Đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên hai Phó Chủ tịch HĐND tỉnh

Thy Hằng 25/10/2019 11:01

Theo đại biểu, nếu không thể quy định có 2 Phó Chủ tịch HĐND ở tất cả các địa phương thì Luật cũng nên có độ mở nhất định, xem xét theo từng tỉnh.

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) nhận định, cả hệ thống, tất cả các cấp các ngành phải cùng thực hiện nhiệm vụ tinh giản biên chế, kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực hiệu quả. 

Sáng

Sáng 25/10, Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Không máy móc, cào bằng

Tuy nhiên, theo Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm: “Nói tinh giản biên chế không có nghĩa là giảm cào bằng mà phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan để phù hợp. Không máy móc, không cao bằng”.

Do đó, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Hội đồng nhân dân (HĐND), Đại biểu cho rằng cần xem xét lại việc tinh giản tại các cấp HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

Theo đó, Đại biểu nhất trí với số lượng đại biểu HĐND, tối đa 75 đại biểu. “Vấn đề là chất lượng đại biểu, phải tăng đại biểu chuyên trách để hướng dần tới chuyên nghiệp của các cơ quan dân cử, các nước cũng làm vậy”, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói. Đại biểu đồng thời đề nghị tăng số lượng đại biểu chuyên trách trong HĐND.

Về cấp phó HĐND tỉnh, Đại biểu cho rằng nên có hai Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. “Nếu không thể quy định có 2 Phó Chủ tịch HĐND ở tất cả các địa phương thì Luật cũng nên có độ mở nhất định, không nên cào bằng số lượng này, để xem xét theo từng tỉnh”, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Đặc biệt, về số lượng Phó Ban HĐND, Đại biểu lấy ví dụ về TP HCM và đưa ra kiến nghị 2 phó trưởng ban của HĐND là cần thiết, đề nghị không giảm. Đại biểu cho rằng cần xem xét sửa đổi Luật Giám sát đảm bảo thực lực thực quyền

Tán thành vấn đề tăng đại biểu chuyên trách trong HĐND cấp tỉnh, Đại biểu Bùi Văn Phương và đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng tăng số lượng đại biểu chuyên trách vì thể hiện được tính hiệu quả.

Đại biểu Trần Thị Hằng (Quảng Ninh) cũng đề nghị giữ nguyên 2 Phó Chủ tịch HĐND 2 Phó trưởng ban của HĐND là hoạt động chuyên trách.

“Nếu như Chủ tịch HĐND là đại biểu hoạt động chuyên trách mà chỉ có 1 Phó Chủ tịch là đại biểu hoạt động chuyên trách thì riêng việc đi họp có những việc không phải nội dung nào Chủ tịch cũng đi. Mà như thế thì riêng việc đi họp chỉ 1 Phó Chủ tịch cũng rất là thiếu người trong việc đi họp”, Đại biểu Trần Thị Hằng nói. 

Trước đó, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc cụ thể hóa chủ trương của Trung ương trong việc giảm số lượng cấp phó của hội đồng nhân dân.

Có thể bạn quan tâm

  • Sắp xếp đơn vị hành chính nhìn từ huyện Hoành Bồ và TP Hạ Long, Quảng Ninh

    05:00, 25/10/2019

  • Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021

    21:16, 16/05/2019

  • Thủ tướng “thúc” tiến độ dự thảo Nghị định sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã

    19:11, 08/04/2019

  • Ngăn ngừa “tranh thủ” bổ nhiệm, tuyển dụng trước khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã

    00:00, 13/03/2019

“Tuy nhiên, giảm như thế nào, giảm ở cấp nào, cơ quan nào thì ý kiến còn khác nhau”, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết. 

Theo đó, về số lượng Phó Chủ tịch hội đồng nhân dân cấp tỉnh, dự thảo Luật dự kiến 2 phương án tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội. Phương án 1, giữ nguyên quy định hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 2 phó chủ tịch hoạt động chuyên trách như tại Điều 18 và Điều 39 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.

Phương án 2, quy định lãnh đạo hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách, trường hợp Chủ tịch hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 1 phó chủ tịch hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; trường hợp chủ tịch hội đồng là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 phó chủ tịch hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.  

Tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, đối với hội đồng nhân dân cấp huyện, đa số ý kiến thống nhất giảm phó chủ tịch HĐND.

Đối với HĐND cấp tỉnh thì đa số ý kiến đại biểu đề nghị giữ nguyên như Luật hiện hành (gồm 2 phó chủ tịch) hoặc đề nghị quy định số lượng cấp phó căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh. 

Đối với việc giảm số lượng phó trưởng ban chuyên trách của hội đồng nhân dân cấp tỉnh, nhiều ý kiến đồng ý với đề xuất của Chính phủ nhưng cũng nhiều ý kiến đề nghị nên giữ nguyên như Luật hiện hành (gồm 2 Phó Trưởng ban) hoặc quy định mềm dẻo, linh hoạt hơn.

“Về nội dung này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, giảm số lượng Phó Chủ tịch hội đồng nhân dân cấp huyện xuống còn một ngườ”, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Về số lượng Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã loại II quy định trong luật, đa số ý kiến tán thành với việc tăng số lượng phó chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã loại II lên không quá 2 phó chủ tịch, nhưng vẫn có ý kiến băn khoăn, đề nghị lý giải kỹ hơn, thuyết phục hơn, đánh giá tính khả thi và việc tăng biên chế.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định việc tăng số lượng phó chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã loại II không làm tăng biên chế của cả nước, thực chất chỉ tăng thêm chức danh này trong tổng số cán bộ, công chức cấp xã quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ”, Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và tiếp thu theo đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội về tăng số lượng Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã loại II.

Thy Hằng