Gói giải pháp gia hạn thuế: Hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với dịch bệnh COVID-19
Với tổng trị giá khoảng 180 ngàn tỷ đồng, việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất được xem là giải pháp hỗ trợ thiết thực nhất, giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Ngày 26/3/2020, Bộ trưởng Tài chính ký Tờ trình Chính phủ số 47/TTr-BTC về dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy trình, thủ tục rút gọn.
Tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính có công văn số 3915/BTC-CST ngày 03/4/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho bổ sung vào dự thảo Nghị định một số đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất với tổng số tiền lên đến 180 ngàn tỷ đồng. Với dự thảo mới, diện áp dụng gói ưu đãi sẽ sẽ rất rộng, bao gồm tất cả doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đại bộ phận doanh nghiệp vừa và phần lớn doanh nghiệp lớn sản xuất kinh doanh thuộc các lĩnh vực chịu tác động của dịch COVID - 19.
Có thể bạn quan tâm
VCCI đề xuất mở rộng đối tượng được giãn thuế, tiền thuê đất do ảnh hưởng dịch
11:01, 30/03/2020
[QUYẾT TOÁN THUẾ 2019 - phần 2] Những sai sót thường mắc và những điều cần đặc biệt cần lưu ý
06:53, 29/03/2020
[QUYẾT TOÁN THUẾ 2019] Phần 1: Những điểm mới quan trọng
11:00, 28/03/2020
Những lưu ý trong quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp 2019
13:00, 25/03/2020
Một số nội dung đáng chú ý là:
Về đối tượng được gia hạn
Có thể nói hầu hết các ngành sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID - 19 được áp dụng cơ chế gia hạn, đó là:
Một là, đối với lĩnh vực sản xuất: Bao gồm doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế:
- Nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan; lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan; khái thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản;
- Sản xuất, chế biến thực phẩm;
- Dệt; sản xuất trang phục;
- Sản xuất giày dép; sản xuất sản phẩm từ cao su;
- Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan;
- Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện;
- Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm từ plastic;
- Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học;
- Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác;
- Sản xuất kim loại; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại;
- Sản xuất xe ô tô các loại (bao gồm cả loại chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống);
- Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế;
- Xây dựng;
- Sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm.
Hai là, hoạt động kinh doanh, dịch vụ: Bao gồm doanh nghiệp. tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh hoạt động trong các ngành kinh tế sau:
- Vận tải các loại (gồm vận tải đường sắt, đường bộ, đường thủy, hàng không, vận tải bằng xe buýt); kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải;
- Dịch vụ du lịch lưu trú, dịch vụ ăn uống;
- Hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch;
- Hoạt động y tế và hoạt động trợ giúp xã hội;
- Giáo dục và đào tạo;
- Hoạt động dịch vụ lao động và việc làm;
- Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí;
- Hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác;
- Hoạt động thể thao; hoạt động của các vườn bách thảo, bách thú và khu bảo tồn tự nhiên; hoạt động của các công viên vui chơi và công viên theo chủ đề;
- Hoạt động chiếu phim; Hoạt động vui chơi giải trí;
- Hoạt động kinh doanh bất động sản;
Ba là, đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo tiêu chí của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và và vừa số 07/2014/QH14 và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bốn là, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố danh sách tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia hỗ trợ khách hàng.
Như vậy, so với dự thảo cũ, dự thảo Nghị định mới có bổ sung thêm các đối tượng được gia hạn gồm:
(i) Một số ngành sản xuất như: sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm từ plastic; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất kim loại; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; sản xuất xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; xây dựng; sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm;
(ii) Một số hoạt động kinh doanh như: Hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động vui chơi giải trí;
(iii) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo danh sách do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.
Về nội dung gia hạn nộp thuế
Để bảo đảm chính sách hỗ trợ của Chính phủ được áp dụng rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình cá nhân kinh doanh chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, việc gia hạn nộp thuế sẽ được áp dụng đối với những loại thuế liên quan trực tiếp đến các cơ sở sản xuất kinh doanh, gồm thuế GTGT, TNDN (thuế TNCN đối với hộ, cá nhân kinh doanh) và tiền thuê đất.
