cuối tuần trước. “Nhiều ý kiến còn cho rằng, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp chưa có bước tiến mới so năm 2018, nhất là kiểm tra chuyên ngành còn bất cập, ảnh hưởng ảnh hưởng phát triển. Tình hình sản xuất kinh doanh tiếp tục còn nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa khi số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng 17,4%, giải thể tăng 18,1%...”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Cụ thể, phân tích của báo cáo từ Bộ KH&ĐT cho thấy, Nghị quyết số 02 nhấn mạnh trước tháng 6 năm 2019, các bộ, ngành hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa quản lý, kiểm tra chuyên ngành.
“Tuy nhiên, nhiệm vụ này chuyển biến chậm, chủ yếu chuyển từ kiểm tra trước thông quan sang giai đoạn sau thông quan, chứ không phải cắt giảm số lượng mặt hàng kiểm tra chuyên ngành như yêu cầu của Chính phủ”, báo cáo của Bộ KH&ĐT chỉ rõ.
Đáng chú ý, theo Bộ KH&ĐT, các yêu cầu về quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong một số lĩnh vực của Bộ Công Thương như kiểm tra formaldehyte trên sản phẩm dệt may, kiểm tra hiệu suất năng lượng, yêu cầu xin giấy phép bổ sung về phân phối rượu… đang gây khó khăn, tốn kém thời gian và chi phí của doanh nghiệp. “Những nội dung này đã được kiến nghị nhiều lần, nhưng chưa được Bộ quan tâm giải quyết”, báo cáo nêu rõ.
Đơn cử, tại Thông tư số 21/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyte trong sản phẩm dệt may đã yêu cầu doanh nghiệp thực hiện kiểm tra hợp quy theo lô. Quy định này không những không giảm gánh nặng cho doanh nghiệp mà thậm chí còn gây tốn kém hơn nhiều so với trước.
“Doanh nghiệp nói với chúng tôi là họ tốn kém và chờ đợi hơn trước nhiều”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh quốc gia, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - cơ quan được giao nhiệm vụ rà soát các văn bản quy phạm liên quan đến điều kiện kinh doanh cho biết.
Bà Thảo phân tích, theo Thông tư 21, doanh nghiệp không chỉ mất chi phí kiểm tra mẫu, mà còn chi phí in tem QR. Tem QR thì chỉ in khi có kết quả kiểm tra theo lô. Thời gian chờ đợi để có kết quả hợp quy khoảng 15 - 20 ngày.
Một ví dụ khác, theo quy định tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP về quản lý kinh doanh rượu, thương nhân muốn nhập khẩu rượu trực tiếp phài có giấy phép phân phối rượu. Tuy nhiên, mỗi lần muốn nhập thêm rượu từ một nhà cung cấp mới, doanh nghiệp lại phải làm thêm thủ tục xin Bộ Công Thương cho cấp sửa đổi bổ sung. Yêu cầu này không có ý nghĩa về quản lý nhà nước, song lại tạo ra rào cản khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo thống kê hiện vẫn còn hơn 77.400 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành. Bên cạnh đó, thời gian kiểm tra chuyên ngành trung bình là 76 giờ/1 thủ tục, gấp gần 3 lần so với các nước Asean 4.
“Cắt giảm rào cản cho doanh nghiệp hiện chưa có bước tiến mới nào so với thời điểm cuối năm 2018. Từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành gần như chưa làm gì, trong khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục có những chỉ đạo rất quyết liệt”, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh CIEM nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Các bộ vẫn “ì ạch” cải cách kiểm tra chuyên ngành
11:45, 17/05/2019
Cắt giảm kiểm tra chuyên ngành: Chuyển biến chậm
17:50, 10/04/2019
"Thất thủ" cắt giảm kiểm tra chuyên ngành
05:36, 07/04/2019
Cải cách kiểm tra chuyên ngành: Tiết kiệm hơn 5 nghìn tỉ đồng/năm
21:05, 10/12/2018
Thủ tục kiểm tra chuyên ngành lĩnh vực nông nghiệp: "Một người có bệnh, bắt cả làng đi tiêm"
06:20, 03/11/2018
Rút gọn đầu mối kiểm tra chuyên ngành nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và thủy sản
15:35, 04/10/2018
Cải tiến kiểm tra chuyên ngành nông nghiệp
05:00, 28/09/2018
Nguy cơ loại khỏi cuộc chơi thương mại toàn cầu
Ghi nhận việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành thời gian qua đã định ra được một “đường ray”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, vấn đề hiện nay là cần tăng tốc, liên tục. “Nếu không tăng tốc, không kiên trì cải cách thì nền kinh tế sẽ không thể phát triển cũng như khơi dậy được những động lực tăng trưởng mới, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển với tốc độ rất nhanh, và nguy cơ tụt hậu là hiện hữu”, ông Nguyễn Đình Cung nhận định.
Do đó, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh yêu cầu vào cuộc quyết liệt, sát sao của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc thúc đẩy thực hiện Nghị quyết 02. Các bộ, cơ quan tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi. Đẩy nhanh tiến độ soạn thảo luật sửa đổi các luật có liên quan trình Chính phủ để trình Quốc hội bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục. Tập trung một đầu mối duy nhất thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với một sản phẩm, hàng hóa…
Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập với hàng loạt các Hiệp định thương mại được ký kết, các chuyên gia cho rằng, nỗ lực cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành càng trở nên cấp bách. Theo đó, các hiệp định thương mại với các cam kết về tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại xuất nhập khẩu… Trong bối cảnh đó, mục tiêu của Chính phủ là sẽ giảm từ 30 - 35% tỷ lệ hàng hóa phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành khi thông quan xuống còn khoảng 15%.
Nếu mục tiêu này không được thực hiện hiệu quả, theo đúng lộ trình cam kết thì nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi thương mại toàn cầu của Việt Nam là rất lớn. Trách nhiệm của từng bộ ngành cần được chính phủ quy định cụ thể để tăng cường tính chủ động vào cuộc thực hiện cắt giảm hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành một cách thực chất.