Dự Luật thuế tài sản: Đề xuất mang tính cào bằng
Sau khi Dự án Luật thuế tài sản ra đời tiếp tục trở thành chủ đề nóng trên nhiều diễn đàn. Để rộng đường dư luận, Diễn đàn Doanh nghiệp xin tiếp tục trích dẫn ý kiến các chuyên gia về vấn đề này.
Có thể bạn quan tâm
Đề xuất đánh thuế tài sản: “Tiền mua nhà là khoản tiết kiệm của người dân, sao lại đánh thuế?”
16:35, 17/04/2018
Thủ tướng Chính phủ: Đề xuất thuế tài sản chưa phải kết luận cuối cùng
16:08, 17/04/2018
Luật Thuế tài sản cần được thông tin đa chiều
11:21, 17/04/2018
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Hảo: Đề xuất mang tính cào bằng
Tôi thấy đề xuất này rất bất ổn vì ngưỡng không chịu thuế đó quá bất cập với các thành phố trực thuộc trung ương. Tại các thành phố này, một căn nhà tối thiểu để ở cũng đã hơn 700 triệu đồng rồi. Với một ngưỡng quá thấp như vậy, hầu như ai có nhà cũng bị đánh thuế cả, trong khi họ không phải người giàu có gì. Có khi đó chỉ là một người về hưu, ngôi nhà đó là tài sản tích cóp cả đời của họ; lương hưu sống đã chật vật, nay trả thêm tiền thuế nữa họ càng khó khăn.
Cái thứ hai nữa là đề xuất đánh thuế này lại không tập trung vào những bất động sản thứ 2, thứ 3 mà đánh cào bằng giữa hành vi đầu cơ bất động sản và nhu cầu có một ngôi nhà để ở. Trong bối cảnh ở Việt Nam chưa phát triển thị trường nhà cho thuê, việc mỗi người sở hữu 1 căn nhà để ở là nhu cầu rất chính đáng, không nên đánh thuế vào nhu cầu đó.
Thứ 3 là đề xuất của Bộ Tài chính đang cào bằng giữa đô thị lớn với tỉnh lẻ, giữa quận lớn và quận bé, giữa quận và huyện. Ví dụ cùng tại TP. HCM, quận 1 khác rất xa với quận 12. Như vậy vấn đề ở đây là phải cá biệt hóa đối với từng thành phố, từng quận huyện, thậm chí đối với từng con phố (kỹ hơn nữa là giữa nhà mặt phố và nhà trong hẻm). Phải khu biệt cho rõ bởi việc cào bằng sẽ gây bất công rất lớn cho xã hội.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Chưa nên đánh thuế tài sản
Tôi cho rằng ở thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa nên tiến hành đánh thuế tài sản. Với mức chịu thuế như vậy, trong bối cảnh thu nhập bình quân của người Việt Nam còn thấp. Ngoài phải lo cho đời sống hàng ngày còn phải chịu thêm thuế tài sản liệu có bảo đảm được cuộc sống không? Người làm chính sách cần biết khoan sức dân, để người dân có tiền. Có như vậy mới kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất.
Đồng thời, cách tính thuế nhà, đất của Bộ Tài chính làm mất cơ hội mua nhà của nhiều đôi vợ chồng trẻ. Bản thân một ngôi nhà, căn hộ, mảnh đất vốn đã chịu rất nhiều loại thuế. Khi một gia đình chuyển vào sống tại căn hộ chung cư, họ lại phải chịu thêm rất nhiều loại phí dịch vụ.
Làm một phép tính đơn giản, ở các quốc gia khác, giá nhà gấp 4 - 5 lần so với thu nhập bình quân của người dân. Nhưng ở Việt Nam, khoảng cách này là gấp 20 - 25 lần. Đó là một quá trình dài làm việc, tích lũy, sau đó khi mua cũng phải vay mượn bạn bè, người thân. Việc áp một mức thuế suất cao như vậy (từ 03 - 0,4%) tôi e sẽ làm thui chột ý định mua nhà của nhiều người, đặc biệt trong bối cảnh thị trường BĐS mới khôi phục lại trong 1, 2 năm gần đây.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam: Giá nhà 700 triệu đồng được Bộ Tài chính đưa ra đang có mâu thuẫn
Theo số lượng của Hiệp hội BĐS Việt Nam thống kê, nhà đất dưới 700 triệu đồng lượng cầu lớn nhưng nguồn cung còn hạn chế. Tuy nhiên, đâu đó có những phân khúc nội bộ nào đang dư thừa. Nhà có thể là tạo ra nhu cầu tối thiểu cho người sử dụng đang khó khăn tài chính và nhà nước đang có chính sách tạo điều kiện. Nhà cho người thu nhập cao thì nhà nước có thể điều tiết quản lý là hợp lý bằng thuế.
Giá trị nhà, trong đó giá nhà liền thổ, nhà đất đã được tính được thuế rõ ràng. Nhưng đối với chung cư, do một chủ đầu tư thực hiện, do đó tính cái việc bán cho các hộ dân thì chủ đầu tư đã tính, phân bổ ra nhiều loại, cộng tổng vào và tính ra giá trị một mét vuông đó.
Giá nhà 700 triệu đồng được Bộ Tài chính đưa ra đang có mâu thuẫn, Chính phủ có chính sách giá, nếu một nhà thương mại có giá 1.050 triệu đồng thì được ưu đãi, hỗ trợ vay vốn cho người mua và cả người phát triển. Nhưng, giờ ta lại đánh thuế với mức giá 700 triệu đồng thì cần phải xem xét có phù hợp không. Đặc biệt là đối tượng đánh thuế
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh: Dự án Luật thuế tài sản kém hiệu quả về mặt kinh tế
Dự án thuế tài sản kém hiệu quả nhất về mặt kinh tế, vì vô hình chung không khuyến khích con người lao động, tiết kiệm, chắt chiu để có được thành quả.Ở đây, đối với thuế tài sản, đánh vào nhà ở, nhà ở lại là một loại tài sản sau cùng của quá trình tích lũy tài sản của con người, như vậy vô hình chung thuế đánh vào thành tựu lao động trọn đời của con người ta.
Hơn nữa, chúng ta đang có rất nhiều sắc thuế khác nhau như: thuế thu nhập, thuế doanh nghiệp, thuế tiêu thụ, thuế xuất nhập khẩu, thuế tài sản. Trong đó thuế tài sản kém hiệu quả về mặt kinh tế.Tôi nghĩ nếu như chúng ta có khả năng thu được những thuế kia nên ưu tiên dùng để thu, tránh phải dùng những công cụ kém hiệu quả hơn so trừ trường hợp không còn nguồn thu nào cả