Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi): Doanh nghiệp kiên trì kiến nghị tăng trần giờ làm thêm mức 500 giờ/năm
Quy định áp trần giờ làm thêm tối đa mức 200 – 400 giờ/năm tuỳ loại hình là chưa phù hợp với ngành nghề sản xuất trực tiếp, hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào tháng 10 này. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về các quy định trong Dự Luật liên quan trần làm thêm giờ, trả lương lũy tiến làm thêm giờ, cắt giảm thời giờ làm việc tiêu chuẩn….
Được biết, tại Dự thảo chính lý mới nhất trước khi trình Quốc hội, cơ quan soạn thảo đưa ra đề xuất giữ nguyên quy định giờ làm việc bình thường như Chính phủ đề nghị là không quá 48 giờ/tháng.
Về giờ làm thêm, Dự thảo chỉnh lý quy định 2 phương án, phương án 1 là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày + 40 giờ/tháng + 200 giờ/năm hoặc 300 giờ/năm trong 5 loại công việc quy định tại Điều 107. Phương án 2, như dự thảo Chính phủ trình là 200 giờ/năm hoặc 400 giờ/năm do Chính phủ quy định.
Tuy nhiên, theo ý kiến các doanh nghiệp, quy định mức như vậy làm giảm sức cạnh tranh cho doanh nghiệp nếu đặt lên bàn so sánh một số quốc gia như Trung Quốc cho phép làm thêm 432 giờ/năm, Bangladesh 408 giờ, Hàn Quốc 424 giờ,….
Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt hiện không được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại như nhiều dự báo trước đó, ngược lại, tình trạng “khát” đơn hàng lại ngày càng tăng. Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Tổng công ty May Hưng Yên cho biết, Tổng Cty May Hưng Yên hiện có 16 doanh nghiệp, nhưng tháng 10 này nhiều đơn hàng đã không giữ được do chi phí lao động tăng cao.
“Nếu trước đây gia công được khoảng 2 triệu USD giờ chỉ còn khoảng 1,5 triệu USD. Trong số 16 công ty của chúng tôi chỉ có 8 công ty làm ăn có lãi. Trong bối cảnh như vậy, giữ được việc cho lao động đã là quá tốt. Hiện, dự thảo luật lại đưa ra những quy định làm dây trói chân doanh nghiệp lại”, Chủ tịch TCT May Hưng Yên chia sẻ.
Cùng cảnh khó khăn, ông Bùi Đức Thịnh - Chủ tịch Công ty CP May Sông Hồng nhận định, hiện ở Việt Nam trừ một số rất ít doanh nghiệp có năng lực về kĩ thuật công nghệ hay lợi dụng được nguồn tài nguyên dồi dào thì có tới 90-95% số doanh nghiệp rất nhỏ và èo uột.
Hàng hóa đầu ra thì luôn bấp bênh, giá cả từ người đặt hàng mỗi ngày một giảm vì sức ép từ thị trường tiêu thụ. “Khi hàng hóa như vậy, đầu tư như vậy thì lấy đâu ra năng suất cao để có thu nhập cao, để mà tích lũy tài chính dồi dào sẵn sàng bù đắp cho người lao động khi làm ăn không thuận”, ông Thịnh đặt vấn đề.
Có thể bạn quan tâm
“Quản chặt” giờ làm có lợi cho ai?
11:05, 28/09/2019
Đề xuất tăng giờ làm thêm: Chính phủ kiến nghị tăng, Quốc hội đề nghị giữ
11:00, 20/09/2019
Chủ tịch VCCI: Muốn tăng GDP thì không thể giảm giờ làm!
16:47, 16/09/2019
60% doanh nghiệp làm ăn không lãi, chưa phải thời điểm để tăng lương giảm giờ làm
13:19, 14/08/2019
Trần giờ làm thêm “làm khó” doanh nghiệp
05:03, 10/08/2019
Đặc biệt, theo nhiều nghiên cứu, năng suất của lao động của Việt Nam vẫn đang ở thứ hạng thấp theo tính toán dựa trên số liệu tính theo PPP 2011. Cụ thể, năng suất của Việt Nam năm 2017 mới đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% của Singapore; 18,4% của Malaysia; 36,2% của Thái Lan; 43% của Indonesia và bằng 55% của Philippines.
Do đó, Chủ tịch Công ty CP May Sông Hồng kiến nghị tăng thêm giờ làm thêm lên 400 hay 500 giờ/ năm để người lao động có thêm một lượng thời gian vừa phải để làm việc trên cơ sở máy móc, thiết bị và hàng hóa hiện hữu của doanh nghiệp để tăng thêm một khoản thu nhập.
Đồng thời, để doanh nghiệp có khoảng thời gian an toàn để xử lý các tình huống bất bình thường. Các chi phí làm ngoài giờ về tiền công, năng lượng...rất cao, nên doanh nghiệp hoàn toàn không coi đó là khoảng thời gian làm việc nhằm thu thêm lợi nhuận.
“Không ít doanh nghiệp đã phải chịu tổn thất nặng nề vì qui định thời gian làm việc ngặt nghèo ở Việt nam, hàng nghìn lao động ở các nơi đó đã bị rơi vào thảm cảnh mất việc làm. Vậy nên tôi đề nghị khung làm thêm giờ cho các doanh nghiệp khoảng 450- 500 giờ/ mỗi năm là ổn thỏa và đủ an toàn”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp cũng đánh giá, nếu được thông qua, những quy định tại Dự luật sẽ tác động tới nền kinh tế bao hàm việc làm sụt giảm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, sụt giảm nguồn thu của ngân sách Nhà nước. Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu quốc tế trở nên “kém hoặc không giá trị” khi các doanh nghiệp Việt Nam bị các bên đối tác đánh giá chấm điểm trượt ngay trên “sân nhà”.
Nhìn ở cấp vĩ mô, các quy định tại Dự thảo sẽ làm cho những nỗ lực của Nhà nước hướng tới đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài có thể trở nên kém cạnh tranh. Nói như ông Phạm Hồng Việt - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Hà Nội: “Nếu những quy định trong dự thảo luật tăng thêm nhiều bất lợi, chúng tôi e ngại sẽ khó hợp tác với các đối tác nước ngoài do phải đảm bảo quá nhiều quy định về điều kiện làm việc, thời gian làm thêm…”
Đồng thời, nhiều “điểm mờ” sẽ có thể trở thành “rào cản”, gây ảnh hưởng đến sự phát triển doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động dôi dư do năng lực tài chính hiện tại của nhiều doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam) chưa đáp ứng được các yêu cầu.
Nhận định về những quy định nói trên, ông Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện CIEM cho rằng, dường như dự thảo luật nghe có vẻ là bảo vệ người lao động yếu thế nhưng bảo vệ chỗ này sẽ gây ảnh hưởng đến chỗ khác. Trong khi đó, khối lao động được bảo vệ chỉ là lao động có quan hệ lao động trong khối doanh nghiệp nhưng nếu tính bảo vệ lao động thì phải tính cả khối lao động không có quan hệ lao động.
Đồng tình quan điểm này, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội khẳng định, dự thảo luật đang điều chỉnh khoảng 45% lao động đang làm công ăn lương cho giới chủ còn khoảng 55% người lao động không được điều chỉnh bởi dự thảo này.
Theo bà Hương, với đặc điểm này thì khối doanh nghiệp càng chịu gánh nặng lớn từ thời giờ làm thêm mà đây là đặc điểm của sản xuất chứ không phải đặc điểm của người lao động.