KORCHAM Trung Nam Bộ muốn tránh đánh thuế thu nhập hai lần đối với chuyên gia Hàn Quốc
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Trung Nam Bộ (KORCHAM Trung Nam Bộ) đã đưa ra một số vướng mắc liên quan đến thuế thu nhập cá nhân của chuyên gia.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Trung Nam Bộ (KORCHAM Trung Nam Bộ) đã đưa ra một số vướng mắc liên quan đến thuế thu nhập cá nhân của chuyên gia.
Đánh thuế hai lần
Trình bày tại Hội nghị Đối thoại của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Hội đồng) và Đại sứ quán Hàn Quốc với cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Đại diện KORCHAM Trung Nam Bộ cho biết, trong bối cảnh càng ngày càng có nhiều công ty Hàn Quốc tích cực đầu tư kinh doanh và hoạt động tại Việt Nam, do đó cần rất nhiều chuyên gia Hàn Quốc được phái cử sang Việt Nam làm việc ngắn hạn (Tối thiểu 2-3 ngày cho đến dưới 6 tháng).
Tuy nhiên, những chuyên gia phái cử này lại đang bị đánh thuế thu nhập cá nhân, điều này trở thành một gánh nặng đối với các hoạt động tại Việt Nam của các công ty Hàn Quốc. Đối với chi phí phát sinh từ người Hàn Quốc được phái cử sang Việt Nam làm việc, theo Điều 15 của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuê đánh vào thu nhập giữa Việt Nam và Hàn Quốc, có thể đánh thuế theo Luật thuế của Việt Nam, nhưng có các trường hợp ngoại lệ như sau:
“Điều 15: Hoạt động dịch vụ cá nhân phụ thuộc
1/ Thể theo các quy định tại Điều 16, 18, 19, 20 và 21 các khoản tiền lương, tiền công và các khoản tiền thù lao tương tự khác do một đối tượng cư trú của một Nước ký kết thu được từ lao động làm công sẽ chỉ bị đánh thuế tại Nước đó, trừ khi công việc của đối tượng đó được thực hiện tại Nước ký kết kia. Nếu công việc lao động được thực hiện như vậy, số tiền công trả cho lao động đó có thể phải nộp thuế tại Nước kia.
2/ Mặc dù có những quy định tại khoản 1, tiền công do một đối tượng cư trú của một Nước ký kết thu được từ lao động làm công tại Nước ký kết kia sẽ chỉ bị đánh thuế tại Nước thứ nhất nếu:
a. Người nhận tiền công có mặt tại Nước kia trong một thời gian hoặc nhiều thời gian gộp lại không quá 183 ngày trong bất kỳ giai đoạn 12 tháng, và
b. Chủ sử dụng lao động hay đại diện chủ sử dụng lao động trả tiền công lao động không phải là đối tượng cư trú tại Nước kia; và
c. Số tiền công không phải phát sinh tại một cơ sở thường trú hoặc cơ sở cố định mà người chủ lao động có tại Nước kia”.
Do đó, KORCHAM Trung Nam Bộ đề nghị theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập giữa Việt Nam và Hàn Quốc, hầu hết các chuyên gia được phái cử ngắn hạn đều rơi vào trường hợp ngoại lệ là được miễn thuế thu nhập cá nhân, nhưng thực tế, họ bị đánh thuế thu nhập cá nhân đối với tiền ăn và chi phí đi lại do pháp nhân tại Việt Nam chi trả. Đề nghị chính phủ Việt Nam áp dụng một cách phù hợp theo Hiệp định trên giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Với tình hình hiện nay, hiện đang phát sinh việc đánh thuế hai lần khi cá nhân được cử đi công tác đối với thuế thu nhập cá nhân, đồng thời, đây trở thành gánh nặng và rất khó người sử dụng lao động tích cực phái cử người lao động sang các pháp nhân tại Việt Nam làm việc.
“Nếu vấn đề về thuế thu nhập cá nhân được giải quyết, chúng tôi kỳ vọn sẽ có chuyển biến tích cực đối với việc phái cử chuyên gia sang làm việc và điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc mở rộng đầu tư và tăng cường phục hồi kinh tế địa phương” – đại diện KORCHAM Trung Nam bộ cho biết.
Phù hợp với quy định hiện hành
Trả lời các vướng mắc trên, ông Vũ Chí Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, tại Điều 2 và Điều 26 Luật Thuế thu nhập cá nhân 04-2007 có quy định như sau:
Điều 2: Đối tượng nộp thuế
1. Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.
2. Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
a) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;
b) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.
3. Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.
Điều 26. Thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công
1. Thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định bằng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công quy định tại khoản 2 Điều này nhân với thuế suất 20%.
2. Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công là tổng số tiền lương, tiền công mà cá nhân không cư trú nhận được do thực hiện công việc tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập.
Căn cứ các quyết định nêu trên, trường hợp chuyên gia Hàn Quốc được phái cử sang Việt Nam làm việc ngắn ngày dưới 183 ngày/năm, các chuyên gia này được xác nhận là cá nhân không cư trú tại Việt Nam. “Theo đó, tổ chức cá nhân khi trả thu nhập cho các chuyên gia nêu trên có thể khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo mức 2% trên thu nhập phát sinh của các chuyên gia và không phân biệt nơi trả thu nhập” – ông Vũ Chí Hùng cho biết.
Bên cạnh đó, về trường hợp các chuyên gia Hàn Quốc được phái cử sang Việt Nam làm việc ngắn ngày là cá nhân không cư trú ở Việt Nam nhận được các khoản thu nhập bao gồm: tiền ăn và chi phí đi lại do pháp nhân tại Việt Nam chi trả không thuộc khoản 2 điều 15 của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
“Các chuyên gia này sẽ chịu nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật đối với thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam đối với cá nhân không cư trú nêu trên” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định.
Có thể bạn quan tâm