Thời hạn lưu trữ online cho các hoá đơn điện tử để khách hàng truy cập và lấy dữ liệu
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp hỏi về thời hạn lưu trữ online cho các hoá đơn điện tử để khách hàng truy cập và lấy dữ liệu là bao lâu?
MISA xin trả lời, theo Khoản 1, Điều 11 Thông tư 32/2011/TT-BTC
1. Người bán, người mua hàng hoá, dịch vụ sử dụng hóa đơn điện tử để ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính phải lưu trữ hóa đơn điện tử theo thời hạn quy định của Luật Kế toán. Trường hợp hóa đơn điện tử được khởi tạo từ hệ thống của tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử thì tổ chức trung gian này cũng phải thực hiện lưu trữ hóa đơn điện tử theo thời hạn nêu trên.
Người bán, người mua là đơn vị kế toán và tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử có trách nhiệm sao lưu dữ liệu của hóa đơn điện tử ra các vật mang tin (ví dụ như: bút nhớ (đĩa flash USB); đĩa CD và DVD; đĩa cứng gắn ngoài; đĩa cứng gắn trong) hoặc thực hiện sao lưu trực tuyến để bảo vệ dữ liệu của hóa đơn điện tử”
Theo mục b, khoản 5, điều 41, Luật kế toán số 88/2015/QH13, Tài liệu kế toán phải được lưu trữ theo thời hạn: "b) Ít nhất là 10 năm đối với chứng từ kế toán sử dụng trực tiếp để ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính, sổ kế toán và báo cáo tài chính năm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;".
Do đó, thời hạn lưu trữ online cho các hoá đơn điện tử để khách hàng truy cập và lấy dữ liệu thường sẽ thực hiện trong vòng 10 năm.