Gia hạn thuế GTGT trong thời hạn 5 tháng: Theo thẩm quyền của Chính phủ, việc gia hạn sẽ áp dụng đối với số thuế GTGT phát sinh phải nộp tại khâu nội địa của các kỳ thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6 năm 2020 (đối với trường hợp khai theo tháng) và kỳ tính thuế quý 1, quý 2 năm 2020 (đối với kê khai theo quý). Như vậy, số thuế được gia hạn nêu trên sẽ được nộp trong các tháng 8 đến tháng 11 (đối với khai theo quý thì nộp số gia hạn vào tháng 9 và tháng 12/2020).
Về gia hạn nộp thuế TNDN: So với dự thảo lần đầu, dự thảo Nghị định mới sẽ mở rộng gia hạn đối với số thuế còn phải nộp theo quyết toán của năm 2019 và số thuế TNDN tạm nộp của quý 1, 2 năm 2020 với thời gian gia hạn là 5 tháng. Đối với những doanh nghiệp, tổ chức đã thực hiện nộp vào NSNN số thuế theo quyết toán thuế 2019 thì doanh nghiệp sẽ được bù trừ với số thuế phải nộp của các loại thuế khác.
Đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh: Được gia hạn thời gian nộp thuế 5 tháng đối với thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân phải nộp năm 2020. Số tiền thuế được gia hạn này, Hộ gia đình, cá nhân sẽ thực hiện nộp vào NSNN trước ngày 15/12/2020.
Đối với gia hạn nộp tiền thuê đất: Theo quy định thì tiền thuê đất mỗi năm nộp làm 2 kỳ, cho nên việc gia hạn 5 tháng sẽ áp dụng đối với tiền thuê đất của kỳ đầu năm, kể từ ngày 31/5. Do vậy, tiền thuê đất được gia hạn của kỳ đầu năm sẽ nộp NSNN chậm nhất là ngày 31/10/2020.
Về trình tự, thủ tục, thẩm quyền xử lý việc gia hạn nộp thuế
Theo quy định của Luật Quản lý thuế thì việc gia hạn được thực hiện rất đơn giản và thuận tiện. Theo đó, người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn chỉ cần gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp Giấy đề nghị gia hạn (theo mẫu quy định tại Nghị định của Chính phủ). Doanh nghiệp được chủ động gửi Giấy đề nghị qua mạng Internert cùng với thời điểm nộp Tờ khai thuế hoặc lựa chọn gửi qua bưu điện trong thời gian chậm nhất là ngày 30/7/2020.
Cơ quan thuế quản lý trực tiếp sẽ căn cứ vào Giấy đề nghị, đối chiếu hồ sơ thuế và ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh thực tế của doanh nghiệp để có thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp được biết. Trong thời gian được gia hạn nộp thuế, người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn sẽ không phải nộp thuế, không bị tính tiền chậm nộp thuế.
Tác động của gói giải pháp
Việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất với tổng trị giá khoảng 180 ngàn tỷ đồng được xem là giải pháp hỗ trợ thiết thực nhất, giúp cho doanh nghiệp có nguồn vốn tạm thời và tương đối khá để trang trải các chi phí phát sinh như chi phí nhân công, chi phí vật tư y tế, vệ sinh và môi trường, chi phí tổ chức lại sản xuất, chi phí quản lý, bù đắp tạm thời thiệt hại về các đơn hàng, … Trên cơ sở đó các doanh nghiệp có thể cân đối, tính toán, sắp xếp các nguồn tài chính để có thể duy trì sản xuất ở mức phù hợp, duy trì sự tồn tại và chuẩn bị sẵn sàng cho việc trỗi dậy và phát triển mạnh mẽ sau khi dịch bệnh đi qua.
Trong điều kiện NSNN còn hạn hẹp và hết sức khó khăn khi phải chi tiêu thêm nhiều khoản đột xuất đối phó với dịch bệnh, việc Chính phủ đưa ra gói giải pháp nêu trên thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao trong cam kết đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn có ý nghĩa khích lệ, động viên doanh nghiệp phát huy nội lực, cố gắng nhanh chóng ổn định sản xuất, sẵn sàng tiếp tục phát triển và điều quan trọng hơn cả là củng cố thêm niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, khơi dậy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, để doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, cùng với Chính phủ sớm chặn đứng, dập tắt dịch bệnh, đồng thời hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.