Cơ hội nào cho GS25?

Tiến Minh 07/01/2018 06:30

Sau hai tháng trì hoãn, ngày 19/1/2018 tới đây, GS25 Việt Nam, chuỗi cửa hàng tiện lợi đến từ Hàn Quốc, sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM.

Chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 của Hàn Quốc vừa thành lập một liên doanh với Sonkimland, trở thành thương hiệu Hàn Quốc đầu tiên dấn thân vào cuộc chiến cửa hàng tiện lợi khốc liệt tại Việt Nam.

Tham vọng 2.500 cửa hàng

Việt Nam là thị trường nước ngoài đầu tiên của GS25 với cửa hàng đầu tiên sẽ được khai trương tại Quận 1, TP HCM vào ngày 19/1/2018. Sau 2 năm sẽ mở rộng ra thị trường Hà Nội và dự định sẽ mở 2.500 cửa hàng trong 10 năm tới.

Trước đó, công ty này từng chia sẻ sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào cuối năm 2017.

Để chuẩn bị cho bước "dấn thân" vào thị trường Việt Nam, tháng 07/2017, GS Retail đã ký hợp đồng với Sơn Kim để thành lập một công ty liên doanh và đang nắm 30% cổ phần. GS Retail sẽ cung cấp cho liên doanh các quyền sử dụng nhãn hiệu và các kinh nghiệm quản lý và vận hành chuỗi cửa hàng tiện lợi. Đổi lại, liên doanh GS-Sơn Kim sẽ trả tiền bản quyền và lợi tức bán lẻ cho GS Retail phần lợi tức tương ứng với số cổ phần 30%.

Theo thỏa thuận, GS Retail sẽ cung cấp cho liên doanh các quyền sử dụng nhãn hiệu và các kinh nghiệm quản lý và vận hành chuỗi cửa hàng tiện lợi.

GS25 hiện là chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Hàn Quốc, chiếm hơn 30% thị trường bán lẻ tại quốc gia này. Dù thị trường cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc ban đầu cũng bị “xâm chiếm” bởi hai ông lớn là 7-Eleven và FamilyMart nhưng GS25 đã dần dần phát triển và chiếm lại thị trường từ 2 đối thủ nặng ký này.

Còn Son Kim group hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, truyền thông và bán lẻ. Công ty này sở hữu chuỗi cửa hàng đồ lót lớn cùng nhiều cửa hàng thời trang. Công ty này cũng đã hợp tác với GS Home Shopping trong mảng mua sắm tại nhà từ năm 2012. GS Home Shopping và GS Retail đều cùng thuộc hệ thống GS Group.

GS25 có cơ hội tại Việt Nam?

Hiện nay, ngành bán lẻ Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng hàng năm hai con số. Nếu như tổng mức bán lẻ năm 2010 chỉ mới đạt 88 tỷ USD thì năm 2016 đã đạt 158 tỷ USD, vượt xa con số dự báo của nhiều hãng nghiên cứu thị trường nước ngoài. Theo dự báo của Tổng cục thống kê, đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam sẽ đạt 11,9%/năm, quy mô thị trường khoảng 179 tỷ USD.

Tỷ lệ đóng góp của bán buôn và bán lẻ vào GDP với hơn 14%, kéo theo sự phát triển của hầu hết các ngành sản xuất trong nền kinh tế; đồng thời dịch vụ bán lẻ cũng là một trong top 6 các ngành nghề thu hút vốn đầu tư lớn nhất.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang được đánh giá là có nhân khẩu học rất phù hợp cho thị trường cửa hàng tiện lợi. 57% dân số là những người dưới 35 tuổi. Riêng những người ở độ tuổi 20 đến 30 đã chiếm 34,6% trong cơ cấu dân số. Tỷ lệ dân số trẻ và doanh thu bán lẻ đầy hấp dẫn của Việt Nam đã khiến rất nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi “tấn công” vào quốc gia này.

Công ty tư vấn A.T. Kearney tại Mỹ hiện xếp Việt Nam đứng thứ 6 trên toàn thế giới về chỉ số phát triển thị trường bán lẻ, tăng 5 bậc so với năm ngoái. Báo cáo còn khẳng định rằng cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini tại Việt Nam là 2 mảng đang phát triển rất “nóng”.

Những điều kiện thuận lợi trên khiến rất nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi "tấn công" vào quốc gia này. Vào tháng 6 vừa qua, 7-Eleven đã bắt đầu xâm nhập với 4 cửa hàng tại TP HCM. Và với sự xuất hiện của GS25 được đánh giá là rất phù hợp trong tình cảnh hiện nay khi thị trường cửa hàng tiện lợi tại Hàn Quốc đã bão hòa với rất nhiều sự lựa chọn cho khách hàng. Đồng thời, chính phủ Hàn Quốc vừa tăng mức lương tối thiểu lên 16,4%, khiến nhiều chuỗi cửa hàng buộc phải cắt bớt nhân sự và cải tổ nhiều mặt để duy trì lợi nhuận.

Tuy nhiên, tiềm năng lớn cũng đi liền với thách thức gay gắt. Trong những năm trở lại đây, thị trường Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ kèm theo cạnh tranh gắt gao của các chuỗi cửa hàng tiện lợi với mức tăng trưởng hàng năm 70%. Các tên tuổi đình đám có thể kể đến là chuỗi cửa hàng tiện lợi Vinmart+, 7-Eleven, Circle K, Mini Stop hay Shop&Go,... Đó là chưa kể các siêu thị mini, cũng được xem là đang cạnh tranh không nhỏ với cửa hàng tiện lợi như Co.op Food, Satra Foods, Hapro food, Bách Hóa Xanh…

Thị trường bán lẻ Việt đang được ví von như “cục nam châm” hấp lực nhà đầu tư ngoại. Nhưng thực tế, miếng ngon này không dễ ăn khi một loạt "đại gia" tên tuổi của thế giới đã phải rút lui. Kinh doanh lĩnh vực này đòi hỏi phải có kinh nghiệm cũng như trường vốn, vì để thành công đòi hỏi mỗi chuỗi kinh doanh phải phát triển hàng trăm đến hàng ngàn cửa hàng.

Theo ông Robert Trần, chuyên gia tư vấn chiến lược, muốn đầu tư vào cửa hàng tiện lợi, nhà đầu tư phải có trường vốn tốt, cực kỳ tốt mới dám đầu tư. Mở cửa hàng ồ ạt không có nghĩa là có lãi ngay mà các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn. Trong tương lai gần, cạnh tranh của thị trường bán lẻ, kênh cửa hàng tiện lợi sẽ có nhiều cạnh tranh lớn, nếu không chọn sự khác biệt, rất khó thành công.

Tiến Minh